Nữ doanh nhân Huỳnh Hải Yến Tên gọi thân mật: "Nữ hoàng mùi hương" Sinh năm 1975 Giám đốc hệ thống Spa nổi tiếng (3 chi nhánh) ở Sài Gòn và Đà Nẵng, chủ thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên với mô hình hoạt động Do It Yourself (Tự tay làm mọi việc). Quan điểm sống: Nhiều người quan niệm rằng “Nếu phụ nữ làm kinh doanh thì phải đánh đổi gia đình nên họ đành hi sinh sự nghiệp”, tôi thì không nghĩ vậy. Với tôi, nếu không phải cần hi sinh mà gia đình mình vẫn vui vẻ hạnh phúc thì đó mới là thành công. Hạnh phúc là không cần ai phải hi sinh cho ai mà mỗi người đều đượcthõa mãn bất kỳ thứ gì mình muốn. |
Bỏ việc lương cao vì tự thấy mình không đủ giỏi để tiếp tục
Ít ra biết rằng để trở thành một nữ doanh nhân xinh đẹp và sở hữu trong tay nhiều hệ thống cửa hàng về spa và mỹ phẩm, chị Huỳnh Hải Yến đã có những ngày tháng khởi nghiệp đầy vất vả. Tốt nghiệp Đại học ngành Quản trị kinh doanh, công việc đầu tiên của chị Hải Yến là nhân viên kế toán trong một công ty liên doanh Nhật Việt. “Làm việc được 1.5 năm, tôi cảm thấy công việc hơi nhàm chán và đề xuất vớp sếp là tôi muốn có thêm việc và được tăng lương. Sếp tôi không đồng ý vì cho rằng công việc của tôi chẳng mang lại doanh thu cho công ty nên họ chẳng có lý do gì để tăng lương cả. Suy nghĩ ít lâu, tôi quyết định nghỉ việc”, chị Yến tâm sự.
Vốn là người có năng lực, nên ngay sau khi nghỉ việc 1 tháng, Hải Yến đã có ngay lời mời làm việc từ một doanh nhân người Nhật, là đối tác của công ty cũ chị từng làm. Trở thành thư ký kiêm admin của một công ty chuyên về công nghệ thông tin, một lĩnh vực hoàn toàn xa lạ với Hải Yến nhưng chị rất yêu thích công việc của mình dù chị phải làm rất nhiều việc như thuê văn phòng, thiết kế văn phòng, hợp đồng, tuyển nhân viên... “Thời gian này tôi học được rất nhiều điều, giống như mình đang học để vận hành một doanh nghiệp của mình vậy. Công ty của tôi của tôi chuyên về công nghệ viễn thông và sếp tôi là người rất thông minh, công ty vốn ít nhưng lại muốn làm những dự án rất lớn và tôi làm nhiệm vụ đi “săn” những người làm IT rất giỏi thời điểm những năm 2000. Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ quan hệ với họ. Thời đó họ chỉ là những kỹ sư IT bình thường thôi nhưng giờ họ có vị trí rất cao trong những tập đoàn viễn thông hiện nay”, chị Yến kể.
Không lâu sau đó, khi công ty của chị sát nhập với một công ty lớn hơn, Hải Yến lại có cơ hội trở thành quản lý dự án (Project Manager) trong công ty có qui mô hơn 150 nhân viên. “Sếp tôi muốn tôi học thêm về kỹ thuật để trở thành quản lý dự án cho các dự án của công ty vì các kỹ sư chỉ có chuyên môn nhưng lại thiếu khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật. Nhưng tôi không thích vị trí đó vì công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao mà tôi lại không giỏi về lĩnh vực ấy”, chị Yến kể. Sếp chị Yến rất bất ngờ vì lời từ chối của chị vì không mấy ai có cơ hội tốt như vậy và mức lương ông đề nghị cho chị cũng khá cao vào thời điểm đó. “Tôi biết đó là một cơ hội tốt nhưng tôi nghĩ mình phải nhận biết năng lực và khuyết điểm của mình. Mình không giỏi thì cứ nói thẳng là mình không giỏi. Tôi nói với sếp rằng tôi không giỏi trong ngành kỹ thuật và có học thì cũng phải rất vất vả mới theo kịp các anh kỹ sư và tôi sẽ không thể phát triển được nếu theo con đường đó”, chị Yến tâm sự.
