"Tôi tin rằng cuộc đời mỗi người đều sẽ gặp một bất trắc nào đó, có thể là về sức khỏe, về gia đình hay công việc... chắc chắn không ai có thể tránh khỏi. Việc chúng ta có thể làm đó chính là đối mặt với nó và tập cách mạnh mẽ để bước qua" - đó là những điều khiến tôi nhớ mãi sau cuộc trò chuyện đầy cảm xúc với thầy giáo Ngọc Duy - người thầy mạnh mẽ đến phi thường.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (1988) sinh ra tại thành phố Buôn Mê Thuột, hiện tại anh đang làm chuyên viên tham vấn tâm lý cho một số trung tâm, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tại một số trường đại học trong TP.HCM. Ngoài ra anh còn là một gương mặt quen thuộc trong các chương trình thiện nguyện về giáo dục kiến thức giới tính cho đối tượng học sinh.
Với thầy Duy, những thành tựu hiện tại chưa thể gọi là thành công, nhưng để bước đến vị trí ngày hôm nay là cả một hành trình dài và đầy những khó nhọc mà không phải ai cũng có thể cảm nhận hết được. Đã có lúc cuộc sống đưa chàng giảng viên trẻ đến tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng thế nhưng trong suốt hành trình ấy, chưa một phút giây nào anh chấp nhận bỏ cuộc.
Đó là câu chuyện của 7 năm về trước, lúc đó Ngọc Duy vẫn còn là cậu sinh viên năm thứ 3 của khoa Tâm lý - giáo dục, trường Đại học Sư phạm TP.HCM. "Trong một lần đi thực tập cùng các bạn ở Vũng Tàu thì mọi người bỗng phát hiện tôi bỗng nhiên tăng ký lên một cách bất thường. Sau đó tôi bị xỉu và mọi người đưa vào Bệnh viên Đa khoa Vũng Tàu chữa trị thì bác sĩ cho biết tôi bị suy gan giai đoạn cuối" - thầy Duy nhớ lại.
Duy được bạn bè đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị, thế nhưng anh không hề muốn cho gia đình biết vì sợ bố mẹ ở nhà lo lắng. Sau đó bác sĩ cho biết rằng anh còn bị suy gan, suy tim, và suy khớp, tình hình sức khỏe đang cực kỳ nguy cấp. Đến lúc này Duy mới cho bố mẹ ở nhà biết tin. Cũng trong thời gian này, hai em của anh bị bệnh nặng phải ra Huế điều trị, bố anh thì bị tai nạn giao thông, mọi thứ dường như đè nặng lên đôi vai người mẹ.
Tương lai phía trước dường như đóng sầm lại trước mặt chàng sinh viên tài giỏi của trường Sư Phạm. Ai trong trường hợp của anh chắc cũng tưởng rằng anh sẽ buông bỏ để giải thoát cho bản thân, thế nhưng Duy tâm sự: "Ngay từ nhỏ tôi đã học cách sống tự lập, nên cũng rèn luyện tính mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Với tôi chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc". Không để mẹ phải vất vả, Duy một mình chống chọi với bệnh tật, may mắn anh có sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè nên cũng đỡ phần nào khó khăn.
Ngày nào không đến trường thì Duy đem sách vào bệnh viện học, ngày nào khỏe anh sẽ cố gắng đến lớp học. Thế nhưng cuộc đời vẫn chưa thôi thử thách chàng trai trẻ. Điều trị được một thời gian thì tác dụng phụ của thuốc khiến đôi mắt Duy bị mờ đi. Anh kể: "Ngày thứ nhất tôi thức dậy bỗng thấy mọi thứ xung quanh cứ nhòe nhòe, ngày thứ hai ngủ dậy tôi thấy mọi thứ dường như mờ hẳn. Tôi sợ thật sự, không dám ngủ nữa vì sợ rằng khi mình ngủ mắt mình sẽ không còn nhìn thấy nữa. và rồi ngày thứ 3, mắt tôi mờ hẳn".
"Những ngày đó tôi thật sự cảm thấy sợ hãi. Đôi khi tôi chỉ ước được sáng mắt trở lại để nhìn thấy những người thân yêu của mình, chỉ vậy là đủ" - Anh Duy tâm sự. Các bác sĩ ngay lập tức phải đổi thuốc điều trị với hy vọng sẽ lấy lại thị lực cho Duy. Trong thời gian đó anh được bạn bè giúp đỡ trong các sinh hoạt hằng ngày.
