Chị Trương Ngọc Cầm dành hơn 6 giờ mỗi ngày để nói gần như không nghỉ trước máy quay. Chị là một trong số hàng triệu thanh niên Trung Quốc phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục ở tuổi thanh niên. Trương Ngọc Cầm đang cố gắng tạo dựng sự nghiệp với tư cách là người dẫn chương trình bán hàng bằng cách phát trực tiếp trên mạng xã hội (livestream).

Chị nói: "Tôi thích lên hình, tôi thích máy quay, tôi thích biểu diễn. Tôi hy vọng được đứng trước máy quay mỗi ngày".

Hàng triệu thanh niên Trung Quốc bán hàng trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Những người làm nghề phát trực tiếp như chị Trương sử dụng các nền tảng như Taobao của Alibaba để quảng bá sản phẩm trực tuyến. Họ quảng cáo bán hàng từ đồ trang điểm đến đồ gia dụng, thậm chí cả giấy vệ sinh. Công việc của họ đang làm thay đổi cách mua sắm truyền thống.

Với tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc lên tới 21% trong tháng 6, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người chuyển sang livestream để bán hàng. Kể từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc có khoảng 1,2 triệu người livestream. Sự bùng nổ doanh số bán hàng trên mạng ở Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch đã giúp ngành này tạo ra 480 tỷ USD vào năm ngoái. Các công ty đào tạo người dẫn chương trình trẻ và kết nối họ với các thương hiệu cũng tăng lên rất nhanh.

Hàng triệu thanh niên Trung Quốc bán hàng trên mạng xã hội - Ảnh 2.

Chị Trương làm việc với công ty Romomo có trụ sở tại Thượng Hải. Công ty này đã kết nối chị với các thương hiệu nổi tiếng như Lancome và Under Armour.

Bà Thạch Ninh Ly - Phó Chủ tịch của Công ty Romomo: "Để đảm bảo uy tín cho các thương hiệu quốc tế mà chúng tôi đang hợp tác, chúng tôi duy trì việc bán đúng giá gốc. Vì vậy chúng tôi cần lựa chọn người livestream ở các phân khúc khác nhau để phù hợp với các thương hiệu".

Tạo dựng niềm tin đối với khách hàng là ưu tiên hàng đầu đối với những người làm nghề livestream khi mà công việc này được dự báo sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn trong thời gian tới, nhất là khi kinh tế gặp nhiều thách thức và thị trường việc làm thắt chặt.