Từ cửa hàng spa đến dòng mỹ phẩm thiên nhiên tự chế
Quyết định nghỉ việc khi đang ở trong một vị trí trong mơ với nhiều người cũng mở ra một con đường mới trong hành trình của chị Hải Yến: tự mở công ty chuyên kinh doanh về spa vào năm 2005 khi Việt Nam còn khá lạ lẫm với loại hình này. Trầy trật 3 năm khởi nghiệp, sau nhiều lần đổi địa điểm, cuối cùng hệ thống kinh doanh spa của Hải Yến cũng đi vào hoạt động ổn định và trở thành hệ thống spa nổi tiếng của thành phố.“Từ năm 2006, tôi đã bắt đầu nhập mỹ phẩm thiên nhiên từ Thái Lan, Anh, Pháp. về phân phối bán lại cho các khách sạn và spa. Cuối năm 2012, sau nhiều năm là nhà phân phối của các nhãn hàng mỹ phẩm nước ngoài, tôi đã có ý định muốn tự phát triển dòng mỹ phẩm thiên nhiên cho chính mình, nên năm 2013, sau khi tôi kết thúc hợp đồng phân phối của một hãng mỹ phẩm Thái Lan, tôi bắt tay tự làm mỹ phẩm và đó là cơ duyên để cho ra đời cửa hàng mỹ phẩm hiện nay”.
Thế là sau 8 năm khởi nghiệp, ngoài hệ thống spa, Huỳnh Hải Yến đã tự tạo ra dòng mỹ phẩm thiên nhiên đang được rất nhiều chị em phụ nữ yêu thích. Không chỉ kinh doanh sản phẩm, chị Hải Yến cũng ứng dụng phong trào Do It Yourself (Tự tay làm mọi việc) vào cửa hàng của mình, chị thành lập một Studio là nơi để những người yêu thích mỹ phẩm có thể tự tay tạo ra những sản phẩm mang mùi hương họ yêu thích thông qua những khóa học (workshop) được tổ chức thường xuyên tại cửa hàng.
“Tôi kinh doanh chậm và muốn những gì mình làm ra phải có giá trị thật sự”
Thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam hiện tại rất rộng lớn và có rất nhiều sự cạnh tranh, tại sao chị lại chọn kinh doanh dòng mỹ phẩm thiên nhiên?
Tôi nghĩ mỹ phẩm thiên nhiên tuy có tác dụng chậm hơn nhưng rất tốt và phù hợp với cơ chế hoạt động của con người. Ví dụ khi sử dụng sản phẩm dưỡng da thiên nhiên, sẽ tác động giúp da có một chu kỳ thời gian để phục hồi từ từ. Chu kỳ phục hồi da khác nhau tùy theo độ tuổi. Một cái mụn ở tuổi 20 có thể làm lành trong khoảng 20 ngày, ở tuổi 30 thời gian có thể kéo dài đến 1 tháng, nhưng ở 40 tuổi một vết nhăn hay quầng thâm xuất hiện thì không dễ để bay đi. Ai cũng muốn phục hồi da nhanh nên thường can thiệp máy móc hoặc mỹ phẩm có hóa chất mạnh, tẩy thật nhanh nhưng làm như vậy lại trái với cơ chế hoạt động tự nhiên của con người. Đối với tôi, những gì trái với tự nhiên thường không tốt, đó là lý do tôi chọn kinh doanh những dòng mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên.
Với tâm lý sử dụng mỹ phẩm để “làm đẹp nhanh, trẻ ngay” của người Việt Nam thì dòng sản phẩm thiên nhiên của chị có gặp khó khăn khi tiếp cận với khách hàng không, thưa chị?
Có chứ, ngay khi bắt đầu tự phát triển sản phẩm tôi đã xác định mình đang làm công việc khó. Nếu mua 1 sản phẩm làm trắng da tôi sẽ bán rất nhanh, đó là kinh nghiệm của chính tôi. Tôi mua một sản phẩm chống nhăn với lời giới thiệu dùng chỉ sau 3 ngày là vết nhăn biến mất. Tôi dùng thử và hiệu quả đúng là thần kỳ, sau 3 ngày da tôi căng lên và không còn nếp nhăn nào nữa. Nhưng khi tôi không dùng nữa, vùng da dùng mỹ phẩm trở nên mỏng, yếu và khi không dùng nữa thì da còn nhăn nhiều hơn khi không dùng, thật kinh khủng. Nếu chạy theo lợi nhuận, kinh doanh những loại mỹ phẩm “nhanh” như thế rất có lời, nhưng chính tôi còn không tin tưởng chúng thì không thể bán cho khách hàng của mình được.
