Đào Lê Hồng Mỹ, sinh năm 1988, Hà Nội
2011: Giải nhì Loa thành cho đồ án tốt nghiệp xuất sắc.
2011- 2012: Học bằng thạc sỹ về Thiết kế Môi trường – trường ĐH Nottingham, Anh quốc.
2013: Thuyết trình tại hội thảo "Các giải pháp cho kiến trúc bền vững PLEA 2013" tại Munich, Đức
2014: Thuyết trình tại hội thảo "Kiến trúc bền vững học hỏi từ truyền thống VerSus 2014" tại Valencia, Tây Ban Nha
2014: Giải Nhất FuturArc 2014 – hạng mục Chuyên Nghiệp
2014: Giải Nhì Spec go Green 2014 – hạng mục Kiến trúc sư trẻ
2015: Giải Nhất thiết kế Nhà ở thu nhập thấp - CPDI Châu Phi
2015: Kiến trúc sư công ty Group8Asia
2015: Bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghề, đồ gia dụng, quà tặng mang vẻ đẹp Việt Nam và thân thiện với môi trường.
Bắt đầu lại bằng những thứ nhỏ bé nhất…
Trò chuyện với Hồng Mỹ trong những ngày giáp Tết, thấy cô bận rộn set up những món quà đậm chất Việt, trên môi vẫn luôn mỉm cười, tôi hiểu rằng, cô đang thực sự hạnh phúc. Hồng Mỹ khoe bảo: "Hiện tại tôi chưa có một lịch sinh hoạt đều đặn vì phải liên tục thay đổi và nghĩ ra những ý mới. Tuy nhiên tôi được chủ động chọn lựa thời gian. Tôi sắp xếp các công việc theo ý của mình vì thế cuộc sống cũng thú vị hơn, được đi nhiều nơi hơn".
Đó là hình ảnh hiện tại của Hồng Mỹ, ở tuổi 30 đầy tham vọng. Nhưng nếu tìm kiếm tên người phụ nữ này trên Google, người ta phần đa sẽ chỉ thấy hiện ra thông tin về một kiến trúc sư tên tuổi. Hồng Mỹ "hồi còn trẻ" đã đạt được kha khá thành công trong sự nghiệp kiến trúc.
Sau khi trở về từ Anh, cô đầu quân cho một công ty kiến trúc nước ngoài với mức lương ổn. Thời gian đó, ngoài công việc của công ty, cô tự thử sức với nhiều cuộc thi quốc tế liên quan tới kiến trúc bền vững, bảo vệ môi trường và cũng được ghi nhận bằng một số giải thưởng.
Đối với cô, kiến trúc là một ngành rất hay nhưng vô cùng khó. Nó yêu cầu sự cảm nhận tốt về con người, văn hóa, thẩm mỹ, tỷ lệ... cũng như sự đầu tư thời gian, tâm huyết. Chẳng thế mà, khi còn đi làm ở công ty nước ngoài, phần lớn thời gian của cô là ở cơ quan. Thường 20 - 21h, cô mới gác máy, kết thúc công việc. Thời gian cô dành cho bản thân và gia đình rất ít.
Đó cũng là quãng thời gian, Hồng Mỹ "thường xuyên stress, mệt mỏi, cuộc sống không được cân bằng, tâm lý dễ mất kiểm soát", như cô "thú nhận". Vì lẽ đó, cô chọn buông bỏ và bắt đầu lại bằng những thứ nhỏ bé nhất.
"Tôi đã suy nghĩ nhiều về việc mình thực sự muốn làm gì. Một công việc mà mình yêu thích, chủ động được thời gian, cho phép mình học hỏi, trau dồi được bản thân, yêu cầu mình sáng tạo không ngừng và tôi đã bắt tay thực hiện ngay".
Cửa hàng đồ thủ công mỹ nghệ được sinh ra trong khi cô rơi vào khoảng thời gian khủng hoảng tâm lý ấy. Gạt hết mọi suy nghĩ lộn xộn, bỏ công việc ổn định với mức lương "khủng" để đầu óc trống rỗng và cứ đi.
Cô tự cho mình một khoảng giãn để đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người, đến những ngôi làng, trò chuyện hàng giờ với những người thợ thủ công. Đột nhiên, Mỹ phát hiện ra, cô "phải lòng" những hạnh phúc nhỏ xinh ấy.
Những trải nghiệm mới tiếp cho Mỹ nhiều sức lực tới nỗi, cô đã làm được những việc tưởng như không thể. Một mình đi xe máy hàng trăm km, chở theo những bao đồ mây tre tuy nhẹ nhưng cồng kềnh cao gấp đôi đầu mình. Lấy nguyên liệu từ một nơi, lại phi sang nơi khác để họ hoàn thiện.
Một đứa con gái học xây dựng, không hiểu biết về kinh doanh, bắt đầu tự mày mò từng thứ để rút ra bài học cho cửa hàng nhỏ về thủ công mỹ nghệ. Thời gian đầu, Mỹ tận dụng nhà xe bỏ không của gia đình để làm thành một cửa hàng nho nhỏ.
