Sáu tháng sau kết hôn vẫn không thấy có thai, chị Nguyễn Vân Anh (SN 1996) cùng chồng là anh Nguyễn Văn Đức (SN 1994, quê Nghệ An) đến bệnh viện kiểm tra sức khoẻ. Kết quả, anh Đức không có tinh trùng do teo tinh hoàn, biến chứng của tiền sử quai bị. Người vợ bị đa nang buồng trứng, rối loạn phóng noãn và kinh nguyệt không ảnh hưởng đến khả năng mang thai tự nhiên.

“Nhận kết quả khám bệnh, hai vợ chồng tôi rụng rời chân tay, mọi thứ trước mắt tối sầm lại, không dám tin vào sự thật", chị Vân Anh nhớ lại.

Hành trình trở thành bố của chàng trai không có tinh trùng - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp vi phẫu tìm tinh trùng cho người bệnh.

Những ngày sau đó hai vợ chồng lại tiếp tục hành trình đi khám ở những bệnh viện khác với hy vọng nhận lại kết quả khả quan hơn. Tuy nhiên, bất kể bệnh viện nào cũng đều có chung kết luận: “không tìm thấy tinh trùng trong tinh dịch, không thể có thai tự nhiên”.

Năm 2022, với số tiền ít ỏi dành dụm được, anh chị quyết định vay mượn thêm người thân để thụ tinh trong ống nghiệm. Anh Đức được bác sĩ chỉ định mổ Micro TESE với hy vọng tìm được tinh trùng để tạo phôi.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hoàng Hiệp, chuyên khoa nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, sau thăm khám phát hiện bệnh nhân thể tích tinh hoàn chỉ còn khoảng 3ml, các ống sinh tinh xơ hóa, không có khả năng sinh tinh.

Dựa vào tiền sử bệnh, xét nghiệm nội tiết, bác sĩ đánh giá vẫn có khả năng tìm được tinh trùng bằng phương pháp Micro TESE (sử dụng kính vi phẫu với độ phóng đại vài chục lần giúp quan sát và tìm kiếm các ống sinh tinh còn hoạt động, thu được số lượng tinh trùng còn sót lại trong mô tinh hoàn).

Các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ thành công của phương pháp này gần tương đương với những trường hợp thụ tinh ống nghiệm dùng mẫu tinh trùng thu được trong tinh dịch.

Sau quá trình “đào xới”, các bác sĩ cũng thu được số lượng tinh trùng đủ tốt giúp người bệnh thụ tinh ống nghiệm. Sau 10 ngày chuyển phôi, vợ chồng anh Đức vỡ òa hạnh phúc khi chiếc que thử thai hiện hai vạch rõ nét. Ở lần siêu âm đầu tiên, bác sĩ thông báo “đậu thai đôi”.

Hành trình trở thành bố của chàng trai không có tinh trùng - Ảnh 3.

Hai thiên thần nhỏ Nguyễn Trọng Đăng Khôi - Nguyễn Trọng Đăng Khoa.

Tưởng chừng mọi khó khăn đã qua nhưng hành trình mang thai đôi của chị Vân Anh không dễ dàng. Khi song thai lớn dần cũng là lúc quá trình giữ thai bước vào giai đoạn khó khăn. Chị liên tục bị doạ sảy, sa cổ tử cung, thõng ối, ra máu thai kỳ.

Thời điểm thai gần 5 tháng, trong lần khám định kỳ, bác sĩ phát hiện cổ tử cung của của thai phụ tụt thấp còn 16mm, hở chữ u rồi, lòi ối, bác sĩ chỉ định phải khâu cổ tử cung cấp cứu gấp. “Tôi hoảng sợ, ù tai và khóc ầm lên như đứa trẻ”, chị Vân Anh nhớ lại. Ca khâu eo cấp cứu thành công sau khoảng 30 phút trong phòng thủ thuật.

Khi thai 7 tháng, chị Vân Anh lại bị ra máu, hai vợ chồng vội vàng vào viện, bác sĩ báo khả năng sinh non và chỉ định nhập viện điều trị theo dõi tiêm thuốc cầm máu, giảm co cho đến khi thai kỳ ổn định.

Ngày 8/1/2023, chị vỡ ối và hạ sinh thành công hai thiên thần nhỏ Nguyễn Trọng Đăng Khôi - Nguyễn Trọng Đăng Khoa trong niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình nội ngoại hai bên.