Tôi biết việc khuyến khích khách hàng dùng mỹ phẩm có nguồn gốc tự nhiên để chăm sóc da là một việc khó, tuy nhiên, tôi không cố thuyết phục họ bằng mọi cách. Tôi kinh doanh chậm. Tôi muốn chứng minh những ai đã sử dụng mỹ phẩm thiên nhiên của tôi đã đạt hiệu quả như thế nào, chính họ tự trải nghiệm sản phẩm, họ tự nhận thấy kết quả tốt sau khi sử dụng sản phẩm của tôi thì tự động giới thiệu đến những người khác. Tôi không cần bán số lượng sản phẩm quá lớn ngay thời điểm bắt đầu mà chỉ muốn những gì mình làm ra phải có giá trị thật sự.
“Nếu hôm nay họ sao chép sản phẩm này thì ngày mai tôi tạo ra sản phẩm khác”
Tự kinh doanh, tự học làm mỹ phẩm, tự mình làm mọi việc, đó có phải là tinh thần Do It Yourself mà chị muốn mang đến cho mọi người?
Tôi bắt đầu tự học làm mỹ phẩm từ những videoclip trên mạng hay Youtube. Nhưng ở trên mạng thì không ai cho mình công thức chính xác cả nên tôi phải làm rất nhiều lần mới có công thức của riêng mình. Tự học kiểu này thì đương nhiên không phải lúc nào cũng thành công. Ví dụ tôi làm nến thơm thì lúc ra sản phẩm cứng quá, mềm quá, không thơm hay bị khói nên tôi phải nghiên cứu kỹ mới có công thức đúng.
Khi tôi đã làm thành công và chia sẻ thành quả của mình lên Facebook thì mọi người rất thích, hỏi cách làm và đó là khởi đầu của những khóa học đầu tiên năm 2014, tôi hướng dẫn mọi người làm tinh dầu, nến thơm tại những quán cafe trong thành phố. Các lớp học thu hút khá nhiều người tham gia và mọi người rất thích ý tưởng tự tay làm cho mình một sản phẩm nào đó. Nhưng mỗi lần tổ chức khóa học, chúng tôi rất vất vả trong việc chuẩn bị thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu để đưa đến địa điểm khóa học, tôi quyết định tìm một nơi để tổ chức chương trình này thường xuyên hơn và Studio riêng ra đời từ đó. Tôi đặt studio trên đường Thái Văn Lung để mọi người có thể đến đó hàng ngày và tự học những gì mình thích qua sự hướng dẫn của các nhân viên cửa hàng. Còn các khóa học (workshop) sẽ tổ chức định kỳ mỗi tháng với chủ đề tùy theo mùa.
Tại sao trong khi các nhà sản xuất mỹ phẩm đều cố gắng giấu bí quyết của họ, còn chị lại mở lớp dạy làm mỹ phẩm, chị không sợ người khác sẽ ăn cắp công thức của chị để tạo ra sản phẩm cạnh tranh với chị sao?
À, cũng có một số bạn trẻ đến đây học làm son và sau đó tự làm son để bán. Xét về mặt kinh doanh thì điều này không tốt nhưng tôi lại đó điều đó vui và có ý nghĩa. Thay vì chúng ta đi mua hàng nhái, hàng giả, các bạn có thể đến đây học và tự làm sản phẩm của mình và khởi sự kinh doanh nhỏ. Tôi không xem họ là đối thủ cạnh tranh vì quá trình từ học một sản phẩm nhỏ đến phát triển một thương hiệu là rất dài và rất nhiều công đoạn khác nhau. Nếu một người nào đó có đủ niềm đam mê và kiên trì để đi đến cùng thì họ xứng đáng được thành công và tôi sẵn sàng trở thành đối thủ kinh doanh của họ.
