Có bao giờ bạn nghĩ, nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bạn sẽ làm gì? Cuộc sống vốn ngắn ngủi, chẳng bao giờ là đủ cho những thương yêu. Nếu chỉ còn một ngày để sống, hãy gửi đến người bạn đang yêu thương những lời chân thành nhất. Tận hưởng cuộc sống, học cách yêu chính bản thân, yêu người và yêu đời mỗi ngày.
Như một bài thơ về cái chết mà ở đó người ta cảm nhận nhiều hơn về niềm hy vọng. Xen kẽ những giọt nước mắt đâu đó vẫn có những nụ cười. Cái nhìn về cuộc đời, về cái chết của những người thật sự sắp phải tạm biệt cuộc sống này sẽ như thế nào? Liệu họ sẽ cảm thấy bình yên, tự tại hay dằn vặt, đớn đau? Liệu những sân si, hờn ghét có còn ý nghĩa trong những giờ phút cuối cùng?
Với "Memento Mori", mọi thắc mắc sẽ được giải đáp.
Cùng nhau suy tư về cái chết không gì hơn là cái cớ để con người trở về là mình, để gần lại với nhau hơn, và để rồi tự nhận ra mình đang còn sống. Với thông điệp ấy, dự án cộng đồng Memento Mori mang đến chương trình biểu diễn nghệ thuật bao gồm tiểu phẩm Memento Mori (Hãy nhớ, mi sẽ chết) được đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chuyển thể từ cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" và trò chuyện cùng tác giả cuốn sách - Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang.
Tiểu phẩm được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật của các bệnh nhân ung thư hoặc người nhà bệnh nhân mà tác giả Đặng Hoàng Giang tiếp xúc và đồng hành trong hành trình cận tử của họ. Anh Giang tin, giữa các tuyến nhân vật và diễn viên ngoài đời thực có sự kết nối sâu sắc về mặt cảm xúc.
Đề cử Top 20 Nhân vật truyền cảm hứng - Dự án Memento Mori
Đó là Vân, người đã gửi gắm những lời dặn dò, nhắn nhủ cuối cùng cho hai con gái qua những đoạn ghi âm ngắt quãng bởi sức khoẻ của chị càng về cuối càng không cho phép.
Đó là Hà, người đã đối mặt với việc căn bệnh ung thư xương đến với đứa con trai 10 tuổi của chị, bé Nam.
Và Liên, cô gái trẻ với nhiều hoài bão ước mơ bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy, 15 năm ăn học, 3 năm đi làm.
Xuyên suốt ba câu chuyện của ba nhân vật chính trong quyển "Điểm đến của cuộc đời", họ ở những vị trí khác nhau, hoàn cảnh xã hội khác nhau, nhưng trước cái chết, họ bình đẳng. Họ biết cái chết sẽ "ập" đến với mình bất cứ lúc nào. Nhưng cách họ đối đầu và vượt lên chính mình, mới chính là bài học thấm thía nhất trên cuộc đời này. Và điều duy nhất kết nối họ chính là yêu thương dành cho người thân, cho cuộc sống, khi phải đối mặt với hành trình cận tử.
Hạnh phúc là một hành trình. Hạnh phúc chẳng ở đâu xa, hạnh phúc ngay cạnh chúng ta khi được hít chung một bầu không khí, tận hưởng hạnh phúc từ những việc đơn giản nhất, trong từng hơi thở.
Huế (22 tuổi) vào vai Liên - nhân vật có thật trong cuốn "Điểm đến của cuộc đời". Liên mắc ung thư vú. Còn Huế ngoài đời phát hiện ung thư gan vào năm 2012, khi ấy cô 18 tuổi.
Trong lý lịch bệnh tình của mình, Huế ghi: "Hai khối u ở gan 4cm, không đau. Một khối u ở ngoài gan 13cm, có đau. Ung thư di căn nhiều vị trí. Ngủ thì không nghĩ đến nó nữa sẽ không đau. Đến khi tỉnh, nhớ đến thì vẫn đau. Đau dữ dội kinh khủng cũng có, mà bình yên dịu nhẹ cũng có".
