Các cuộc biểu tình phản đối dự luật nâng tuổi nghỉ hưu lên 64 tuổi thêm hai năm, vốn không được lòng dân, làm bùng phát tức giận leo thang trên khắp nước Pháp, đã thu hút số lượng người tham gia khổng lồ trong những cuộc biểu tình, đình công do các công đoàn tổ chức kể từ tháng 1 năm nay.

Các công đoàn lao động ở Pháp cho biết, ngày đình công toàn quốc thứ 9 hôm 23/3 sẽ thu hút số người tham gia "khủng".

Tổng thống Macron đã hứng chịu phản ứng tức giận từ các công đoàn và đảng đối lập vào ngày 22/3, khi ông từ chối lời kêu gọi của họ yêu cầu ông lưu tâm đến sự tức giận ngày càng tăng của dân chúng.

Philippe Martinez, lãnh đạo công đoàn CGT theo đường lối cứng rắn, cho biết: "Phản ứng tốt nhất mà chúng tôi có thể đưa ra cho tổng thống là có hàng triệu người đang đình công và xuống đường biểu tình".

Cuộc đình công hôm 23/3 sẽ khiến  hoạt động giao thông đường sắt bị gián đoạn nghiêm trọng, các sân bay cũng bị ảnh hưởng và giáo viên dừng dạy học. Trong khi đó, các cuộc đình công luân phiên khác tiếp tục diễn ra những các kho chứa dầu và công nhân vệ sinh thu gom rác.

Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, nhưng sự tức giận đã tăng lên kể từ khi Chính phủ Pháp thúc đẩy dự luật thông qua Quốc hội nước này mà không có một cuộc bỏ phiếu nào được thực hiện vào tuần trước.

Trong 7 ngày qua, nước Pháp đã chứng kiến các cuộc biểu tình tự phát ở thủ đô Paris và các thành phố khác, trong đó những thùng rác bị đốt cháy và người biểu tình đụng độ với cảnh sát.

Phát biểu hôm 22/3, Tổng thống Macron kiên quyết nói rằng luật cải cách hưu trí mới là cần thiết và sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay. Ông bác bỏ những lời kêu gọi sa thải Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne, người đi đầu trong phòng trào cải cách lương hưu.

Làn sóng phản đối mới nhất thể hiện thách thức nghiêm trọng nhất đối với Tổng thống Macron kể từ các cuộc biểu tình "Áo vàng" cách đây 4 năm. Những cuộc thăm dò cho thấy, đa số người dân Pháp phản đối dự luật cải cách hưu trí và quyết định của Chính phủ nước này thông qua Quốc hội mà không cần bỏ phiếu.