Anh Nguyễn Gia Dương (32 tuổi, Hà Tĩnh) nhận tin vợ - chị Trương Thị Giang mang thai lần 2 sau khi chị sinh mổ con trai lớn được hơn 3 năm. Tuy nhiên lần này, chị mang thai 3 hoàn toàn tự nhiên và phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, nhiều lần vợ chồng anh được khuyên nên bỏ thai để tránh những nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Sau nhiều đắn đo, suy nghĩ, đã có thời điểm hai vợ chồng chuẩn bị đi làm thủ thuật bỏ thai nhưng cuối cùng, anh chị quyết định vững vàng cùng nhau chiến đấu và nhận được cái kết không thể ngọt ngào hơn.
Nguyên văn chia sẻ của anh Nguyễn Gia Dương:
Vợ chồng ôm nhau khóc khi biết tin mang thai ba, nhiều rủi ro
"Cuối năm 2018 thì vợ mình có bầu lần 2. Đưa vợ đi siêu âm, bác sĩ khám 1 lúc lâu xong bảo: “Hình ảnh lạ lắm, hình như là một đôi em ạ mà nằm gần nhau quá, sợ bị dính vào nhau”. Đang vui mừng mình bỗng chốc rơi vào lo lắng, vợ khóc, hai vợ chồng động viên, an ủi nhau chắc không sao.
Hôm sau, hai vợ chồng lại đi khám ở 2 chỗ nữa. Chị bác sĩ khám 1 lúc lâu rồi gọi hai vợ chồng vào bảo: “Của em là thai 3. Nhưng em phải ra Hà Nội để khám, họ sẽ cho chỉ định chứ đa thai nhiều nguy cơ, và việc mang đa thai đã là điều bất thường trong sản khoa rồi”. Lúc này, vợ mình đang mang thai hơn 7 tuần.
Bọn mình ra Bệnh viện Phụ sản Trung ương (PSTW), sau khi thăm khám, bác sĩ cho lịch hẹn hội chẩn với ban Giám đốc vào buổi chiều. Buổi chiều lại dắt nhau lên, nhưng cả ban Giám đốc đều đi vắng. Một lát các bác sĩ lại bảo lên Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (HTSSQG) ở tầng 10.
Vợ chồng anh Dương vừa biết tin mang thai ba cũng là lúc phải đối diện với nhiều vấn đề.
Sau khi khám, bác sĩ bảo nên bỏ đi em ạ, chứ tam thai quá nhiều nguy cơ: Sảy thai, sinh non, truyền máu song thai, vỡ tử cung... Càng nghe tai mình càng ù đi, vợ thì khóc. Bác sĩ bảo ra ngoài bàn bạc cho bình tâm lại rồi các bác giải quyết nhanh cho mà về, nên làm sớm trong tuần thứ 8. Hai vợ chồng ôm nhau khóc ngoài hành lang. Mình bảo vợ về nghỉ ngơi rồi quyết định, 2-3 hôm nữa cũng chưa muộn chứ giờ căng thẳng chẳng quyết được gì.
Bọn mình lại bắt xe về quê, chỉ muốn giãn thời gian ra để ổn định tâm lý cho vợ trong trường hợp xấu nhất, và cũng muốn tham khảo 1 số ca đa thai mà mình quen biết. Hôm ngồi đợi ở Trung tâm HTSSQG, mình có gặp một người bạn cũ làm bác sĩ tại đây. Khi về mình liên hệ với người bạn này, cậu hứa cứ ra khám lại, giúp được gì sẽ giúp hết sức.
Vợ chồng minh ra Hà Nội để gặp người bạn bác sĩ khám lại, rồi trao đổi nhưng kết quả vẫn là không nên giữ vì quá nhiều rủi ro. Vợ mình sinh mổ lần đầu, dù đã hơn 3 năm nhưng khi mang đa thai thì bầu sẽ lớn, nguy cơ bục vỡ tử cung là điều hiển hiện. Chưa kể đa thai thì các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi thì kết quả không bao giờ đúng vì không thể xác định được thai nào tật, thai nào không. Rồi hội chứng truyền máu song thai, đẻ non thiếu tháng dưới 26 tuần tuổi rất khó nuôi được, nếu nuôi được cũng mang những khiếm khuyết thể chất suốt đời…
Cậu ấy mách cho vợ chồng mình một bác sĩ khác tên Hiền Lê, bác sĩ này từng làm ở PSTW nhưng nay đã chuyển sang bệnh viện khác, chuyên giữ các ca song thai, đa thai. Hy vọng được nhen lên nhưng sau vài phút gọi điện không thấy ai nhấc máy, bạn mình khuyên nên giải quyết sớm cho đỡ đau, tiết kiệm thời gian.
