Mang thai và chăm được một đứa con đã là hành trình khó khăn, thế nhưng khi con số ấy nâng lên gấp 3, thì cuộc sống của mẹ bỉm lại gian nan gấp bội phần. Đặc biệt là sau những ngày tháng mang bầu cực như trời đày, đứng không nổi, ngồi không xong, đêm không ngủ nổi thì lại tiếp tục phải đối mặt với cuộc sống sau sinh mệt mỏi đến trầm cảm vì cùng lúc chăm ba bé sinh non. Đó là câu chuyện của chị Lê Minh (33 tuổi, hiện đang sống tại Củ Chi) với 3 bé gái sinh 3: Bảo Anh, Bảo Vy, Bảo Yến nay đã được 4 tháng tuổi.
Phía sau 3 bé sinh 3 đáng yêu là một hành trình rất dài, gian nan để giữ và nuôi dưỡng được các con.
Mang thai cực khổ, nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào
Chị Minh kể lại: "Vợ chồng mình hiếm muộn 6 năm, chạy chữa thuốc thang, bệnh viện khắp nơi mà không có tin vui. Rồi cuối cùng cả hai vợ chồng quyết định thụ tinh ống nghiệm vào năm 2018. Mình chuyển 2 phôi nhưng lại được 3 bé vì 1 phôi tách đôi ra. Từ khi tham gia thụ tinh là mình không làm được gì nữa cả, chỉ đi lại nhẹ nhàng và chủ yếu là nằm. Trước đó chỉ nghĩ được 2 bé thôi, nên khi bác sĩ nói là được 3 bé, mình rất sợ, khủng hoảng lắm. Bác sĩ khuyên bỏ bớt 2, vì mình chỉ cao 1,5m. Nhưng mình quyết định đánh cược, giữ lại cả 3 bé vì coi như đó là lộc trời".
Hành trình tìm bác sĩ để theo dõi, dưỡng thai với chị Minh cũng vất vả vì không ai có thể đảm bảo được chuyện mẹ tròn con vuông cho chị. Cuối cùng, chị cũng đã tìm được một người nhận lời gửi gắm. Những tháng ngày sau đó còn khó khăn, cực khổ hơn rất nhiều. Cứ mỗi tuần, chị đều phải đi tái khám, tiêm thuốc, truyền nước hàng ngày, không những tốn kém mà còn mệt nhọc, uể oải. Đến tuần thứ 14, chị được mang đai nâng bụng, đặt vòng nâng tử cung. Suốt thai kỳ, mẹ chị và chồng chị tập trung làm việc, chăm sóc bà bầu đặc biệt là chị.
Chị Minh tâm sự, sau những ngày tháng khổ cực vì mang thai, sinh con và chăm con, chị thấy nhan sắc mình tàn tạ vô cùng.
Đến khoảng tuần thứ 20, chị đi lại đã vô cùng khó khăn. Đến tuần 28, tử cung căng và giãn, chị rất đau vùng dưới và không nằm nghiêng được, ngửa cũng không được, lúc nào cũng cảm thấy khó thở. Chị Minh đi không được, ngồi cũng không xong, những cơn gò cứng rất đau đớn. Tưởng chừng như không thể chịu được nữa, chị điện thoại cho bác sĩ theo dõi, khóc, trình bày và xin mổ. "Nhưng bác sĩ không cho, bác sĩ bảo mình nên cố gắng vì con nằm trong bụng mẹ bằng một tuần bên ngoài. Mình đành ngậm ngùi cố gắng lết và chịu đau mỗi ngày. Cơn đau, khủng hoảng ngày càng tăng, đau sang dẻ sườn, đau nội tạng, cơn gò cứ thúc xuống tử cung, mình mất ngủ triền miên và luôn trong tình trạng stress, nghĩ có thể chết bất cứ lúc nào", chị kể lại.
Đến tuần 33, đêm ngày 19/11, vì quá căng tức và đau đớn, chị Minh được chồng chở đi bệnh viện Từ Dũ. Bác sĩ khám thấy cơn gò nhiều, tử cung đã mở liền cho mổ cấp cứu. Do tử cung căng quá nên khi mổ không co lại được, chị Minh gần như bị băng huyết, bị mất 2 lít máu. "Gia đình mình không biết chuyện này, chỉ khi gặp bác sĩ bảo mới được nghe kể. Sau đó, bác sĩ khuyên mình không nên kiêng cữ làm đẹp mà phải cố ăn uống bồi bổ vì lúc mổ mình sắp chết rồi. Mình mổ lúc 4h sáng ngày 20/11 nhưng phải đến 7h ngày 21/11 mình mới được về phòng. Huyết áp tăng nhanh, sốt 40 độ và 4 ngày sau sinh, mình vẫn chưa đi được, đầu cũng luôn đau do vừa gây tê tủy, vừa gây mê. Nhưng các bác sĩ vẫn quyết định cho về nhà nghỉ, các con được nằm lồng ấp. Ba bé lần lượt nặng 1,8kg, 1,2kg và 1,6kg", chị Minh tâm sự về ca sinh mổ đánh đổi bằng mạng sống của mình.
