2 tháng qua, có lẽ chẳng ai nghĩ rằng đại dịch Covid-19 lại có nhiều biến động đến vậy, ở cả những nơi từng dập dịch thành công nhất.

Nước Úc chỉ có một vài ca nhiễm mới trong ngày hồi đầu tháng 6/2020, trong khi cùng giai đoạn ấy ở đặc khu kinh tế Hong Kong (Trung Quốc) trải qua 3 tuần không có bất kỳ ca nhiễm nào trong cộng đồng. Còn Nhật Bản, họ đã dỡ bỏ cảnh báo khẩn cấp từ tháng 5, sau khi số ca nhiễm mới giảm xuống còn 2 chữ số trên phạm vi toàn quốc.

Và cả 3 nơi trên đều đã ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục ngay trong tuần vừa qua. Nó cho thấy việc kiểm soát virus thực sự khó như thế nào, kể cả ở những nơi đã chống dịch thực sự nghiêm túc và quyết liệt. Trên thực tế, tổng số ca nhiễm của cả 3 địa điểm là tương đối nhỏ so với những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc làn sóng dịch bệnh mới xuất hiện cho thấy một tình huống tiến thoái lưỡng nan, giữa sức khỏe cộng đồng và việc tái mở cửa nền kinh tế.

Covid-19 là một dịch bệnh không có sự khoan nhượng. Chỉ cần một nước đi sai có thể dẫn đến hàng tuần bị phong tỏa, và trong một đại dịch kéo dài, nó sẽ dẫn đến sự mệt mỏi và bất mãn trong công chúng.

Kỷ lục lây nhiễm tại Úc

Ngày 22/7, bang Victoria (Úc) ghi nhận 484 ca nhiễm - con số kỷ lục kể từ đầu đại dịch, ngay cả khi so với lúc cao điểm hồi tháng 3. Ngày 27/7, con số nhiễm mới tăng lên tới 532, chủ yếu xảy ra tại thủ đô Melbourne. 

"Chúng tôi chỉ có đúng 2 ca nhiễm vào ngày 9/6 - cách đây chưa đầy 6 tuần. Điều này cho thấy dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh đến mức nào," - Michael Kidd, Phó giám đốc y tế Úc cho biết. Và kể từ thời điểm ấy, bang Victoria ghi nhận thêm 7000 trường hợp mắc Covid-19.

Theo Giám đốc y tế quốc gia Brett Sutton, hầu hết các ca nhiễm trong tháng vừa qua đến từ những trường hợp không tuân thủ quy tắc phòng ngừa dịch bệnh sau khi trở về từ nước ngoài. Các ổ dịch mới nổi lên từ trường học, các tòa nhà công cộng, và ở nhà dưỡng lão.

"Rõ ràng việc thi hành các biện pháp chống dịch đã thất bại," - thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews chia sẻ vào ngày 30/6. 

Melbourne - thành phố đông dân cư thứ 2 nước Úc hiện đã vượt qua được phân nửa chặng đường của lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần. Việc đeo khẩu trang khi ra ngoài đã trở thành yêu cầu bắt buộc, nhưng hàng trăm ca nhiễm mới vẫn tiếp tục xuất hiện với xu hướng ngày một tăng.

"Chúng ta đã ở rất gần vạch đích loại bỏ dịch bệnh ra khỏi toàn bộ nước Úc," - trích lời Adrian Esterman, giáo sư số liệu sinh học tại ĐH Nam Úc. "Rất gần rồi, nhưng chuyện này lại xảy ra." Ông cho biết nếu số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục duy trì ở mức độ này, chuyện lần vết dịch bệnh sớm muộn cũng trở nên bất khả thi.

Kịch bản tương tự tại Nhật Bản

Nhật Bản đã phải chứng kiến một làn sóng dịch bệnh tương tự với nước Úc. Trong 7 ngày gần nhất, số ca nhiễm trung bình tại Tokyo đã tăng gấp 4 lần, chạm mốc 258 ca/ngày vào hôm 26/7. Trên toàn Nhật Bản, kỷ lục 981 ca nhiễm mới được lập vào ngày 23/7. Chính phủ lại một lần nữa trưng dụng nhiều khách sạn để làm nơi cách ly.

Nhà chức trách cho biết, phần lớn số ca nhiễm mới thuộc về cộng đồng người trẻ, có liên quan đến các khu vực giải trí về đêm. Việc tổ chức tiệc tùng, tụ tập đám đông nhìn chung đã trở thành cội nguồn khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng.

 - Ảnh 3.

