Ngày 2/4 đã được Liên Hiệp Quốc chọn là "Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ", với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến hội chứng này.

Theo chuyên trang của Liên Hiệp Quốc về tự kỷ: "Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần."

Vào dịp này hàng năm, khắp thế giới và tại Việt Nam đều có các hoạt động vì người tự kỷ.

"Đứng trên cương vị một giáo viên hay một người mẹ, việc dạy trẻ phát triển bình thường đã không phải là điều đơn giản. Vì vậy, nếu bạn bước chân vào con đường dạy trẻ tự kỷ, khiếm thính đồng nghĩa với việc chấp nhận khó khăn và muôn vàn thử thách".

Đó là những lời chia sẻ của cô Vũ Thị Huyền (26 tuổi), giáo viên tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Khai Trí (Vĩnh Phúc).

4 tháng trời ròng rã chỉ để dạy bé giơ tay chào tạm biệt

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương khoa Giáo dục đặc biệt, Hiền chính thức về giảng dạy tại trung tâm. Tuy được tiếp xúc với trẻ tự kỷ, khiếm thính ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng những ngày đầu đứng trên bục giảng, người giáo viên trẻ không khỏi bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn.

Đối với trẻ tự kỷ, khiếm thính mỗi em có một biểu hiện khác nhau vì vậy giáo viên không hề có giáo án hay một phương pháp cụ thể nào để áp dụng trong quá trình giảng dạy. Phần lớn giờ học, nội dung bài học được quyết định bởi tình trạng của trẻ, điều này đòi hỏi giáo viên phải quan sát, nắm bắt và đánh giá đúng tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng.

Theo Hiền, ngoài việc đánh giá đúng tình trạng của trẻ giáo viên còn phải có lòng kiên nhẫn. Nhiều trường hợp bé lên 5 tuổi nhưng như trẻ vừa lọt lòng, từ những động tác đơn giản như thổi, cầm nắm, chào tạm biệt... các cô đều phải dạy lại tất cả. Có những em tự kỷ nặng, chỉ một hành động đơn giản như nắm tay, ngồi lên, ngồi xuống, cầm bút bạn hướng dẫn 20 lần, 30 lần, thậm chí có trường hợp 100 lần bé vẫn chưa làm được.

Hành trình đẫm nước mắt của cô giáo đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng: Bị đánh, cắn đến chảy máu là chuyện thường - Ảnh 1.

Để xếp được các em ngồi ngay ngắn trên ghế cũng là nỗ lực vài tháng trời của cô.

Nhìn con với ánh mắt trìu mến, cô nói để dạy trẻ đặc biệt làm một việc nào đó phải tính bằng tuần, bằng tháng chứ không tính theo giờ như trẻ bình thường. Nếu không có nhiệt huyết, lòng yêu nghề, tình thương và đặc biệt là năng lượng, tinh thần thép thì chẳng bao giờ bạn có thể trụ được với nghề này.

Nhiều hôm tan lớp về đến nhà là mệt nhoài, không còn chút sức lực nào hay có những lúc nói không thành tiếng… trong khi học sinh không tiến bộ, Hiền cảm thấy chán, nản. Nhưng khi thấy học trò làm được điều gì mới cô giáo trẻ lại có thêm sức mạnh, động lực tiếp tục chiến đấu.

Nhớ lại trường hợp của bé Ngọc Q. (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) mắc chứng tự kỷ, cô Hiền cho biết để Q. có thể giơ tay lên chào tạm biệt trước khi tan lớp cô ròng rã cùng bé suốt 4 tháng trời. Đến một ngày đang chuẩn bị về bé giơ tay lên chào tạm biệt cô. "Lúc thấy con làm được hành động đó tôi đã mừng rơi nước mắt chạy đến ôm con thật chặt vào lòng và cảm thấy tự hào về con lắm. Đối với trẻ bình thường nó chẳng có gì ghê gớm nhưng với trẻ tự kỷ đó là cả một quá trình học tập vất vả giữa cô và trò".

"Cô dạy kiểu gì mà con tôi không tiến bộ?"

Gần 10 năm trong nghề (khi còn là sinh viên, Hiền cũng có làm thêm tại nhiều trung tâm), tiếp xúc với vài trăm học sinh với bao nhiêu kỷ niệm, cô giáo trẻ này có những nỗi niềm mà chỉ riêng ai trong nghề mới thực sự thấu hiểu được.

"Cũng là giáo viên nhưng ngày nhà giáo Việt Nam chúng tôi ít khi được nhận hoa hay lời chúc mừng của học trò lắm. Thật sự có những lúc tôi cảm thấy tủi thân nhưng nghĩ lại thì thương học trò mình nhiều hơn.

Ngoài ra giáo viên dạy trẻ tự kỷ chưa thực sự được xã hội công nhận, dù chúng tôi có cố gắng, nỗ lực như thế nào cũng không được ghi nhận, không được tuyên dương, khen thưởng và cũng không có cuộc thi giáo viên dạy giỏi như những bộ môn khác", cô tâm sự.

