Ngày 21/11, các bệnh viện ở tỉnh Khánh Hòa tiếp tục điều trị cho những bệnh nhân là học sinh trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc sau khi ăn trưa tại trường vào ngày 17/11. Cha mẹ học sinh đề nghị sớm tìm ra nguyên nhân, người chịu trách nhiệm. Vụ ngộ độc đã khiến 600 học sinh phải đến các bệnh viện để khám bệnh. Trong đó, 360 học sinh phải nhập viện điều trị, đến nay đã có 1 học sinh tử vong.

Hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella - Ảnh 1.

Số học sinh vào việc quá nhiều buộc Bệnh viện 22/12 phải kê thêm giường tại khu sảnh tiếp đón.

Kể từ ngày các học sinh trường Ischool Nha Trang bị  ngộ độc đến nay đã bước sang ngày thứ 4, rất nhiều học sinh vẫn đang phải nằm viện. Còn nhà trường vẫn tiếp tục tạm dừng dạy, học để ổn định tâm lý học sinh. Tại Bệnh viện 22/12, nơi tiếp nhận 200 học sinh được gia đình đưa đến cấp cứu, đến hôm nay, vẫn còn 58 học sinh đang nằm điều trị nội trú.

Sau 2 ngày điều trị, sức khỏe của con bà Lê Thị Kim Uyên đã khá hơn. Bà Uyên cho biết, thời điểm mới ngộ độc, bé nằm liệt giường, đi vệ sinh và nôn ói mất kiểm soát. Bà Uyên cho biết, mỗi bữa ăn bán trú, phụ huynh đóng 70.000 đồng, thời gian qua, nhiều lần phụ huynh đã phản ánh về chất lượng dinh dưỡng bữa ăn nhưng nhà trường không tiếp thu. Đến nay, khi có đến 3/4 số học sinh ăn bán trú bị ngộ độc cùng thời điểm thì bếp ăn, Nhà trường, đơn vị chủ quản là Tập đoàn Nguyễn Hoàng phải chịu trách nhiệm.

“Tại vì các con đều ăn cùng một bữa trưa như vậy, đều xảy ra những hiện tượng từ đường tiêu hóa thì chắc chắn do thức ăn. Ví dụ, 1-2 bé thì có thể nói người nhà có thể cho thêm bé ăn thêm nhưng ở đây hầu hết các bé đều bị như vậy thì không có thể đổ thừa cho ai, đổ lỗi cho ai được nữa hết, chắc chắn từ bữa ăn rồi. Không nghĩ rằng chất lượng bữa ăn trên trường tệ như vậy luôn”, bà Uyên nói.

Học sinh ăn bán trú vào trưa 17/11, đến chiều tối, nhiều học sinh đã có các biểu hiện như sốt, đau bụng, nôn ói. Nhiều phụ huynh học sinh cứ nghĩ đó là các biểu hiện thông thường, một số người tự chăm sóc con. Cha mẹ học sinh bức xúc vì nhà trường chậm thông tin, khuyến cáo cho cha mẹ để kịp thời đưa con đi đến cơ sở y tế. Sau khi 1 học sinh lớp 1 tử vong khi chuyển viện từ tỉnh Khánh Hòa vào TP.HCM thì cha mẹ học sinh càng bức xúc hơn.

Hàng trăm học sinh trường Ischool Nha Trang có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella - Ảnh 2.

Trường Ischool Nha Trang đang tạm dừng dạy học.

Bà Lăng Kiều Thu, chăm sóc con trai 8 tuổi ở Bệnh viện 22/12 cho biết, nếu chậm thêm ít phút thì con bà sẽ rất nguy kịch. Theo bà Thu, nếu nhà trường thông tin kịp thời, học sinh được đưa đi cấp cứu sớm sẽ hạn chế hậu quả đau lòng.

“Bé đó nằm với con mình ngay từ đầu luôn, được điều trị sớm hơn có lẽ cháu sẽ không chết. Đầu tiên, tôi cứ tưởng con tôi bị bệnh thông thường, 8 giờ tối tôi có báo cho cô, mai, con không đi học được vì con bị bệnh. Xong, cô chỉ nói là con bị bệnh để ở nhà chăm sóc đi nha, hết. Đến 9 giờ, bộc phát sốt cao lên 41 độ rất nhanh, các bạn sau này vẫn không nhận được thông tin luôn. Không nghĩ là nó khủng khiếp như vậy”, bà Thu bức xúc.

Hiện, 15 học sinh triệu chứng nặng đang điều trị đã có dấu hiệu tạm ổn, các bệnh nhân đã bớt sốt, bớt đau bụng. Bác sỹ Cao Nguyên Đính, Phó Giám đốc Bệnh viện 22/12 cho biết, trong những ngày qua, bệnh viện huy động tối đa nhân lực, vật tư, giường bệnh để đáp ứng nhu cầu cấp cứu học sinh trường Ischool Nha Trang, kể cả việc phải kê thêm giường dọc sảnh tiếp đón, hành lang… Với việc nhập viện hàng loạt như vậy thì nhiều khả năng là do ngộ độc thực phẩm.

Theo bác sỹ Cao Nguyên Đính, có nhiều loại ngộ độc, do nhiều chủng vi khuẩn gây ra. Thông thường, bị ngộ độc thực phẩm có 2 nguyên nhân hay gặp là nhiễm vi khuẩn Salmonella hoặc nhiễm độc khối tụ cầu. Hiện nay, bệnh viện đang điều trị theo phác đồ với loại vi khuẩn này và đáp ứng yêu cầu điều trị.

“Bệnh viện điều trị theo tình trạng lâm sàng, theo hướng nhiễm Salmonella, xác định được kháng sinh đồ rồi. Hiện tại, bệnh nhân đáp ứng khá tốt, khả quan. Phụ huynh phải bình tĩnh tiếp tục theo dõi những bé được cho ra viện về nhà rồi, có thể tái phát. Còn có tình trạng ủ bệnh, chưa bùng phát, cần được theo dõi sát để đưa các bé đến cơ sở y tế”, bác sỹ Cao Nguyên Đính cho biết thêm./.