Chuẩn bị làm thủ thuật và cuộc điện thoại định mệnh
Để nói thêm chút cho các bạn hiểu về trường hợp đa thai của vợ mình. Đó là tam thai chung bánh nhau, khác túi ối. Nghĩa là có 3 thai, nằm trong 3 bọc ối khác biệt nhưng lại chung 1 bánh nhau, chung 1 đường nuôi máu.
Nếu như can thiệp tiêm thuốc để giảm thiểu bớt số lượng thai thì không ai dám chắc sẽ không ảnh hưởng đến các thai còn lại vì chung đường nuôi máu. Việc mất tim thai gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Điều đó cũng đồng nghĩa là hỏng hết, như thế nên bác sĩ tư vấn nên làm thủ thuật đình chỉ thai kỳ là hơn.
Hai vợ chồng buồn bã đi làm thủ thuật, vợ cứ khóc rồi bảo: “Mình giữ con đi bố”, tim mình thắt lại. May sao lúc đó cậu bạn gọi điện cho mình, bảo đã liên hệ được bác sĩ Lê, hai vợ chồng sang đó một chuyến xem sao.
Hai vợ chồng lại sang bệnh viện nơi bác sĩ Lê làm để khám. Vẻ mặt bình thản của bác sĩ cũng khiến mình yên lòng phần nào nhưng kết quả vẫn tương tự như ở PSTW. Bác sĩ Lê bảo hai vợ chồng cứ về, tuần sau quay lại khám vì giờ thai nhỏ, chưa kết luận được gì nhiều, chờ thêm tuần nữa cũng chưa muộn.
Lần khám tiếp theo đã bắt đầu nghe được tim thai. Kết quả khám lần này khiến bác sĩ cũng phải kinh ngạc, ngoài 3 tim thai của 3 bé còn có 1 mạch máu cũng đang đập, nó bé hơn và kẹt trong góc, ngoài ra còn có 1 túi thai nữa nhưng không phát triển. Vẫn vẻ mặt bình thản của bác Lê, 2 đứa cứ về, 2 tuần sau khám lại. Bọn mình hỏi han đủ thứ nhưng đáp lại luôn là thái độ rất điềm tĩnh, ung dung. Điều đó khiến vợ chồng mình vững tâm hơn và điều này mình nghĩ cũng là yếu tố quan trọng để ổn định tâm lý vững vàng cho vợ mình trong suốt thai kỳ.
Mình thì đi làm, vợ ở nhà, cũng xác định sẽ còn rất tốn kém nên phải gắng mà đi làm, vì gia đình 2 bên cũng không dư giả gì, đều là lao động tự do cả. Mỗi chuyến đi Hà Nội tốn 4-5 triệu chứ ít ỏi gì.
Thêm 2 tuần trôi qua, lần khám này thì 3 bé đã nhìn rõ hình hài hơn, còn cái mạch máu kẹt trong góc, do không thể phát triển nên đã tự tiêu. Vấn đề tiếp theo là vượt qua các mốc 16-19-22-26 tuần. Quãng thời gian đó thực sự dài lê thê, qua mỗi mốc thăm khám lại thêm 1 niềm vui khi biết các con phát triển bình thường. Đến tuần 16 thì biết giới tính là 3 bé gái, mình sướng rơn.
Các lần thăm khám trong thời gian này chủ yếu để xem các bé phát triển có bình thường hay có gì bất thường về hình thái hay không. Ý của bác sĩ lúc đầu là theo dõi đến những tuần này để xem nếu có bé nào có vấn đề hoặc phát triển kém thì sẽ xử lý để cho các bé còn lại phát triển.
19 tuần, rồi 22 tuần, 3 đứa vẫn phát triển đều. Khám đi khám lại xem chọn đứa nào nhưng cũng chả quyết được. Bác sĩ Lê nói: “Bác là người làm nghề cũng chẳng thể chọn giữ bé nào, bỏ bé nào, vì mấy đứa phát triển đều, đẹp nữa. Thôi cứ giữ đi, đẻ không nuôi được bác nuôi cho 1 đứa”.