Nhưng đây không phải là điều trăn trở lớn nhất của người giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Với Hiền, niềm hạnh phúc, món quà lớn nhất chính là sự tiến bộ của học trò hơn là những bằng khen, bó hoa. Điều khiến cô giáo trẻ lo lắng là không ít phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng của mình trong việc giúp con nhanh chóng hòa nhập nên thường bỏ qua hay chưa thực sự hợp tác với giáo viên trong việc dạy trẻ.

Họ đâu biết rằng trong quá trình dạy trẻ tự kỷ, sự phối hợp của giáo viên và phụ huynh là điều thực sự cần thiết. Bởi với học sinh tự kỷ, bố mẹ và giáo viên phải thường xuyên tác động, uốn nắn, đưa trẻ vào khuôn khổ mọi lúc mọi nơi mới mong có hiệu quả.

Hành trình đẫm nước mắt của cô giáo đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng: Bị đánh, cắn đến chảy máu là chuyện thường - Ảnh 2.

Ngoài đời cô Hiền cũng rất yêu quý trẻ, có lẽ đây cũng chính là cơ duyên đưa cô đến đây.

Cũng có thể do việc mưu sinh hàng ngày nên các bậc phụ huynh khó lòng quan tâm các em thường xuyên. Nhưng bên cạnh đó, cũng không hiếm người quan niệm rằng họ mất tiền gửi con, thuê các cô dạy đồng nghĩa với việc phải làm cháu tiến bộ.

Nói đến đây vẻ mặt cô giáo trẻ trầm xuống, Hiền nhớ lại lời nói như vết dao cứa vào lòng mình của một phụ huynh dành cho cô: "Cô dạy kiểu gì mà con tôi không có sự tiến bộ gì vậy?"

Phụ huynh xem trường là nơi giữ trẻ, họ phó mặc hoàn toàn việc dạy dỗ cho cô giáo. Về nhà họ chiều, mặc kệ những đứa trẻ muốn làm gì thì làm, không uốn nắn hay cùng con ôn lại những bài học cô đã ghi lại trong sổ theo dõi. Chính vì không chú ý đến con dẫn đến tình trạng nhiều trẻ sau khi nghỉ học ở nhà vài hôm đến lúc trở lại trường các em quay về vạch xuất phát".

Bị đánh, cắn và cào cấu đến chảy máu: Chuyện thường khi dạy trẻ tự kỷ

Được hỏi điều gì làm chị ám ảnh nhất khi mới bước chân vào nghề? Cô giáo trẻ vẻ mặt trầm ngâm cho biết 2 tháng đầu đi làm chị bị khủng hoảng, stress nặng bởi nhiều em nhận thức chậm, dạy mãi nhưng cũng không tiến bộ, đặc biệt là dạy những bé có biểu hiện hay đánh và cắn cô giáo.

"Đối với những trẻ tự kỷ có biểu hiện đánh người việc bạn bị đánh, cào cấu đến chảy máu trong quá trình dạy không có gì khó hiểu", cô nhìn lên vết tích trên tay mình cười nói.

Hành trình đẫm nước mắt của cô giáo đưa trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng: Bị đánh, cắn đến chảy máu là chuyện thường - Ảnh 3.

Chỉ cần học sinh tiến bộ với cô đó là điều hạnh phúc nhất.

Cô còn nhớ như in những ngày đầu tiếp xúc với bé Phạm Huy Đ. ở TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), cháu thường xuyên giận dữ, gào thét, nếu ai đến gần sẽ cào, cắn, có khi tự đập đầu vào tường làm đau mình.

"Khi chứng kiến cảnh tượng đó, chắc hẳn người cứng rắn nhất cũng sẽ chảy nước mắt vì thương con. Các bé mắc chứng tự kỷ, khiếm thính sinh ra đã mang nhiều thiệt thòi, vì vậy mình luôn dành những tình cảm đặc biệt cho các bé, ở bên bé kìm hãm những cơn giận dữ đòi đánh người vô cớ…", cô giáo trẻ chia sẻ.

Dù sau mỗi buổi học trên người cô mang đầy thương tích nhưng cô giáo trẻ vẫn miệt mài cùng con bước từng bước chậm rãi đến đích mang tên "hòa nhập cộng đồng".

Bằng sự kiên trì, nỗ lực không ngừng nghỉ của cô và trò, sau 2 năm học Đ. đã tốt nghiệp và đang đi học lớp hòa nhập. Cô cho biết dù không được nhanh nhẹn như các bạn trong lớp nhưng bé thật sự rất tiến bộ.

Khó khăn, tủi hờn, áp lực là vậy nhưng cô giáo trẻ vẫn khẳng định với tôi rằng: "Với trách nhiệm của một nhà giáo, tôi muốn bù đắp lại những thiệt thòi mà các con đang phải gánh chịu, cùng sát cánh bên con, giúp con hòa nhập cộng đồng, sống đúng với lứa tuổi. Cứ như vậy đến khi mình không còn sức nữa".