Người mẹ nào trải qua quá trình sinh nở cũng đều là những người hùng rất đỗi kiên cường, đặc biệt là những người mẹ mắc bệnh ung thư máu. Trên cuộc hành trình dài đau đớn và gian khổ ấy, không ít người đã bỏ cuộc. Nhưng trong ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), có một người mẹ dù phải truyền trên 40 đơn vị chế phẩm máu, đã cố gắng hết sức vượt qua ca mổ, đón em bé ra đời bình an.

Đó là người mẹ Lưu Ngọc Lan (sinh năm 1991, hiện đang làm giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội). 3 ngày trước khi sinh con, chị biết tin mình bị ung thư máu. Bàng hoàng, sợ hãi nhưng chị không cho phép mình gục ngã bởi trước mắt chị là cuộc vượt cạn sinh tử. Lúc này, chị đang mang thai ở tuần thứ 37 nhưng tình trạng thiếu máu ngày càng nặng, tiểu cầu giảm sâu dẫn đến đi tiểu ra máu và xuất huyết nhiều nơi.

Ấm lòng trong dịch Covid-19: Nhiều bạn trẻ đến hiến máu từ lời kêu gọi của sản phụ bị ung thư máu - Ảnh 1.

Chị Lam được chồng động viên trước khi mổ.

Bất cứ người phụ nữ nào khi sinh cũng đều mất nhiều máu, nhưng nguy cơ mất máu của chị còn cao hơn nhiều lần. Chị đã phải sinh mổ trong khi khả năng cầm máu là rất thấp.

Ngày 19/3, chị Lan kêu gọi người thân, bạn bè và học sinh trên mạng xã hội Facebook đến hiến máu để chị có thể thực hiện ca mổ an toàn, bởi thời điểm dịch bệnh khiến lượng máu dự trữ tại Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư không còn nhiều.

Thật may mắn, nhờ sự chia sẻ của cộng đồng mạng mà chỉ trong chiều 19/3, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã tiếp nhận được hơn 200 đơn vị máu của những người đến hiến máu. Cuối ngày, chị vui mừng thông báo trên tài khoàn Facebook cá nhân rằng bệnh viện đã tiếp nhận đủ máu cho ca mổ của chị.

Tiên lượng ca mổ hết sức khó khăn do sản phụ có nguy cơ khó cầm máu do giảm tiểu cầu và các yếu tố đông máu, các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư đã hội chẩn với Bệnh viện Phụ sản T.Ư và quyết định mổ lấy thai ngay tại Viện.

Sau những giờ phút đầy căng thẳng, thật may mắn ca mổ lấy thai của chị Lưu Ngọc Lan đã diễn ra thành công vào sáng 20/3.

Khi cửa phòng phẫu thuật bật mở, được đón cô con gái bé nhỏ xinh xắn và nghe tin vợ mình đã an toàn sau ca mổ đầy hiểm nguy, người chồng đã không giấu nổi những giọt nước mắt hạnh phúc. Em bé Kem được đặt tên là Nguyễn Ngọc Lan Chi - một loài cây cỏ may mắn.

Ấm lòng trong dịch Covid-19: Nhiều bạn trẻ đến hiến máu từ lời kêu gọi của sản phụ bị ung thư máu - Ảnh 3.

Hiện tại em bé đang được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.

Cặp vợ chồng ấy đã kiên cường nắm tay nhau vượt qua ranh giới sinh tử và đón cái kết có hậu trong đúng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, hạnh phúc bởi được cộng đồng chia sẻ, quan tâm, tiếp thêm nghị lực, ý chí để vượt qua bệnh tật.

Hơn 200 người đã đến hiến máu sau lời kêu gọi của vợ chồng chắc chắn cũng đang thật hân hoan với "hạnh phúc trao đi".

Tương lai phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với niềm tin, sự kiên cường và tình yêu mãnh liệt, gia đình nhỏ của chị Lan chắc chắn sẽ vẫn có những tháng ngày hạnh phúc.

Ấm lòng trong dịch Covid-19: Nhiều bạn trẻ đến hiến máu từ lời kêu gọi của sản phụ bị ung thư máu - Ảnh 4.

Rất đông cộng đồng mạng đến hiến máu giúp chị Lan chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Hạnh, một người hiến máu chia sẻ: "Hôm nay trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi hiến máu của một sản phụ mắc bệnh máu, khi đọc thông tin này tôi thực sự rất xúc động và trong thâm tâm mong muốn chia sẻ một điều gì đó với bệnh nhân này. Tôi cũng đã làm mẹ của hai đứa con. Chính vì vậy mà tôi rất hiểu và chia sẻ với nỗi lòng của người mẹ trẻ này. Cầu mong bạn ấy thật lạc quan, kiên cường để vượt qua tất cả".

Theo Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư được biết trong 3 ngày trước và trong ca mổ, chị Lan đã phải truyền trên 40 đơn vị chế phẩm máu các loại (bao gồm khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương, tủa lạnh).

Riêng trong ngày 20/3, tính đến 18h chị đã được truyền 22 đơn vị chế phẩm máu. Dự kiến ngay trong đêm nay và thời gian tới, chị sẽ tiếp tục cần truyền thêm nhiều chế phẩm máu nữa.

Thông tin từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trong thời gian qua khi dịch bệnh Covid – 19 đang có những diễn biến phức tạp, hầu hết các lịch hiến máu đều bị hủy hoặc hoãn. Chính vì vậy, nguồn người hiến máu cũng giảm xuống nghiêm trọng, trong khi đó người bệnh vẫn phải cần đến máu để điều trị và sự chung tay, góp sức của toàn cộng đồng trong thời điểm này là vô cùng cần thiết.