Trong cái không khí nô nức, nhộn nhịp bán buôn giữa phố Hàng Bạc, có một hàng xôi chè, bánh trôi cứ len lén hiển hiện suốt hơn nửa thế kỷ. Dân phố cổ lâu đời đã quen thấy một bà cụ nhỏ thó, tóc bạc lưng còng lụi cụi từ sáng sớm tinh mơ dọn ra hai cái bếp dầu, một cái tủ kính đơn sơ bên trong là mấy bát chè, ít bánh trôi bánh chay, và một liễn xôi vò.
Bánh óng ánh, xôi mướt vàng, nhưng nếu để chỉ cho nhau về cái quán tin hin này thì hơi khó khả thi. Căn bản, quán của cụ chẳng có tên, chẳng có biển. Người ta chủ yếu tiện mồm gọi là quán xôi chè Hàng Bạc, thế thôi.
Khách ở đây thường là người quen thói ăn trên phố cổ, hoặc các ông, các cụ bà có nhiều thời gian quẩn quanh ăn uống kiểu Hà Nội xưa. Lâu lâu cũng có những người tò mò ghé, hoặc đôi ba người sành miệng, nhất định phải lên tận phố, ghé đúng quán cụ bà để mà mua về cho cả nhà ăn sáng.
Tập tính của dân Thủ Đô trước giờ vẫn là sự thân thuộc. Thành thử, những hàng chè thì cứ mọc ra như nấm, nhưng người ta ít ghé bằng những quán cũ lụp xụp. Nhiều khi người ta bảo, ở Hà Nội cái gì rình rang quá, nổi bật quá thì chỉ được mấy chốc, những cái lặng lẽ bớt ồn ào hơn thì lại bền. Dân ở đây cũng thế, thứ ưa thích là sự khép nép khiêm nhường, nem công chả phượng, váy kim tuyến hay mũ tua rua trông thế chứ chẳng nổi bằng mũ bê rê và đồ lanh lụa vintage.
Ẩm thực Hà Nội cũng thế, ăn nhau ở sự lâu đời tinh tế. Hàng xôi chè này cũng chẳng nằm khuôn khổ. Đứng bán là bà Huê, năm nay ngót nghét đã tận bát tuần.
Bà Huê sinh năm 1942, người làng Chương Mỹ, Hà Tây.
Ngoài việc bán hàng khéo tay, bà còn rất thích kể chuyện. Nhiều năm ngồi trên phố, bà bảo cái gì tao cũng biết chẳng gì qua mắt được. Anh chị nào chê cụ mắt kém là nhầm. Cách mà cụ nhặt từng thìa xôi nhỏ thả vào chè, rồi khéo léo nặn từng cục bánh trôi tố cáo một cách rành mạch rằng cụ vẫn tinh tường lắm.
Cái sự tinh anh ấy còn thể hiện ở cách mà bà đối đáp, nói chuyện với khách. Đanh, chậm, sắc, thời gian đẽo cho bà cái nết chuyện trò, ấy nên ngoài ăn bánh ăn chè, khách còn có thêm một thú vui khác là tâm sự với bà chủ. Yên tâm, kinh nghiệm của bà, kèm theo cái nết thỏ thẻ pha sự rắn rỏi đủ để tạo ra cái ma lực khiến bạn dù cho đi đến đâu, về Hà Nội vẫn mò mẫm lên Hàng Bạc tìm cụ, mặc cho cái cân ở nhà khóc nấc từng miếng vì sự phản bội cho chế độ ăn healthy.
Bà kể hồi trẻ từng làm thanh niên xung phong, chiến tranh ác liệt ở miền núi phía Bắc, bà nổi tiếng trong đội là ghê gớm, chẳng chịu kém thằng đàn ông nào cả. Kháng chiến xong, bà về ở nhà người cô trên phố Hàng Bạc, sau lấy chồng.
Những năm khó khăn, bà xoay sở cho chồng làm nghề lái xe, bà thì mở hàng phở ở chợ Hàng Bè, chật vật lắm để nuôi hai đứa con đương tuổi ăn tuổi lớn. Bán phở cỡ tầm 8 năm thì bà về, sau đó quyết định mở một hàng bán xôi chè đầu những năm 60, cho tới tận bây giờ.
Trong những giai đoạn khó khăn nhất, chính thúng xôi của bà là nguồn sống của đại gia đình, là động cơ lèo lái các con học hành khôn lớn.
Về sau, quá tuổi "cổ lai hy", con cái nên người và có gia đình riêng, bà vẫn tiếp tục bán hàng đến nay.
“Tao là người quen lao động, nghỉ thì chỉ có ốm, phải làm thì mới khỏe được, cứ để tao bán tới khi nằm xuống thì thôi”.