Thời gian này vợ mình không ăn uống được nhiều, vừa mệt vừa không dám ăn nhiều vì sợ tăng cân nhanh, mắc tiểu đường thai kỳ. Dù mẹ hay con tăng nhanh cũng đều không ổn, sẽ làm cơ thể người mẹ không thể chịu đựng nổi.
Từ khi mang thai đến trước khi sinh vợ mình lên vẻn vẹn 7kg. Mang thai 3 thực sự rất mệt, tầm 4,5 tháng thai quay trở nhiều, thúc dồn lên 2 bên xương sườn đau không ngủ được. Vợ đêm đến là cứ đứng dựa vào tường, vào tủ mà ngủ chập chờn vì đau hai bên mạng sườn không nằm nổi. Thương chồng nên không dám gọi, cứ đêm khuya là lại ngủ đứng như vậy suốt mấy tiếng đồng hồ.
Mốc 26 tuần khá quan trọng, bởi qua được thì khả năng mắc hội chứng truyền máu song thai sẽ thấp đi, hoặc nếu có bị thì cũng không nguy hiểm bằng khi thai nhỏ. Niềm vui lại đến khi 3 đứa nhỏ vẫn phát triển bình thường, tuy có 1 bé hơi nhỏ hơn xíu nhưng vẫn đang trong giới hạn an toàn. Những tuần không phải mốc ra Hà Nội khám, bọn mình vẫn duy trì 7-10 ngày đi siêu âm 1 lần để theo dõi. Đến 30 tuần mình lại đưa vợ ra Hà Nội khám lại, đồng thời qua PSTW làm hồ sơ sinh.
Cuộc vượt cạn nằm ngoài dự tính và cái kết viên mãn
32 tuần 5 ngày, trước hôm định ra Hà Nội một ngày thì vợ mình chuyển dạ, vỡ ối. Lúc này mình đang ở chỗ làm cuống quýt về vội, ở nhà bố vợ đưa vợ mình vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Bác sĩ đưa ra 2 phương án, nếu sinh ở đây thì khả năng nuôi là 70/30, ký giấy để mổ sớm. Còn nếu gia đình không muốn sinh ở đây thì bệnh viện sẽ truyền thuốc giữ để đi ra PSTW nhưng không ai dám chắc sẽ không sinh trên đường. Ra Hà Nội sinh thì tỷ lệ cũng chỉ khoảng 80/20. Vì đây là sinh non chưa đủ 33 tuần. Nhà mình quyết định mổ tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An luôn.
Ký xong thủ tục giấy tờ, mình đẩy vợ vào phòng mổ, cả nhà ở ngoài hành lang đứng ngồi không yên. Sau một lát, y tá đẩy 1 cái xe đẩy nhỏ nhỏ ra, hai bên chèn 2 cái gối hơi to. Con mình đây rồi, 3 đứa nhỏ nằm lọt thỏm trong xe, tóc đen, khóc to, bé như cái chai vậy. Cô y tá thông báo: “3 bé gái sinh 3, 1kg-1,5kg-1,6kg nhé”.
Bé 1kg phải ở viện đến 1 tháng mới được về, 2 bé lớn hơn thì 10 ngày. Ngọc Diệp - Ngọc Hà - Ngọc Anh tròn 1 tuổi vào ngày 19/6/2020 vừa qua. Các con rất ngoan, mẹ rèn ăn ngủ nề nếp. Vợ mình sinh 3 nhưng vẫn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, còn dư sữa cho các bé khác. Mình rất khâm phục nghị lực của vợ và tự hào về cô ấy.
Viết ra câu chuyện này, mình muốn nhắn nhủ với mọi người hãy tin rằng tất cả những chuyện tốt đẹp đều sẽ đến với những ai có niềm tin và không từ bỏ.
Qua đây, mình cũng muốn gửi lời cảm ơn đến người bạn bác sĩ của mình, người đã không may đột ngột qua đời sau đó. Cảm ơn bác sĩ Hiền Lê, tập thể các y bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cùng rất nhiều y, bác sĩ đã giúp đỡ gia đình mình".