Mới đây để tăng cường kiểm soát, không để thực phẩm từ hàng rong, không rõ nguồn gốc lọt vào trường, trường đã gửi email đến phụ huynh, khuyến cáo không cho học sinh mua, không chiều ý con để mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng rong trước cổng trường.

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền (hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT quốc tế song ngữ Canada)

Cổng trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 luôn mở cửa vì có nhiều học sinh ra vào các khung giờ học. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu như rất ít bóng dáng của những xe hàng rong đến để chào mời học sinh mua đồ ăn thức uống.

Hàng rong trước cổng trường: Vì sao nơi có, nơi không? - Ảnh 2.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM trong giờ tan trường ngày 14-12, không bị bủa vây bởi hàng rong - Ảnh: MỸ DUNG

Cảnh báo về tác hại của hàng rong

Trưa và đầu giờ chiều 14-12, ghi nhận ở cổng Trường THCS Trần Văn Ơn cho thấy nhiều học sinh ra ngoài rồi quay trở lại trường nhưng không có tình trạng mua bán thực phẩm hoặc bóng hình các xe bán hàng rong.

Trước cổng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, ghi nhận của Tuổi Trẻ trong nhiều ngày trở lại đây cũng không thấy hiện tượng các xe hàng rong "bủa vây". Tương tự, cổng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm gần Thảo cầm viên Sài Gòn cũng không hề có xe hàng rong nào "lởn vởn" để chào mời học sinh, phụ huynh mua hàng trước, sau giờ tan học.

Ở một số cổng trường tư thục, quốc tế cũng cho thấy tình hình này. Dù có hai cổng ra vào và cổng sau tiếp giáp với một khu chợ nhỏ nhưng tại Trường quốc tế Việt Úc (cơ sở 3 Tháng 2, quận 10) không có hàng rong bủa vây. Trước cổng Trường quốc tế Canada (quận 7) cũng không có học sinh mua hàng rong.

Nói về lý do không mua hàng rong, trưa 14-12 em N.T.D., học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, chia sẻ: "Hồi em học lớp 6, thi thoảng được ba mẹ cho tiền em cũng có mua với bạn vì thấy họ bán cũng hấp dẫn. Sau này ba mẹ và trường nhắc nhở nhiều nên em cũng thấy hàng rong không an toàn nên không mua nữa. Khi ra về em và nhóm bạn nếu đói bụng thì qua các cửa hàng tiện lợi để mua".

D. cũng cho biết nhiều bạn học cùng lớp em cũng thích ăn những thứ như bánh tráng trộn, cá viên chiên nhưng các bạn không tìm thấy chỗ bán nên lâu nay không ăn nữa. "Trước đây mấy bạn nữ lớp em khoái ăn bánh tráng trộn, các đồ chiên chấm xốt, bánh ngọt... nhưng giờ đây không thấy các bạn đưa vào lớp nữa vì các bạn không mua được" - D. nói.

Chị Trịnh Thị Lệ, một phụ huynh của Trường Trần Văn Ơn, cho biết hiểu được tác hại của việc dùng hàng rong đối với sức khỏe nên gia đình thường xuyên trao đổi với con về vệ sinh an toàn thực phẩm. "Tôi nói rõ với con rằng hàng rong không biết nguồn gốc ở đâu và dặn con phải dùng thực phẩm, đồ uống có nguồn gốc rõ ràng. Vì thế, con tôi không mua hàng rong, không ăn hàng rong. Ở trường, khi con chơi thể thao xong khát nước, con và các bạn có thể uống nước tại những địa chỉ bán thực phẩm có nguồn gốc" - chị Lệ nói.

Phối hợp trong, ngoài

Cô Lê Thị Thanh Giang, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết việc "quản lý" hàng rong trước cổng trường luôn là bài toán khó với nhà trường ngay cả hiện nay khi tình hình có vẻ êm ả. "Thi thoảng vẫn có xe bán hàng rong trờ tới. Nhưng nếu họ trờ tới thì mình lại nhờ địa phương dẹp. Trường chúng tôi phối hợp cả trong lẫn ngoài để hàng rong không coi cổng trường là một địa điểm họp chợ" - cô Giang nói.

Theo cô Giang, trường thông tin về tác hại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc của hàng rong đến với từng học sinh, phổ biến đến phụ huynh. Ở lứa tuổi THCS, việc giáo dục học sinh về nguồn gốc thực phẩm trở nên vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát học sinh không dùng hàng rong. Mặt khác, trường thường xuyên phối hợp với UBND phường để nhờ hỗ trợ về việc dẹp hàng rong trước cổng trường, hỗ trợ an ninh trật tự.

Với cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, biện pháp để trường tránh được hàng rong bủa vây học sinh, phụ huynh trước cổng trường là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương khi UBND phường nơi trường đóng thường xuyên rà soát và nhắc nhở giúp ổn định trật tự trước cổng trường.

"Tôi quan niệm trong việc này thì ý thức của phụ huynh, học sinh là chính. Trong tiết sinh hoạt đầu tuần, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh thấy được những cái không có lợi của việc sử dụng hàng rong. Mới đây, sự việc dùng cơm cuộn gây ngộ độc cũng được trường gửi đến tất cả ban đại diện các lớp, tuyên truyền đến tất cả phụ huynh để thay đổi ý thức của học sinh. Khi nhu cầu không có thì sẽ không có nguồn cung nào muốn đến" - cô Chi chia sẻ.

Trường TH, THCS, THPT quốc tế song ngữ Canada, quận 7 kiểm soát hàng rong trước cổng trường theo hai cách. Đầu tiên là kiểm soát cổng trường bằng cách nhờ địa phương nhắc nhở khi có xe hàng rong tiếp cận cổng trường. Tiếp đó là kiểm soát thực phẩm trong nhà trường.

"Trường yêu cầu thực phẩm chỉ đến từ hai nguồn: nguồn từ gia đình học sinh và nguồn từ căng tin nhà trường. Điều này quy định rõ trong sổ tay học sinh. Trường không cho phép học sinh mua đồ ăn ở ngoài, ngay cả đồ ăn đặt qua Grab. Khi giáo viên thấy những thực phẩm này thì tịch thu và tiêu hủy ngay. Trường cũng có giáo viên giám sát quanh trường trong giờ học sinh ra chơi để tránh những trường hợp học sinh mua được đồ ăn ở ngoài mang vào" - cô Nguyễn Thị Thu Huyền, hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT quốc tế song ngữ Canada, nói.

* Tôi hầu như không thấy hàng rong nào bán cho học sinh của các trường quốc tế cả. Cũng ở TP.HCM nhưng nếu bạn đến các trường quốc tế, các trường có danh tiếng thì bạn sẽ không thấy bóng dáng hàng rong. Vậy tại sao các trường này họ làm được? Có thể lý giải trường không chấp nhận việc buôn bán xung quanh trường thì hàng rong không thể tồn tại, hoạt động được!

(LÊ KIM THOA)

* Không có người mua, hàng rong bán cho ai. Thói quen mua bán xấu này gây ra mất vệ sinh và thiếu kỷ luật.

(N.T.D.)

* Để hạn chế vấn đề này thì trước mắt phụ huynh không nên cho con tiền (nhất là ở bậc tiểu học). Bánh trái cứ mua sẵn ở nhà, đi học thì mang theo ăn.

(NGUYỄN CHIẾN, toloan)