Đó là câu chuyện của chị Hồng Nhung (hiện đang sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu) về con trai Tiến Anh (gần 5 tuổi). Suốt thời gian 6 tháng đầu tiên, cậu bé bú mẹ hoàn toàn và phát triển khỏe mạnh, bụ bẫm, không bị ốm. Sau đó, khi bước vào thời kỳ ăn dặm, chị Nhung bắt đầu cho con làm quen với sữa công thức, song song với việc bú mẹ. 

Lúc này, bà mẹ trẻ phát hiện bé đi ngoài không ổn, tuy nhiên chỉ nghĩ rằng đây là hiện tượng bình thường ở trẻ mà thôi. Đến tháng thứ 11, Tiến Anh bị sốt siêu vi khiến đề kháng giảm sút, tháng nào cũng ho, ốm, khò khè... phải uống nhiều kháng sinh. 

Tuy nhiên vào thời điểm đó, bệnh dị ứng đạm sữa bò khá mới mẻ khiến chị Nhung gần như không biết. Lúc này, chị quyết định nghỉ làm, dành toàn bộ thời gian để chăm sóc và nuôi dạy con. 

Đến tháng thứ 15, bé bị nặng hơn. Vẫn là ốm kèm ngứa gãi khi cơ thể đổ mồ hôi, chưa bao giờ mình thấy việc bé đi ngoài ổn thỏa cả. 2 vợ chồng chị Nhung đưa con lên Sài Gòn khám mấy nơi mỗi lần con ốm (mất 3h đồng hồ mới lên tới nơi). Tuy nhiên vẫn không phát hiện ra bệnh này. 

"Trong khoảng thời gian này, bé không hề hợp tác khi uống sữa ngoài, nhưng ăn thô tốt vẫn không lên kí. Bản năng làm mẹ mách bảo mình có 1 vấn đề gì đó ở đây. Nên lại tiếp tục hành trình đưa con đi khám dinh dưỡng lúc con tròn 19 tháng.

Sau khi được yêu cầu qua trung tâm xét nghiệm máu, 1 tuần sau có kết quả báo về bé mình bị dị ứng đạm sữa bò và đa thực phẩm. IgE cao ngất 280. Mình khóc suốt 2 ngày, hoang mang không biết thời gian tới sẽ chăm sóc con như thế nào. Công cuộc gian nan đầu tiên là hành trình tìm sữa cho con", chị Nhung nhớ lại. 

Tập cho con làm quen với sữa dành cho bé bị dị ứng

Vì Tiến Anh bị dị ứng khá nặng nên buộc phải uống sữa thủy phân toàn phần, tuy nhiên đặc tính của sữa này là khá hôi, đắng, cực kỳ khó uống. Sau đó, bà mẹ trẻ chọn sữa nutramigen cho con. Tập dần cho con từ 30ml, lên 60ml và từ từ tăng lượng dần.

Tiến Anh giai đoạn 15 tháng tuổi.

Bé uống được hơn 1 năm thì chị Nhung đổi sữa. Vì sữa dị ứng nutramigen rất đắt, chưa kể lại hay bị thiếu hàng - không có hàng để mua nên bà mẹ trẻ quyết định đổi sang sữa gạo của Pháp cho con (tiết kiệm được hơn 1 chút). Hành trình chuyển đổi mình cũng phải tập cho bé từ từ (uống song song 2 loại rồi tăng lượng sữa gạo, giảm lượng sữa nutramigen cùng trong 1 ngày).

Lên thực đơn an toàn cho con

Khi bé Tiến Anh gần 2 tuổi, việc uống sữa sẽ là phụ mà chuyển sang ăn cơm nên chị Nhung bắt đầu lên danh sách các thức ăn không khiến con bị dị ứng và sẽ cắt hoàn toàn các món đó ra khỏi thực đơn. Bắt đầu từ những món an toàn như thịt heo, cá nước ngọt, lươn đồng và các loại rau củ. 

"Cuối cùng thì gói gọn trong thịt heo, tim heo, cá lóc đồng, trái cây, rau củ. Chỉ có những nguyên liệu đó lặp đi lặp lại buộc mình phải nghĩ ra nhiều món mới cho con ăn đỡ nhàm chán như: Thịt heo xíu mại, chà bông heo, thịt rang cháy cạnh, thịt luộc, thịt sốt cà, thịt nướng, cá lóc kho tộ, chà bông cá, cá kho nghệ, tim heo xào rau củ, sinh tố trái cây,...", bà mẹ trẻ chia sẻ. 