Khi các con từ viện về vẫn vô cùng non nớt và yếu ớt, cả gia đình phải hợp sức chăm từng li từng tí.
Cuộc sống xoay vần với tiếng khóc của con, chăm sóc giấc ăn, giấc ngủ của con thôi cũng khiến chị Minh mệt mỏi, chưa kể đến cơ thể chị suy nhược vì ca sinh mổ đánh đổi bằng cả mạng sống.
Những đêm sau sinh mất ngủ triền miên, khủng hoảng vì tiếng con khóc
Khoảng 1 tuần sau khi xuất viện, chị được bệnh viện gọi lên để ấp con: "Trẻ sinh non phải ấp ở khoa kangaroo, các điều dưỡng sẽ hướng dẫn cách chăm, vì bé rất dễ bị tím tái, sặc sữa. Nuôi 1 đứa trẻ sinh non bằng 3 đứa trẻ sinh thường, rất cực, phải ấp con trên ngực 24/24, cho ăn bằng thìa, massage, cẩn thận từng li từng tí. Nhưng trộm vía mỗi ngày các con đều lên cân nên ba bé lần lượt được bác sĩ cho đón về nhà chăm. Những khó khăn tưởng chừng đã dừng lại, nhưng mình không ngờ, giai đoạn sau sinh chăm con còn gian nan, cực khổ nhiều đến thế".
Đó là khi gia đình chị Minh phải đối mặt với việc tập trung tất cả mọi người lại để xoay quanh cuộc sống của 3 đứa trẻ sinh non và bản thân chị Minh, sức khỏe yếu ớt nhưng không có nổi một ngày được nghỉ ngơi nên khủng hoảng thực sự. "Cả mình, mẹ, chồng và chị chồng chỉ tập trung chăm 3 đứa con và làm việc nhà, nấu cơm nước thôi mà không xuể. Mình thiếu ngủ, thức đêm triền miên, stress, lại mất máu, phải uống kháng sinh nhiều nên không có nổi sữa. Mỗi lần nghe tiếng con khóc, mình run người tức giận, rồi lại sợ hãi vô cùng. Thậm chí đã có lúc mình từng nghĩ muốn quăng con, cho người khác nuôi… nhưng may mắn là sau đó mình đã lấy lại được bình tĩnh, không làm hại đến con".
Rất hiếm khi các bé chơi ngoan như thế này.
Đã có những lúc chị lên "cơn điên", còn nghĩ đến việc làm hại các con, nhưng may mắn là chị đã kiềm chế và vượt qua được.
"Nếu sau sinh, các mẹ khác được tẩm bổ, nghỉ ngơi, được thoa gừng nghệ, được ở cữ đúng nghĩa thì mình lăn xả ở bệnh viện để ấp con, về nhà cũng quần quật, chẳng kiêng cữ được một chút nào. Vậy nên cho đến bây giờ, cột sống của mình đang rất đau, hai đầu gối nhức không đi được, nội tiết rối loạn, 4 tháng rồi mà chưa hết dịch sản. Mình phải đi hút sản dịch ở phòng khám sản. Mẹ mình già, chồng mình là đàn ông nên không nhẹ nhàng, khéo léo chăm con được nên mọi việc đều đến tay mình. Ngày nào cũng là vệ sinh 3 đứa 3 lần, uống thuốc, pha sữa, hấp bình…, không có thời gian để thẳng lưng nổi 5 phút", chị Minh tâm sự về những nỗi khổ của mình.
Hẳn những stress mà chị tích tụ dần qua mỗi ngày như thế cũng dễ hiểu, nhất là khi chị chia sẻ rằng 3 đứa con lúc nào cũng quấy khóc do thiếu chất, gắt gỏng cả ngày, hiếm khi mới ngoan ngoãn chơi đùa, ôm bế trên tay cũng khóc. Mỗi lần nghe con khóc mà dỗ không được, nhất là cả 3 cùng khóc là chị lại như lên cơn điên. Chưa kể đến việc sức đề kháng của các con yếu, thường xuyên bị khò khè và còn bị trào ngược dạ dày, bú sữa vào là nôn trớ hết. May mắn là mẹ chị nhờ được 2 bác ở quê lên giúp, nên tâm trạng của chị đỡ hơn chút. Hiện tại, mọi thứ đang dần tạm ổn hơn, chị cuối cùng cũng tìm được loại sữa thích hợp cho các con, các con phát triển bình thường và lên được mỗi tuần 200 gram. Còn trước đó dù đổi hết các loại sữa từ Việt Nam, Nga, Nhật, Anh thì 3 bé vẫn không tăng cân.
Hiện tại 3 bé đã được 4 tháng tuổi và mọi chuyện dường như đã ổn định, chị Minh cũng đỡ stress hơn nhiều.
Nay ngồi bình tĩnh, đếm lại những gian nan, vất vả đã vượt qua, chị Minh thấy thật khủng khiếp. Nhưng cuộc sống của 3 đứa con là tất cả đối với chị nên chị sẽ cố gắng hết mình hy sinh để nuôi lớn các con.