Cái duyên của nghề đến với bà từ lúc còn rất sớm.
Năm 13 tuổi bà được bố mẹ đưa đến ở với sư cô ở chùa làng mà phụ việc cho sư cô. Đọng lại trong bà là công thức nấu xôi chè, nấu bánh trôi bánh chay mỗi dịp làng có vụ lễ. Cùng là phụ nữ chỉ cho nhau cách làm quà bánh, lại sẵn cái sự điềm đạm được nhuốm màu Phật của người tu hành nên sự tỉ mỉ, tận tâm nó in hằn vào bàn tay cụ Huê rõ lắm. Từ cái việc chọn gạo theo hạt, cho tới xay bột, đun nước và cách tỉ mẩn sắp xếp bánh sao cho đẹp, càng theo thời gian lại càng hiện hữu ở những đĩa bánh, bát chè bà Huê đặt ra trước mặt khách tới thưởng thức.
Bớt mất cái duyên ở chùa cùng sư cô, tuy nhiên tháng ngày mân mê đường, bột cho bà Huê nhiều kinh nghiệm quý báu về ẩm thực. Rồi từ chính mối lương duyên thủa nào đã giúp bà chèo chống, truân chuyên với chồng, với con tới cả nửa thế kỷ. Sau 50 năm, điều khiến bà vui nhất ngoài cuộc sống gia đình ổn định, còn là cái thanh nhẹ từ quá khứ, vương vấn đến phố Hàng Bạc của thời điểm bây giờ.
Bí quyết của bà Huê chẳng có gì cao sang to tát, mà đơn giản là sự tỉ mẩn, tự học hỏi rồi phát huy. Bà Huê khó tính lắm, từng hạt gạo bà cũng lựa, chỉ mua độc hàng quen bao năm nay, ngọn lửa bếp dầu cũng phải trong tầm kiểm soát. Đỗ xanh cũng chỉ một hàng duy nhất.
Bà kể: “Tao khó tính lại sành ăn lắm nên đồ mà không ngon thì chẳng bao giờ lấy, vì thế nên chỉ dùng hàng tốt nhất mà nấu thôi. Như thế thì lãi cũng rất ít, nhưng mình không thể giảm chất lượng đi được. Dậy từ 4 giờ sáng nấu xôi dọn hàng, bán tới 11 giờ trưa, mỗi tháng đâu đó chỉ lãi có 3,4 triệu mà không bỏ nghề được”.
Quán bà Huê có sự đặc trưng là mùi hoa nhài. Thành ra, nếu bạn đang tìm kiếm quán của bà, nhớ lần mò theo mùi hương mà ngồi cho đúng chỗ.
Kỳ công tạo "biển hiệu bằng hương" nằm ở việc đun nước sôi rồi thả hoa nhài, tiếp lấy thứ nước pha quyện ấy đổ vào từng món bánh, món chè. Trên bàn bà đặt cái bát mẫu nhỏ, khách có tới ăn thì đọng ánh mắt trên từng vệt hương. Đấy, cả hoa nhài bà cũng chỉ nhặt ở hàng quen vì bà sợ thuốc trừ sâu lắm. Niềm tin của bà có từng ấy, nhưng trộm vía bao năm nay khách tới ăn chưa một lần đau bụng. Niềm tự hào tuổi xế chiều bán chè bánh của bà Huê đơn giản có mỗi thế.
Xôi chè của bà Huê có hạt xôi mẩy, tơi, mềm, ít dịp nào mà vón cục lắm. Nước chè sánh và trong nhìn thấy tận đáy bát nhưng không được loãng, vị ngọt thanh vì nấu bằng đường phèn. Thế nên xôi bùi, chè thanh, ăn vào có cái ngọt lịm mà chẳng hề ngây ngán.
Còn món bánh trôi của bà có thể để cả ngày mà không cắn mật, vỏ vẫn cứ giòn dẻo thơm. Bánh chay thì xịn không kém, có thể để tới cuối ngày trong tủ lạnh, làm nóng lên là ăn vẫn ngon như mới. Bà bảo chỉ có nguyên liệu tốt, nặn bột thật kỹ, nhào đỗ xanh thật nhuyễn thì mới có thể để lâu được như thế mà vẫn giữ nguyên độ ngon.
Những ngày hè tháng sáu, dậy thật sớm lúc nắng chưa kịp lên tới mặt, nhẩn nha ăn đĩa bánh trôi, nhấm nhót một bát xôi chè, nép mình vào một góc phố để nhìn phố xá thức dậy có lẽ là món quà đặc biệt của mảnh đất Hà Thành dành cho những ai biết thưởng thức.