Ngày đầu năm mới, anh Đặng Xuân Bắc (37 tuổi, người Bắc Ninh) đi xem máy tới Bệnh viện 09 để nhận thuốc điều trị kháng virus HIV. Đây là năm thứ 8 anh Bắc điều trị HIV ngoại trú tại viện 09.
Cách đây 8 năm, vợ chồng anh xuất hiện một vài triệu chứng sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, toàn thân đau nhức, cứ nghĩ cảm thông thường nhưng mãi không khỏi. Được gia đình khuyên đi khám, hai vợ chồng đi xét nghiệm tại viện ở Bắc Ninh, nhưng được các bác sĩ giới thiệu qua Bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội).
“Chúng tôi mang tâm lý nghi ngờ, lo lắng, không hiểu sao bác sĩ lại chỉnh định đi xét nghiệm HIV ” người đàn ông 37 tuổi nói, khi cầm trên tay hai tờ giấy dương tính với "H" vợ chồng anh như chết đứng tại chỗ. Hai vợ chồng không biết lây bệnh từ ai. Bản thân anh và vợ đều chưa từng tiếp xúc với ma tuý, cũng không có quan hệ ngoài luồng.
Ngày ấy anh mới chỉ 30 tuổi, vợ 28 tuổi thế mà có ngay bản án từ treo trên đầu. Hai vợ chồng ôm nhau khóc giữa viện, nghĩ cuộc đời mình đến đây là hết.
Từ viện trở về nhà, vợ chồng anh Bắc tự nhốt mình trong phòng, người nhà hỏi gì đều không nói. Vợ anh sinh ra ý định tử tử vì sợ người thân, làng xóm biết sẽ kỳ thị, nghĩ họ lăng nhăng, chích hút ma tuý bên ngoài mà mang bệnh.
Anh Bắc một bên an ủi vợ, vừa tìm hiểu căn bệnh của hai vợ chồng. Anh lên mạng đọc hàng trăm bài viết, câu chuyện của người nhiễm HIV vẫn có thể sống hàng chục năm, có con khoẻ mạnh.
“Sau đó 1 tuần tôi bốc máy gọi cho bác sĩ viện 09, được các bác động viên đang ở giai đoạn sớm nếu tích cực điều trị thì có thể kéo dài cuộc sống ”, anh Bắc chia sẻ vợ chồng anh quyết định giấu người nhà đi điều trị.
Hai vợ chồng xin phép gia đình chuyển lên Hà Nội ở với lý do để làm ăn, vừa để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người thân, vừa tránh mọi người biết bệnh.
“Thời gian đầu chúng tôi quyết định giấu bệnh với gia đình, phần vì sợ mọi người lo lắng và cũng muốn xem kết quả điều trị bước đầu ra sao, bản thân cũng ổn định tâm lý rồi mới nói ”, anh Bắc cho hay.
Một năm giấu gia đình lên Hà Nội điều trị HIV, sức khoẻ của anh chị có nhiều cải thiện. Nhìn các cặp gia đình, bạn bè lần lượt sinh con, vợ cũng muốn có cho mình một em bé nhưng anh gạt đi vì sợ con mắc bệnh thì khổ nó cả đời.
Trong vài lần tiếp theo điều trị tại viện, anh Bắc ngỏ ý với bác sĩ về mong muốn có thai và nguy cơ truyền nhiễm bệnh cho con. Bác sĩ cho biết, tỷ lệ con đẻ ra mang bệnh rất cao, cân nhắc thật kỹ lưỡng khi mang thai con trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhìn vợ ngày ngày xem ảnh em bé rồi lén lút khóc, anh quyết định thử vận may của hai vợ chồng.
Sau nhiều lần khám xét, sàng lọc, được các bác sĩ tư vấn vợ chồng anh cấn bầu. Thời điểm 9 tháng mang thai cả hai vợ chồng như ngồi trên đống lửa, chỉ sợ con sinh ra cũng nhiễm H thì ân hận cả đời. Nhưng hạnh phúc mĩm cười với anh chị khi bé gái xinh xắn ra đời, sau nhiều lần xét nghiệm, bác sĩ kết luận con không mang bệnh.
"Con sinh ra tại viện 09, hoàn toàn khoẻ mạnh, nhận tờ giấy xét nghiệm âm tính tôi cảm tạ trời đất vì vẫn cho chúng tôi một điểm sáng trong cuộc đời tăm tối này ", anh Bắc kể lại.
Con gái sinh ra được ít năm thì vợ bệnh chuyển nặng rồi qua đời, anh Bắc trở thành bố đơn thân nuôi con. Đến nay bé gái đã được 7 tuổi, lớn lên xinh xắn, khoẻ mạnh. Tuy nhiên anh vẫn giấu việc mình nhiễm HIV, chỉ nói với bố mẹ hai bên vì sợ con ra đường sẽ bị bạn bè, hàng xóm kỳ thị.
Mọi sinh hoạt của anh đều rất cẩn thận, tránh làm mình bị thương hay để con tiếp xúc với máu của mình. Anh không muốn con phải sống cuộc sống như mình, phải giấu giếm, lãng tránh và dằn vặt.
Có con rồi anh Bắc tích cực điều trị bệnh, luôn sử dụng thuốc và thăm khám đúng lịch. Anh muốn mình có thể sống lâu hơn để nhìn sự trưởng thành của con.
Bác sĩ CKII Đỗ Thanh Hải, Bệnh viện 09 cho biết, trường hợp gia đình anh Bắc khá đặc biệt, khi cả 2 vợ chồng không có liên quan gì tới nghiện hút, nhưng lại tình cờ phát hiện ra HIV.
"Khi 2 vợ chồng mong muốn có con, dựa trên sức khoẻ của người vợ và tải lượng virus thấp, chúng tôi đã tư vấn để giúp họ có con khoẻ mạnh, không mang bệnh ", bác sĩ Hải cho hay.
Theo bác sĩ Hải, sự kỳ thị với người nhiễm HIV hiện nay vẫn còn tồn tại. Không chỉ bản thân người bệnh mà chính các bác sĩ điều trị cũng phải chịu ánh mắt kỳ thị của mọi người. Nhưng với trách nhiệm của người làm bác sĩ ông luôn nỗ lực hết sức để giúp đỡ được nhiều gia đình nhiễm HIV, có thể có một gia đình trọn vẹn đầy đủ vợ con.