Cuối tuần qua, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt chiến dịch thúc đẩy du lịch trong nước trị giá 10 tỷ USD. Chiến dịch được triển khai sớm hơn kế hoạch, nhưng không bao gồm các tour du lịch 2 chiều tới Tokyo - điểm nóng của dịch bệnh.

Trả lời về làn sóng dịch bệnh thứ 2, người phát ngôn của thủ tướng Shinzo Abe nói rằng chính phủ đang cân bằng giữa lợi ích của việc tái mở cửa nền kinh tế và các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh. 

"Tình hình hiện tại đã khác biệt rất nhiều so với những gì chúng ta chứng kiến đợt cảnh báo khẩn cấp hồi tháng 4," - trích lời ông Abe. Nguyên do là bởi các ca nhiễm mới đã lan ra cả người trẻ, trong khi bệnh viện lại chưa quá tải. Ông cho rằng chính phủ sẽ "duy trì cảnh giác với sự lây lan của dịch bệnh," trong khi từng bước tái mở cửa nền kinh tế.

Hong Kong (Trung Quốc) đối mặt với khủng hoảng

Trước bối cảnh suy thoái đến từ các cuộc tuần hành năm 2019 và sau đó là dịch bệnh, nhà chức trách quyết định sẽ trợ cấp cho mỗi công dân trưởng thành ở đặc khu kinh tế số tiền 1.290 USD/người (tương đương hơn 30 triệu đồng) để thúc đẩy chi tiêu và phục hồi nền kinh tế.

Ngày 16/6, các quy định giãn cách và cấm tụ tập trong nhà được dỡ bỏ đối với nhà hàng và phòng tập. Số ca nhiễm trong cộng đồng duy trì ở mức 0, cho đến ngày 5/7.

 - Ảnh 4.

Kể từ đó, Hong Kong ghi nhận 1300 ca nhiễm mới, với 87% là lây lan trong cộng đồng. Thậm chí tiền còn chưa kịp đến tay, lệnh giãn cách mới lại tiếp tục được ban hành, kéo theo là việc các nhà hàng, quán bar và phòng tập phải đóng cửa.

Nhiều chuyên gia dịch tễ học cho rằng nguyên nhân của làn sóng dịch bệnh mới đến từ những nước đi sai lầm của nhà cầm quyền, chẳng hạn như việc miễn cách ly và xét nghiệm cho một số đối tượng từ nước ngoài nhập cảnh - bao gồm phi công, phi hành đoàn và thủy thủ chở hàng. Hong Kong đã từng kiểm soát thành công đợt dịch đầu tiên do các hành khách từ Vũ Hán mang tới hồi cuối tháng 1, rồi đợt bùng dịch thứ 2 vào tháng 3 do du khách quốc tế cùng sinh viên trở về từ nước ngoài.

Với đợt bùng dịch mới nhất, nhà chức trách tại đặc khu kinh tế Hong Kong đã siết chặt lại các quy định. Bắt đầu từ ngày 29/7, các hành khách từ Mỹ sẽ được thêm vào danh sách rủi ro cao. Nếu muốn bay, họ phải đưa ra giấy xét nghiệm âm tính trước khi bay, phải chứng minh đã đặt phòng khách sạn nhằm phục vụ lệnh cách ly bắt buộc trước khi xuất cảnh.

"Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có quá nhiều người được miễn trừ," - bác sĩ Leung Chi-chiu, chủ tịch Hiệp hội y khoa Hong Kong cho biết. Số liệu chính thức cho thấy trong giai đoạn từ tháng 4 đến giữa tháng 7, có ít nhất 161.000 lượt hành khách tới Hong Kong không cần làm xét nghiệm và cách ly.

Các chuyên gia y tế xác định một số ổ dịch mới có liên quan đến ít nhất 9 tài xế taxi và gia đình của họ, và những người từng đến các nhà hàng. 6 đoàn thủy thủ trên các chuyến tàu chở hàng cũng được xác nhận nhiễm virus, trong khi nhân viên hàng không cũng xuất hiện nhiều ca dương tính kể từ khi bắt buộc làm xét nghiệm từ ngày 8/7.

Theo Joseph Tsang Kay-an - chuyên gia bệnh truyền nhiễm thì bên cạnh đó, nguyên nhân khiến số ca nhiễm gia tăng còn đến từ sự mỏi mệt do phong tỏa kéo dài. Có những người phải sống dưới lệnh giãn cách quá lâu cảm thấy bất mãn, và họ chấp nhận rủi ro để được thoải mái hơn.

Nguồn: WSJ