Khoảng một năm sau may mắn mắt Duy đã hồi phục trở lại, dù thị lực không còn như trước. Anh tốt nghiệp đại học và bắt đầu tìm kiếm việc làm. Thế nhưng các công ty đều tỏ ra e dè với một người mang quá nhiều căn bệnh như anh. Nhờ có sự giúp đỡ của các thầy cô trong trường đại học, Duy cũng tìm được công việc phù hợp với bản thân. Để có thể có sức khỏe làm việc, mỗi tuần 2 lần anh phải đến bệnh viện để chạy thận. Và trong suốt 7 năm qua, Duy vẫn tự đi đến bệnh viện một mình, không nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người.
3h sáng thứ 2 và thứ 6 Duy tự chạy xe đến bệnh viện để tiến hành chạy thận. Anh tâm sự: "Mình chọn giờ này vì việc chạy thận tốn khá nhiều thời gian. Mỗi lần như vậy tốn khoảng 5 giờ đồng hồ. Mình chạy thận sớm thì sẽ có thời gian để nghỉ ngơi rồi buổi chiều có thể làm việc".
8h sáng, Duy tự chạy xe về nhà sau khi tiến hành chạy thận tại bệnh viện. Dù rất mệt mỏi, nhưng với anh 7 năm qua vẫn thế, nên dần rồi cũng quen. Về nhà nằm nghỉ ngơi rồi chiều anh lại tiếp tục với hàng tá công việc đang đợi mình.
Duy tâm sự anh xem công việc như một liều thuốc để quên đi bệnh tật và đau đớn. Một ngày anh làm việc từ 7h sáng đến 11h đêm, anh bảo rằng bản thân phải làm việc gấp 4 lần người bình thường thì mới có thể theo kịp mọi người.
Cách để anh tìm lại sự cân bằng khi gặp phải những căng thẳng trong cuộc sống chính là ngồi thiền. Là một chuyên gia về tâm lý, anh Duy biết cách cân bằng tâm lý của bản thân mỗi lúc mệt mỏi.
Với anh Duy, ở thời điểm hiện tại, ngoài tình yêu với gia đình, công việc và âm nhạc anh sẽ không để mình lấn sâu vào những chuyện tình cảm lứa đôi, vì hơn ai hết anh biết bản thân mình sẽ không thể đi cùng với nửa còn lại được thật lâu, thật dài. Một mình quá lâu, giờ đã thành thói quen, đôi khi cảm giác cô đơn cũng ùa về khiến lòng xao động, nhưng rồi anh cũng tìm đến công việc để quên đi.
Cũng nhờ thế mà anh Duy toàn tâm với công việc của mình hơn. Anh có thời gian để nghiên cứu, trau dồi kiến thức và truyền đạt cho các học trò. Với anh, nghề dạy học là công việc mà anh yêu thích nhất, vì khi đứng trước các em, chia sẻ với các em, anh cảm thấy bản thân mình thật sự có ích.
Tiếp xúc với các em giúp thầy giáo trẻ tìm ra những niềm vui vô cùng đặc biệt của cuộc sống.
Tâm sự về cách để mạnh mẽ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, anh chàng chia sẻ: "Không ai mới sinh ra đã mạnh mẽ. Chúng ta phải rèn luyện từng ngày. Mỗi ngày cố gắng một chút, rồi sẽ lớn lên. Ví dụ như ngày hôm nay bạn đọc một trang sách rồi đi ngủ, thì hôm sau ráng đọc thêm một trang nữa rồi hãy ngủ. Hay hôm nay chạy 100 bước thì hôm sau ráng chạy 101 bước. Từng ngày cố gắng một chút như vậy sẽ rèn cho ta cách mạnh mẽ vượt qua khó khăn".
Đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, người ta có rất nhiều sự lựa chọn, có người chấp nhận buông xuôi dừng lại, có người mạnh mẽ chiến đấu để tiến lên. Dẫu sao mỗi người cũng đều có một lối thoát cho riêng mình.
Theo Kenh14/ Trí Thức Trẻ