Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố trong tháng 7, các hãng hàng không Việt Nam khai thác tổng cộng hơn 24.700 chuyến bay nhưng tỉ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ chỉ đạt 63,2%. Con số này của tháng 6 là 69,3% và của tháng 5 là 82,2%. Như vậy, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ của các hãng hàng không đã giảm trong 3 tháng liên tiếp. Điều này cho thấy số chuyến bay chậm, hủy cũng tăng nhiều hơn.

Tỉ lệ các hãng bay đúng giờ nhất theo thứ tự gồm Vietravel Airlines, Vasco, Pacific Airlines, Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các nguyên nhân chủ yếu gây chậm chuyến của các hãng liên quan nhiều nhất tới tàu bay về muộn và do các hãng hàng không, bên cạnh các nguyên nhân khác về quản lý, điều hành bay, trang thiết bị và dịch vụ tại cảng…

Ghi nhận của phóng viên, nhiều hành khách cũng than phiền việc thường xuyên bị chậm chuyến khi đi máy bay gần đây. Trong đó, một số hành khách đã chọn mua bảo hiểm chậm, hủy chuyến để được bồi thường trong trường hợp phải ngồi chờ hàng giờ ở sân bay do lịch bay thay đổi.

Hành khách bất ngờ khi được nhận 1 triệu đồng khi chuyến bay trễ 4 giờ- Ảnh 1.

Chị Ngọc Lê được bồi thường 1 triệu đồng cho 2 vé máy bay bị chậm chuyến

Chị Ngọc Lê (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) cho biết vừa có chuyến bay cùng với gia đình từ Quảng Nam vào TP HCM hai ngày trước và phải ngồi chờ ở sân bay hơn 4 tiếng mới khởi hành. Theo đó, lịch khởi hành là 16 giờ 50 nhưng giờ bay thực tế là 20 giờ 55.

"Xuống sân bay Tân Sơn Nhất chờ lấy hành lý về muộn tới tận 22 giờ 20 phút. Đổi lại, an ủi lớn nhất là trước chuyến bay tôi có mua bảo hiểm chậm, hủy chuyến kèm vé máy bay và bất ngờ thấy SMS thông báo 1 triệu đồng vô tài khoản "nhận tiền bồi thường bảo hiểm trễ chuyến bay cho 2 vé. Phí bảo hiểm này là 35.000 đồng/vé" - chị Lê kể.

Theo ghi nhận, hiện nhiều hãng hàng không hoặc ví điện tử là đại lý vé máy bay đều hợp tác với công ty bảo hiểm, cung cấp thêm dịch vụ bảo hiểm chậm, hủy chuyến. Như ví MoMo cho biết, hành khách đặt vé máy bay trên MoMo có thể mua báo hiểm du lịch/trễ chuyến bay của Công ty bảo hiểm Bảo Việt với phí 35.000 đồng và được mức bồi thường tối đa 888.0000 đồng khi phải chờ từ 2 tiếng liên tục kể từ lịch khởi hành ban đầu.

Hành khách bất ngờ khi được nhận 1 triệu đồng khi chuyến bay trễ 4 giờ- Ảnh 2.

Quyền lợi và mức phí bảo hiểm du lịch của một công ty bảo hiểm triển khai với một hãng hàng không

Vietnam Airlines cho hay khách có thể mua bảo hiểm chậm, hủy chuyến của Tổng công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với phí 60.000 đồng/người/chặng (100.000 đồng/người/khứ hồi) chưa gồm thuế GTGT, để có thể được bảo hiểm tối đa 1,5 triệu đồng.

Một số hãng hàng không khác như Vietjet, Bamboo Airways… cũng cung cấp dịch vụ bảo hiểm du lịch bao gồm các sự cố trong chuyến đi như hoãn, hủy chuyến, rút ngắn chuyến đi, hành lý và tư trang bị mất/hư hại, mất giấy tờ thông hành… Các mức phí và điều kiện bảo hiểm tùy từng hãng.

Chị Ngọc Lê cũng thông tin đây là lần đầu tiên chị được bồi thường bảo hiểm trễ chuyến bay, dù trước đó đã mua rất nhiều lần. Nhiều hành khách khác cho biết cũng từng mua bảo hiểm trễ chuyến bay nhưng nếu không chậm 2 tiếng trở lên thì rất khó được bồi thường. Do đó, chỉ nên mua bảo hiểm trong trường hợp dự báo xác suất chuyến bay bị chậm dịp cuối tuần, lễ Tết hoặc do thời tiết xấu...

Hành khách bất ngờ khi được nhận 1 triệu đồng khi chuyến bay trễ 4 giờ- Ảnh 3.

Chậm, hủy chuyến là tình trạng xảy ra không hiếm mỗi ngày ở các sân bay nội địa

Theo Thông tư số 19/2023/TT-BGTVT quy định liên quan đến vận tải hàng không nêu rõ, chuyến bay bị chậm có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian kế hoạch trong lịch bay. Nếu không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm, các hãng phải cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách; xin lỗi hành khách và bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại. Với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, nếu hành khách yêu cầu hoàn trả tiền vé, hãng phải hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách…