Tôi là gái Tây Bắc về miền xuôi làm dâu. Nhà tôi cách nhà chồng hơn 300km. Lấy chồng xa thì thiệt thòi đủ đường rồi. Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ mẹ đến quặn lòng nhưng đành chịu vậy. Đường xá xa xôi, lại vướng con nhỏ, nên tôi ít về quê ngoại lắm.
Cũng may cho tôi có bố mẹ chồng khá tâm lý. Biết tôi lấy chồng xa, khác văn hóa vùng miền nên ông bà nhiều lúc cũng thông cảm. Mẹ chồng còn động viên, chỉ cho tôi nhiều thứ, nhiều phong tục của người miền xuôi.
Hồi tôi mới về đây có nhiều chuyện dở khóc dở cười lắm. Có lần tôi về quê ngoại, kiếm được ít rau ngón tươi non. Tôi mang xuống dưới xuôi xào thịt bò. Lúc chế biến thì thơm lừng, ai đi qua cũng hỏi nhà tôi có món gì ngon thế? Nhưng đến bữa thì cả nhà há hốc mồm khi biết đó là rau ngón, không ai dám động đũa.
Tôi phải giải thích cho mọi người hiểu, đó là lá ngón ăn được, còn chủ động gắp trước 1 miếng cho vào miệng. Khi ấy mẹ chồng mới rón rén gắp thử miếng nhỏ. Cũng vì chuyện này tôi bị cả xóm cười. Mọi người bảo: "Ai đời con dâu lại mang lá ngón về cho bố mẹ chồng ăn...". Nghe cũng bực lắm, nhưng tôi không chấp nhặt họ. Bởi tôi cũng hiểu do khác vùng miền nên mới vậy.
Rồi lần khác tôi xào rau đắng với tỏi. Mẹ chồng cũng hỏi đi hỏi lại đây là rau gì? Lúc đầu bà gắp 1 miếng cho vào miệng thì nhăn nhó lắm. Sau cùng ăn quen thì bà gật gù khen ngon. Giờ cả nhà chồng tôi đều nghiện món ấy. Thi thoảng mẹ chồng lại bảo tôi nhờ bà thông gia ở trên đó mua hộ ít rau đắng gửi xuống...
Sau 3 năm lấy chồng, giờ tôi đã dần quen với cách sống của người miền xuôi. Bố mẹ chồng cũng đỡ bỡ ngỡ trước các món ăn trên bản tôi nấu. Nói chung tôi không gặp khó khăn gì về phía nhà chồng, nhưng nhiều lúc phải phát bực về những người hàng xóm vô duyên cạnh nhà chồng. Hàng xóm không giúp gia đình tôi thêm hòa thuận thương yêu nhau thì thôi, đằng này chuyên có kiểu "chọc gậy bánh xe".
Ngày tôi về đây, họ hay cười tôi là người dân tộc, ăn mặc khác họ. Tôi vẫn nhớ như in câu nói đầy xúc phạm của bà Tân hàng xóm hôm tôi cưới. Bà ta cười ha hả ở đầu ngõ, nói thì rõ to và vô duyên. Bà nói: "Gái xuôi tuyệt chủng rồi hay sao mà thằng Nhân phải đi cưới dân tộc. Hay bị bỏ bùa mê thuốc lú nhỉ? Làm mối cho bao nhiêu đứa đều lắc đầu, cuối cùng đâm đầu vào chỗ vừa xa vừa cổ hủ...". Mẹ chồng tôi nghe thấy, chạy ra mắng 1 trận, bà ấy mới chịu im miệng. Nhưng từ đấy bà ta ghim trong lòng, thường xuyên soi mói tôi đủ kiểu.
Không dưới vài lần, chính tai tôi nghe bà ta kích đểu mẹ chồng: "Chị đừng chiều con dâu quá. Có gì nó không phải, cứ thẳng tay mà dạy. Cứ hiền lành, sau này chúng nó được đằng chân lân đằng đầu đấy. Gái bản chẳng hiền lành đâu chị ạ...". Mẹ tôi bênh thì bà ta lại lắc đầu, cứ đổ cho tôi bỏ bùa mê thuốc lú cả nhà. Cái chuyện lá ngón khi xưa cũng là bà ấy rêu rao khắp xóm.
Mới đây thôi, giữa trưa mà bà Tân lại sang nhà tôi chơi. Lúc đó tôi vừa bê nồi canh lên. Bà ta chạy ra dòm dòm rồi bĩu môi: "Trên bản toàn ăn như thế này à. Nồi canh rau đay mùng tơi gì mà chỉ có rau không, ít ra cháu phải nấu với cua hoặc tôm tép chứ? Sống 5 - 6 chục tuổi rồi, đây là lần đầu tôi thấy nấu ăn kiểu qua loa thế này đấy".
Mẹ tôi ngồi ở sofa đỡ lời cho tôi: "Dịch dã thế này đi mua đồ ăn cũng khó. Thôi có gì ăn tạm bác ạ". Thấy tôi bê tiếp 1 đĩa trứng chiên lên, bà ta lại tiếp lời: "Nhà giàu mà ăn uống đạm bạc thế? Hay con dâu không biết nấu, ăn trứng luộc với rau luộc quen rồi...".
Bố chồng bỏ chiếc điện thoại ông đang đọc tin tức xuống, quay sang bà Tân thằng thừng: "Chị này ăn trưa rồi thì về mà ngủ đi. Dịch dã không ở nhà mà cứ chạy lăng quăng, lại mất 2 triệu bây giờ. Con dâu tôi nó nấu ăn ngon, biết rất nhiều món. Có mấy năm về làm dâu mà món miền ngược, miền xuôi nó đều biết làm cả. Cái Uyên (con dâu bà Tân) nhà bà chưa chắc đã bằng con dâu tôi đâu. Mâm cơm còn chưa bê lên hết mà bà đã vội kết luận rồi lại đi rêu rao cả xóm đấy".
Thấy bố tôi đuổi khéo lại lạnh lùng mắng, bà Tân cun cún ra về chẳng nói thêm được lời nào. Tôi thấy vừa lòng lắm. Ai đời hàng xóm kiểu gì mà suốt ngày tọc mạch, soi mói nhà người khác!