Các sản phẩm đầu tiên của cô là những gì sưu tầm được khi đi nhiều làng nghề, như bình gốm từ Hương Canh, lồng bàn tre từ làng mây tre đan Chương Mỹ, bát khảm trai từ làng sơn mài Bối Khê…
Từ những đợt sản phẩm đầu tiên này, cô âm thầm quan sát phản ứng của khách hàng. Phần lớn mọi người đều thích các sản phẩm truyền thống Việt Nam nhưng còn băn khoăn nhiều về sử dụng, công năng có tiện không, bảo quản có dễ không.
Cũng có lúc, Mỹ cảm thấy rất khó khăn và chán nản vì một số sản phẩm không được đón nhận. Có một cảm giác không hẳn là nuối tiếc, nhưng hơi buồn buồn, chênh vênh trên con đường mới. Nhưng của hàng nhỏ của cô bắt đầu có những khách hàng thân thiết. Họ chân thành góp ý, đưa ra nhiều ý kiến rất hay. Mỹ nghe hết, tiếp thu hết, nghiên cứu lại và liên tục thay đổi để tạo dấu ấn cho cửa hàng nhỏ của mình.
"Tôi nhận ra rằng để mình có thể làm một công việc thật lâu mà không chán, thì công việc đó nên gắn với sở thích và nhu cầu trực tiếp của mình. Bản thân tôi cũng rất thích những món đồ dùng nhỏ xinh hằng ngày như bát, đĩa, thìa...
Tôi cũng quan tâm tới môi trường nên tôi cũng muốn thiết kế và kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường, có giá trị sử dụng cao. Tôi cũng thích văn hóa Việt Nam và mong muốn làm nổi bật vẻ đẹp đó"- Hồng Mỹ giãi bày.
… để gây dựng một sự nghiệp "đồng nát"
Cửa hàng nhỏ ra đời được vài tháng thì Mỹ có em bé. Nhưng việc đó cũng chẳng hề chi, vì cả gia đình, từ chồng đến bố mẹ hai bên nội ngoại, cô chú đều hỗ trợ Mỹ. Mỗi ngày, cô vẫn dành được 1 - 2 tiếng trọn vẹn cho công việc.
Gia đình luôn sẵn sàng giúp đỡ khi cô cần, hỗ trợ cô sơn sửa kệ tủ, sắp đặt cửa hàng. Mặc dù chẳng ai thật sự hiểu lắm những gì Mỹ đang trù tính, nhưng họ để cô tự do sống với ước mơ nho nhỏ của mình. Nhiều lúc họ còn đùa rằng, cô bỏ việc nghìn đô để đi theo sự nghiệp "đồng nát".
Điều đó, đương nhiên chẳng làm Mỹ buồn. "Tôi nghĩ phụ nữ hay bất cứ ai đều không cần thiết phải tự so sánh mình với các quy chuẩn của xã hội. Mỗi người đều khác nhau và sẽ có sự lựa chọn rất khác nhau. Có người yêu thích công việc hành chính, có người thích công việc tự do. Cả công việc nội trợ, chăm sóc con cái, nhà cửa cũng là một sự nghiệp tuyệt vời.
Tiêu chuẩn "phải có công việc ổn định" đôi khi làm mình bị mắc kẹt, không dám thay đổi. Tôi nghĩ phụ nữ hiện đại nếu được sống là chính mình, được làm những gì mình tin tưởng, yêu thương bản thân, tràn đầy năng lượng tích cực thì sẽ là một phụ nữ hạnh phúc".
Hiện tại, Mỹ đã chuyển cửa hàng ra bên ngoài, không còn ở nhà kho trong ngõ nữa. Cô bán lỉnh kỉnh đủ thứ, rổ rá, thìa bát gốm, mấy món mứt homemade làm quà... với tiêu chí của chính mình: xinh xắn và thân thiện với môi trường. Mỹ cầu kỳ đặt nghệ nhân làm theo thiết kế riêng, tạo dấu ấn cho những món đồ "đồng nát" tưởng như vặt vãnh ấy.
Cô vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh về thiết kế để phù hợp với bản thân và khách hàng. Mỹ khoe với tôi, cô dùng thìa gỗ để nấu nướng, dùng khay mây để đựng hoa quả, rổ tre để rửa rau, y như thời các bà các mẹ ngày xưa.
Khi được hỏi có nhớ nghề cũ, nhớ công việc lương cao kia không, Mỹ cười : "Tôi rất yêu kiến trúc và tôi không nghĩ là tôi bỏ nó. Tôi đang học kiến trúc theo một cách khác. Việc quan sát công năng của những món đồ nhỏ cho tôi cảm nhận tốt hơn về không gian và đặc trưng văn hóa của người Việt Nam. Sau này nếu có duyên trở lại với công việc kiến trúc, tôi nghĩ tôi sẽ làm tốt hơn.
Còn bây giờ, tôi hài lòng với việc là bà chủ của một của hàng "đồng nát" nghệ thuật thôi. Và tôi hạnh phúc với phút giây hiện tại, khi được là chính mình. Hạnh phúc không phải từ bên ngoài, từ các tiêu chuẩn của xã hội hay vật chất. Hạnh phúc cũng không phải là một thời điểm trong tương lai. Hạnh phúc đến từ bên trong, mọi lúc mọi nơi. Và tôi nghĩ, người phụ nữ nào cũng có thể hạnh phúc như vậy, nếu họ biết cảm nhận chính mình".