Huế nghe tới cái chết gần như quá vô thường. Trong bệnh viện, hôm nay người ta thông báo người này mất, hôm sau thông báo người khác mất, mà cảm giác như, Huế không thể khóc được nữa. Cái chết, dường như đã hằn sâu trong tiềm thức cô. Trước, nghe tin ai điều trị cùng mình đột ngột ra đi, thì có mà Huế khóc cả ngày chẳng dứt. Hiện tại, cô chỉ nhoẻn miệng cười một cái, rồi đánh tiếng: "Ai cũng phải mất, cũng là một phần giải thoát".
Khi Liên mất đi, cô trở thành một con người tự do như hằng mong ước. Cô nhìn thẳng vào cái chết, với tất cả sự bình thản và không chút do dự... Huế gần như tương đồng với Liên tới 80%. Huế cũng không biết bây giờ mình còn bao nhiêu thời gian.
Khi hoá thân vào Liên, Huế mặc một bộ áo dài màu trắng, có chú gấu bông to làm bạn. Sự mạnh mẽ trong ngôn từ là khi Huế đang cố gắng diễn tả đủ và chắc sắc thái kiên cường của Liên. Nhưng bản thân Huế, thỉnh thoảng trong suy nghĩ lại có cảm giác yếu đuối. Huế đoán viển vông xem mình sống được bao lâu nữa. Cô không sợ cái chết nhưng lại sợ đau.
"Cái chết sẽ đến, không rõ là lúc nào. Mình chào đón nó và làm cho những ngày sống trở nên có ý nghĩa hay mình kháng cự nó và chết ngay khi đang sống? Chúng ta phải lựa chọn một thái độ sống tích cực trong một hành trình không cưỡng lại được" - Huế nói.
Hoàng Vân là một bà mẹ có 2 cô con gái xinh xắn. Một tháng trước khi qua đời vì ung thư xương, chị dồn hết sức lực cho lần cuối cùng, ghi âm lời nhắn nhủ cho 2 con. Như bao bà mẹ có con gái, Hoàng Vân thương 2 đứa con nhỏ dại của mình. Nhưng trớ trêu, ung thư lại chọn chị đầy nghiệt ngã. Trước khi qua đời, chị để lại đôi giác mạc cho cuộc đời, dù trước đó, người nhà hoàn toàn phản đối.
Trong bốn mươi tuần cuối cùng của mình, Hoàng Vân đã chuyển hóa từ một cô gái thôn quê chưa học hết phổ thông, lặng lẽ, nhút nhát, thành một con người độc lập và quả cảm. Thuyết phục được gia đình đứng sau mình trong mong muốn hiến giác mạc, một việc tiên phong ở môi trường của cô, cô đã thay đổi cả những người quanh mình, cùng họ vượt qua sự sợ hãi và nỗi đau của bản thân, vượt lên những dị nghị, đàm tiếu xung quanh. Nằm trên giường, nhưng cô đã dẫn dắt mọi người trong nhà bỏ lại sự chật chội của định kiến, hé mở một cánh cửa để họ thấy rằng có thể sống cuộc đời theo một cách khác.
Và Vân có một tình yêu thật đẹp với người chồng - Hoàng. Anh đã chăm sóc Vân đến những ngày cuối cùng. Vân và Hoàng cũng đã chứng minh rằng, trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn có thể đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của mình bằng tình yêu thương. Tình yêu của hai người đã được nuôi dưỡng bởi sự kiên cường của Vân và lòng kiên nhẫn khổng lồ của Hoàng. Trong chín tháng, Hoàng đã lau chùi cho Vân hàng trăm lần, tiêm thuốc cho cô hàng ngàn lần, xoa bóp cho cô hàng ngàn giờ. Anh đã trải qua phép thử khổng lồ của cuộc đời với tất cả lòng tự trọng và phẩm giá.
Dẫu rằng cái chết chẳng chừa một ai, nhưng có mấy ai mạnh mẽ và cho đến phút giây cuối cùng vẫn trọn vẹn tình thương, không chút vị kỷ riêng mình, như Vân.
Trong câu chuyện của tác giả Đặng Hoàng Giang, Nam, 8 tuổi, là một đứa bé mắc bệnh ung thư xương. Kết luận về cái chết đến sớm của Nam đưa chị Hà - mẹ em - bước vào hành trình cận tử cùng con trai. Nhiều lần trong đời, Nam nhìn thấy thiên đường, thấy mây trắng đang đợi mình phía trước. Một liều thuốc an thần đưa Nam từ viện về nhà trên chiếc xe lăn, như một giấc ngủ dài, em từ từ nhắm mắt. Phút chốc sau, em bay về thiên đường của riêng mình.
