Manjing Video đưa tin, người đàn ông giấu tên đến từ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc đã trở thành mục tiêu phẫn nộ của công chúng sau khi đoạn video lan truyền trên mạng, với nhiều người cáo buộc anh ta trốn tránh trách nhiệm với gia đình.

Đoạn video cho thấy người đàn ông ngả lưng vào ghế lái khi vợ nói chuyện với anh từ ghế phía trước.

"Tại sao không muốn về nhà? Nếu em không đến tìm anh, anh có ngủ trong xe cả đêm không?", vợ anh ta hỏi.

Chồng cô nhìn chằm chằm về phía trước, ngáp dài rồi trả lời: "Tại sao anh phải về nhà. Nằm trong xe sướng hơn nhiều so với về nhà. Khi anh ở nhà, em không hài lòng với anh về mọi thứ. Khi anh muốn giải trí 1 chút trên điện thoại em không ngừng cằn nhằn anh".

Sau khi nghe những lời phàn nàn từ chồng, vợ anh đưa tay ra định chạm nhẹ vào người anh nhưng anh gạt tay cô và lớn tiếng: "Tôi đã làm việc chăm chỉ cả ngày. Tôi không thể tận hưởng trong xe một lúc sao?".

Vợ anh vẫn im lặng khi nghe anh nói.

Hành động trong xe ô tô của người chồng và vấn đề vô hình 'báo động' hôn nhân - Ảnh 1.

"Tại sao không muốn về nhà? Nếu em không đến tìm anh, anh có ngủ trong xe cả đêm không?", vợ anh ta hỏi.

Đoạn video đã gây ra sự chỉ trích rộng rãi đối với người chồng trên mạng xã hội đại lục. Mặc dù một số người bình luận đồng cảm với anh ấy, cho rằng chắc hẳn đây là hành động của "giọt nước tràn ly", nhưng hầu hết đều đánh giá anh ấy ích kỷ và không công bằng.

Một người nói: "Anh ta làm như thể vợ anh ta không làm việc cả ngày vậy".

Một người khác bình luận: "Rõ ràng vợ anh ấy còn mệt hơn anh ấy rất nhiều".

"Anh ấy đổ lỗi cho vợ. Thật là một người chồng lười biếng và vô trách nhiệm", người thứ ba bình luận.

Thế nhưng chỉ 1 cuộc nói chuyện ngắn mà vội đánh giá thì có quá phiến diện?

Làm thế nào để bình tĩnh đối mặt với những áp lực cuộc sống mà không ảnh hưởng đến hôn nhân?

Không riêng 1 ai, cả vợ và chồng đều có những áp lực vô hình đôi khi rất khó để chia sẻ cùng nhau. Và chỉ khi đứng ở vị trí của nhau họ mới phần nào hiểu được. Như câu chuyện trên, anh chồng bị lên án nhưng chỉ có cô vợ là người trong cuộc mới hiểu được thật sự vấn đề là gì. Sự càu nhàu của vợ mà anh ta nói có thể chỉ là 1 trong số rất nhiều yếu tố "cản bước" anh ta về nhà.

- Hôn nhân là chuyện của 2 người, đừng để bản thân hoặc đối phương trở thành người ngoài cuộc. Ai cũng có những trọng trách, gánh nặng riêng nên hãy dành thời gian để chia sẻ, lắng nghe những tâm tư của nhau. Khi không nói ra rất khó để đối phương hiểu được suy nghĩ của bạn, mà nếu bắt họ tự đoán thì chắc gì họ đã đoán đúng điều bạn đang nghĩ. Cáu gắt hay phàn nàn nó chỉ là biểu hiện của sự đi quá giới hạn, đừng để sự cáu gắt trở thành thói quen bởi nó không giúp chúng ta giải quyết triệt để vấn đề.

Hành động trong xe ô tô của người chồng và vấn đề vô hình 'báo động' hôn nhân - Ảnh 2.

- Cả vợ và chồng đều phải có trách nhiệm san sẻ cùng nhau những công việc trong gia đình, đừng đặt nặng thắng - thua, đừng coi trọng nhiều - ít. Khi chúng ta mang 1 thái độ tiêu cực, sân si vào chính căn nhà mình đang ở thì tất cả thứ chúng ta thấy chỉ là bực dọc, khó chịu. Giống như việc ai cũng nghĩ mình là nạn nhân, ai cũng thấy đối phương là người có lỗi mà không chịu xem lại bản thân mình.

- Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng không nên dùng sự trốn tránh hay vô tâm đối với những người thân trong gia đình. Nhà là nơi để về, là nơi "bão dừng sau cánh cửa". Nếu nơi ấy chẳng may có cơn gió to làm tốc mái hãy cẩn trọng sửa chữa lại, xem vấn đề nằm ở đâu mà làm cho nó kiên cố, vững chắc hơn.

- Đừng phân biệt giới, ai là trụ cột hay trọng trách này dành cho ai. Người vợ không có phận sự phải lo cơm nước, con cái. Người chồng cũng không bị quy định đi làm kiếm tiền nuôi cả gia đình. Hôn nhân thành công là khi 2 người cảm thấy họ không còn là những cá thể, họ sẵn sàng hỗ trợ và gánh vác cho nhau. Nếu còn yêu, hãy cố gắng vì nhau mà nỗ lực.