Hàng tồn, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường khi Tết cận kề - Ảnh 1.

Công an tỉnh Bạc Liêu vừa phát hiện 1 đối tượng vận chuyển gần 1.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu. Ảnh: TTXVN.

Hiện các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng vẫn gặp khó về khung pháp lý, đặc biệt quy định về xuất xứ, nguồn gốc hàng hoá. Vì vậy, Việt Nam cần có những hướng dẫn chi tiết về thế nào là hàng hóa made in Việt Nam?

Theo ông Nguyễn Xuân Khương - đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), việc hoàn thiện chính sách là giải pháp căn cơ phù hợp thực tế hiện nay.

Theo ông Nguyễn Xuân Khương, thông qua triển khai bắt giữ các đối tượng vi phạm, cơ quan Hải quan thấy rằng, phương thức bất hợp pháp của các đối tượng thường vi phạm như: Nhập hàng về Việt Nam rồi gắn mác Việt Nam để xuất sang nước ngoài; hàng đặt sẵn ghi nhãn mác Việt Nam rồi xuất khẩu.

“Một số doanh nghiệp khai thác, nhập khẩu nguyên liệu để gia công nhưng thực chất là sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó xuất đi nước ngoài, không đảm bảo xuất xứ; có những doanh nghiệp không có chức năng cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng vẫn tự sản xuất để cấp cho doanh nghiệp khác cấp đi…”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết.

Không chỉ gây thất nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, vấn nạn hàng giả, hàng nhập lậu còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhiều doanh nghiệp chân chính.

Ông Hứa Quang Vinh - Trưởng Ban thị trường hàng giả, hàng nhái Công ty cổ phần (CP) nhựa Tiền Phong cho biết: Các vi phạm hàng giả diễn ra ngày càng tinh vi. Những sản phẩm giả không chỉ được sản xuất trong nước mà còn đặt hàng từ bên kia biên giới, chuyển về qua đường tiểu ngạch.

“Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này còn xuất phát từ các chế tài xử lý chưa đảm bảo tính răn đe. Một bộ phận lực lượng chức năng còn chưa nghiêm túc trong thực thi nhiệm vụ, có dấu hiệu bảo kê, bao che cho sai phạm dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Hứa Quang Vinh nhận định.

Trưởng Ban thị trường hàng giả, hàng nhái Công ty CP nhựa Tiền Phong kiến nghị: Trong quá trình hoàn thiện chính sách, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng cần xem xét nâng chế tài xử lý đối với các vi phạm, tránh để các đối tượng vi phạm lợi dụng kẽ hở của pháp luật; cần xây dựng các quy định rõ rằng về vi phạm quyền nhãn hiệu, tránh để doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó bảo vệ thương hiệu, mất thời gian và tiền bạc trong quá trình đấu tranh phòng, chống, hàng giả, hàng lậu.

“Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với doanh nghiệp cần được cải thiện theo hướng thực chất hơn, tránh để trường hợp doanh nghiệp mất niềm tin, ngại tiếp xúc”, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết.

Theo bà Đỗ Thị Minh Thủy – Đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội ở một số địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, số lượng vụ việc vi phạm hàng giả, hàng buôn lậu giảm nhưng tính phức tạp lại tăng hơn.

“Ví dụ, khi thuốc điều trị COVID-19 vừa chính thức có mặt tại Việt Nam thì có ngay hàng giả; các mặt hàng phòng chống dịch cũng được làm giả nhiều như khẩu trang, găng tay y tế…Vấn nạn hàng giả xuất hiện nhiều ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, bà Đỗ Thị Minh Thúy cho biết.

Ngoài ra, các mặt hàng buôn lậu “truyền thống” như: Thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng tại các website, trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo...

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, còn xuất hiện phương thức mới trong việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm là lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lưu thông thông suốt qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm.

Theo Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, chỉ trong tháng 10/2021, không ít vụ việc đã được lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành liên tục phát hiện triệt phá như: Ngày 24/10, lực lượng chức năng tỉnh Phú Yên đã phát hiện, tạm giữ 2.950 lọ mỹ phẩm, 633 sản phẩm quần, áo, 140 linh kiện phụ tùng xe ô tô không rõ nguồn gốc xuất xứ; ngày 23/10, lực lượng chức năng tỉnh An Giang tạm giữ hàng vi phạm là 5.800 linh kiện quạt gió; ngày 20/10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã ngăn chặn vụ vận chuyển 415.000 khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường.

Vì vậy theo BCĐ 389 Quốc gia, một nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2021 là các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tuyến biên giới, trên biển, nhất là lối mòn, lối mở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng mang vào nội địa tiêu thụ.