Trong vở kịch "Memento Mori", bé Lâm (11 tuổi) hoá thân vào nhân vật Nam. Mẹ em - chị Lưu, là một bệnh nhân ung thư ngoài đời thực. Có một nghịch cảnh trớ trêu ở tuyến nhân vật lần này, một sự hoán đổi thân phận giữa mẹ và con.
Chị Lưu phát hiện ung thư hạch vào năm 2015. Cuối năm đó, chị phẫu thuật cắt khối u. Cuối năm 2016, chị bắt đầu điều trị bằng hoá chất. Thời điểm phát hiện bệnh, chị nhiều lo lắng. Người không bệnh có thể hiểu được, huống gì chị là người bệnh. Sau một thời gian, chị lấy lại tinh thần và sẵn sàng chiến đấu với ung thư.
"Nếu một ngày phải xa người thân, chị cảm giác thế nào khi đối diện?". Mới đầu, chị nghĩ nhiều về cái chết. Còn bây giờ, cũng như Liên hay Huế, chị thấy cái chết rất bình thường. Đến đâu tới đấy, việc quan trọng là cố gắng sống tốt nhất có thể, làm những gì mình chưa thực hiện được.
"Cho đến tận cùng, mình cũng chẳng phải nuối tiếc so với những gì người ta thường nói".
Chắc chắn sẽ có một ngày chị phải nói lời từ biệt với bé Lâm, như khi Nam gắng gượng phút cuối bên cạnh mẹ Hà và gia đình. Nếu mai này có ai hỏi chị cái chết là gì?, chị sẽ tự tin đáp lại: Đừng sợ, bên cạnh bạo lực của cái chết là sức mạnh khổng lồ của tình yêu, là động lực giúp chúng ta đi tiếp, là ý nghĩa thực sự của việc tồn tại này.
Trên sân khấu Memento Mori, số phận của Nam, Hà, Liên, Vân được tái hiện sống động ngay trước mắt hàng trăm khán giả, như những ngày TS Đặng Hoàng Giang cận kề bên họ ở hành trình cận tử, đối mặt một cách thẳng thắn nhất với cái chết và căn bệnh ung thư.
Anh Giang từng chia sẻ rằng lúc sinh thời, Liên hay Vân chỉ là những con người bình thường, có khi tưởng như vô danh vì ít được ai biết đến. Họ luôn đau đáu mong muốn được sống tốt, được làm những điều có ích cho xã hội, có thể lúc đối mặt với cái chết, niềm ước mong ấy chưa thành hiện thực. Nhưng với Memento Mori, Liên và Vân được sống lại nhiều lần nữa trên sân khấu, và những ước mong, những yêu thương, những điều họ làm được và chưa làm được khi còn sống, đã truyền cảm hứng thêm cho rất nhiều khán giả. Để khán giả nhận ra rằng, hãy nhớ, ta đang sống.
"Chẳng phải chúng ta đều là những tử tù không được thông báo ngày hành quyết hay sao?"
Elisabeth Kubler-Ross nói rằng cái chết cho người ta cơ hội cuối cùng để lớn lên, để trưởng thành. Những ngày cuối đời, giống như cảnh kết của một bộ phim, có thể đem lại ý nghĩa cho tất cả những gì xảy ra trước đó.
Nào những Nam, Hà, Liên, Vân - tuyến nhân vật đều phải chết, nhưng sự tích cực, niềm cảm hứng và tình yêu thương của họ toả sáng, lây lan trong chính trái tim của những người ở lại, của chính chúng ta. Lắng nghe câu chuyện của từng nhân vật bước ra từ trong trang sách tới ngoài đời thực, chúng ta nhận ra, đôi khi cái chết nó không đáng sợ như chúng ta nghĩ.
Hãy thử một lần đặt mình vào số phận của những bệnh nhân ung thư, bạn sẽ thấy hành trình cận tử của họ lạc quan và nghị lực đến nhường nào. Đâu đó phía cuối hành trình ấy, là một mặt trời ẩn trong trái tim!