Tập cho con làm quen với các món bị dị ứng

Hành trình ăn các món an toàn cho bé kéo dài 1 năm. Đến khi con 3 tuổi, chị Nhung mới bắt đầu tập cho con các loại thực phẩm dị ứng, như tôm, trứng, cua ghẹ, lươn, thịt bò. Mỗi ngày bà mẹ trẻ chỉ tập cho con ăn 1 món, kéo dài trong 3 ngày liên tục để biết con có dị ứng hay không. 

Cậu bé Tiến Anh 20 tháng (ảnh trái) và lúc 3 tuổi.

"Ví dụ, thứ 2 mình cho con ăn thịt bò, thì thứ 3 và thứ 4 cũng vậy. Thịt bò mình kết hợp với các loại thực phẩm chắc chắn con không dị ứng. Rồi thứ 5 đến chủ nhật, con sẽ ăn đồ ăn không dị ứng. Theo dõi 1 món trong 1 tuần như vậy. Nếu thấy con ổn thì sang tuần thử cho con ăn thực phẩm khác, còn nếu thấy có biểu hiện dị ứng (như bé nhà mình là sẽ khò khè, tái viêm phế quản, đi ngoài xì xoẹt, tiêu chảy, gãi ngứa) thì dừng lại đến khi hệ tiêu hoá của con ổn mới tập món khác.

Các bé dị ứng thường rất nhạy. Nên nhiều khi dù đã thử món kĩ càng nhưng nhiều lúc mình là người theo dõi bé cũng hoang mang, không biết bé dị ứng gì nữa, kiểu chồng chéo lên nhau. Các mẹ nên để sẵn thuốc dị ứng và thuốc bôi da cho con. Nếu con dị ứng nặng quá, có thể cho con uống liều dị ứng (cái này nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn), và bôi các loại kem thảo mộc giúp con giảm bớt ngứa ngáy khó chịu", chị Nhung chia sẻ. 

Hành trình 5 năm chăm sóc em bé bị dị ứng đạm sữa bò và đa thực phẩm - Ảnh 3.

Dù nhiều khó khăn nhưng chị Nhung luôn cố gắng trong quá trình chăm sóc con trai.

Một số lời khuyên với các mẹ cũng có con đang bị dị ứng

Là một người mẹ đã trải qua hành trình 5 năm chăm sóc con bị dị ứng, chị Nhung hiểu rõ người mẹ cần thật sự kiên nhẫn và chịu khó quan sát, tìm hiểu con. 

- Tập cho con ăn đạm và các thức phẩm dị ứng ở một lượng vừa phải, khi chắc chắn cơ thể con đã chấp nhận thực phẩm đó mới tăng lượng lên rất từ từ, không nôn nóng. 

- Chăm bé dị ứng đòi hỏi sự kiên nhẫn và kiên trì. Đối với các bé dị ứng, tăng cân là một điều hết sức xa vời. Nên các mẹ hay gạt bỏ cân nặng của con qua một bên, không bận tâm, không so sánh với các bé bình thường khác. 

Hành trình 5 năm chăm sóc em bé bị dị ứng đạm sữa bò và đa thực phẩm - Ảnh 4.

Con trai chị Nhung (bé đứng bên trái) ở thời điểm hiện tại là 5 tuổi, nặng 19kg - Nghĩa là bé đang phát triển ở trên đường trung bình trong biểu đồ cân nặng ở trẻ.

- Mẹ là người trực tiếp chăm con, phải kiên định với nguyên tắc mình đã đặt ra trong việc ăn uống của con như thế nào. Đừng chỉ vì 1, 2 câu nói "cho bé ăn 1 tí không sao đâu" mà đi lệch hướng. Càng kĩ bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu cho con, vì sau nếu con có biểu hiện dị ứng, mình biết tác nhân gây ra là gì một cách dễ dàng hơn.

- Mẹ hãy là bác sĩ của con, nấu đa dạng món cho con. Hạn chế tối đa mua đồ ăn sẵn bên ngoài.

Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho các bố mẹ, đặc biệt là gia đình có con nhỏ cũng đang bị dị ứng đạm sữa bò.