Sau vài lần trì hoãn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngày 22/10, Sở NN&PTNT Hà Nội cùng Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) bẫy bắt thành công một con rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô.

Đây là lần đầu tiên bẫy bắt thành công rùa Hoàn Kiếm nhằm phục vụ công tác bảo tồn và nhân giống. Đội ngũ chuyên gia từ WCS, ATP và bác sĩ thú y quốc tế từ Trung tâm Cứu hộ gấu Four Paws Viet đã kiểm tra sức khỏe của rùa. Rùa nặng 86kg, chiều dài mai 99,5cm, rộng mai 75,5cm. Dùng máy siêu âm, các nhà khoa học xác định được giới tính của rùa là cái.

Mẫu gene của rùa được gửi đến Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và  Phòng Tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn - Viện Tài nguyên và Môi trường (ĐH Quốc gia Hà Nội). Kết quả của cả 2 đơn vị đều cho thấy, rùa thuộc loài giải Sin-hoe, còn gọi là rùa Hoàn Kiếm, với tỷ lệ tương đồng 99,99%.

Ngay sau khi được khám sức khỏe, rùa Hoàn Kiếm được thả lại hồ Đồng Mô. Ban đầu, tổ bẫy bắt định gắn chip định vị theo dõi hoạt động của rùa. Tuy nhiên, COVID-19 đã khiến nhóm chuyên gia nước ngoài không thể mang thiết bị sang.Thay vào đó, đội ngũ bên Việt Nam đã gắn chip mã vạch lên rùa trước khi thả.

Ông Timothy McCormack, Giám đốc Chương trình của ATP,nói rằng, việc xác định được giới tính của rùa rất quan trọng, làm cơ sở cho kế hoạch nhân giống sau này. Ông Andrew Walde, Giám đốc điều hành của Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA), chuyên gia kỹ thuật của dự án, cho rằng, đây là tin tốt nhất đối với hoạt động bảo tồn rùa toàn thế giới trong năm nay cũng như cho nỗ lực bảo tồn rùa một thập kỷ qua.

Mở rộng phạm vi tìm kiếm

Theo ATP, tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh (Hà Nội), mỗi nơi còn ít nhất một cá thể rùa Hoàn Kiếm đã được xác định bằng công nghệ phân tích gene môi trường. Vì vậy, tổ bẫy bắt đã tiếp tục hoạt động từ tháng 11 và thử nghiệm các phương pháp bẫy bắt khác nhau.

Đại diện WCS nói: “Chúng tôi hy vọng có thể bẫy bắt và khẳng định cá thể thứ hai tại hồ Đồng Mô vào mùa xuân năm 2021, khi mực nước hồ ở mức thấp nhất. Nếu có thể xác nhận thêm một cá thể đực của loài rùa quý hiếm nhất thế giới này tại đây, việc đưa chúng về cùng một khu vực bán hoang dã hoặc nuôi bảo tồn có thể mở ra cơ hội lớn để hồi phục quần thể của loài rùa này ở Việt Nam”. Các nhà bảo tồn đã nhìn thấy con rùa này và ước tính nó nặng khoảng 130kg.

Ông McCormack cho biết, bước tiếp theo là bẫy, bắt con rùa ở hồ Xuân Khanh. Tùy thuộc giới tính của các con rùa còn lại, có thể lựa chọn phương án tối ưu để nhân giống bảo tồn tại Việt Nam và đưa loài này thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng. Đại diện ATP cho rằng, thời điểm lý tưởng nhất để bẫy bắt các con rùa còn lại là từ tháng 3 đến tháng 7 năm sau.

Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2021, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Sin-hoe như nghiên cứu, tuần tra, giám sát chất lượng môi trường nước tại hồ Xuân Khanh và Đồng Mô, thực hiện bẫy bắt xác định giới tính và gene của các con rùa còn lại.

Trước đó, Hà Nội đặt ra lộ trình, giai đoạn 2021-2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản (nếu được). Sau đó thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ươm nuôi giống rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài.Ông Nguyễn Thanh Bình, Vụ Bảo tồn thủy sản - Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đề xuất, Hà Nội có thể thành lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm bảo vệ nơi sống, sinh sản tự nhiên của rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô.

Cùng với việc bảo tồn các cá thể đã có, nhiều chuyên gia tin rằng, vẫn còn nhiều cá thể rùa Hoàn Kiếm khác ở nước ta do loài rùa này từng có vùng phân bố rất rộng lớn với tập tính bí ẩn, cần tập trung khảo sát, tìm kiếm. Đại diện ATP cũng đề xuất điều tra, khảo sát rùa Hoàn Kiếm ở những nơi nhiều hy vọng như hồ Suối Hai, hồ Đồng Sương, hồ Quan Sơn (Hà Nội).

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết, năm 2021 sẽ triển khai mở rộng tìm kiếm loài rùa này, trước mắt là ở hồ Suối Hai, nơi từng có nhiều thông tin về rùa Hoàn Kiếm.