Thế còn những hương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên khác đang là đối thủ kinh doanh của chị thì sao, chị không sợ họ trà trộn vào các lớp học để sao chép công thức sản phẩm của chị và “cướp” khách hàng của chị thì sao?
Thị trường nào cũng có cạnh tranh cả. Coca và Pepsi khá giống nhau nhưng vẫn có người uống Coca và có người thích Pepsi. Vì những thứ tôi tạo ra nằm trong đầu tôi, người ta có thể có thể bắt chước sản phẩm mà tôi đã tạo ra nhưng họ không thể bắt chước những thứ tôi chưa tạo ra. Nếu hôm nay họ sao chép sản phẩm này thì ngày mai tôi tạo ra sản phẩm khác, tôi không lo sợ điều đó.
“Tôi học để khẳng định bản thân mình, học để biết trình độ mình đang nằm ở đâu”
Được mọi người ví von là “nữ hoàng mùi hương” nhưng chị chưa bao giờ nhận mình là chuyên gia mùi hương. Vậy thì mất bao lâu mới có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mùi hương ạ?
Một người thầy dạy tôi làm nước hoa đã đặt câu hỏi rằng: “Bạn nghĩ mất bao lâu để trở thành người chế tạo nước hoa?”. Nhiều người trả lời là 5 năm, 10 năm và câu trả lời của thầy rất giản dị “Chỉ cần 3 giây để quyết định Tôi sẽ trở thành một người chế tạo nước hoa thì bạn đã trở thành chuyên gia rồi”. Từ khi bắt đầu tự làm mỹ phẩm, tôi chỉ làm theo những kinh nghiệm, cho đến đầu năm 2015, khi tham gia một khóa học về nước hoa tôi mới nhận thấy những điều mình làm trước đây là đúng và từ đó tôi quyết tâm trở thành một chuyên gia mùi hương. Và như lời thầy dạy, từ khi nảy sinh ý nghĩa đó, tôi đã trở thành một người chế tạo mùi hương, thời gian còn lại chỉ là học để trở thành một người chế tạo mùi hương giỏi. Ở Việt Nam chưa có nơi đào tạo về lĩnh vực này nên hiện tại tôi vẫn đang theo học các khóa học quốc tế về mùi hương, mỗi khóa học kéo dài khoảng 3 tuần được tổ chức trong năm, sau mỗi khóa học sẽ có chứng chỉ công nhận trình độ của mình.
Nếu chọn một chất liệu mùi hương để miêu tả về mình, chị sẽ chọn hương gì?
Đó là mùi kết hợp giữa hoa diên vỹ và hoa cam. Không quá ngọt, không quá quyến rũ mà nhẹ nhàng tươi mới.
Chị có đặt mục tiêu mình sẽ đạt được bao nhiêu chứng chỉ về mùi hương để trở thành một chuyên gia thực thụ không?
Không, cuộc đời tôi chưa bao giờ quan trọng bằng cấp mà tôi quan tâm đến giá trị công việc, giá trị mà mình tạo ra trong cuộc sống.
Nếu nói vậy thì chị đi học lấy các chứng chỉ về mùi hương để làm gì?
Tôi học để khẳng định bản thân mình, học để biết trình độ mình đang nằm ở đâu.
Cuộc sống của chị có khá nhiều trắc trở, chuyển nhiều việc và không ít lần thất bại. Làm thế nào để chị giữ vững tinh thần để có thể trở thành một nữ doanh nhân thành đạt như hôm nay?
Khi nhìn tôi bây giờ, ai cũng nói rằng tôi đang có cuộc sống hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ rằng người trải qua nhiều điều trong cuộc sống thì mới biết giá trị hạnh phúc là gì và mình chọn điều gì để là niềm hạnh phúc của mình.
Tôi chưa hề may mắn ngay từ đầu khi đến với con đường khởi nghiệp kinh doanh, tuy nhiên tôi chấp nhập mọi điều xảy đến với mình như những bài học và thử thách, nên tôi chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng. Mỗi lần thất bại tôi đều cho rằng đó là bài học của mình và suy nghĩ xem tại sao mình thất bại chứ không ngồi than thở. Tôi thấy đúng như quan điểm của Phật giáo, mọi việc xảy ra đều có lý do.Có thể hôm nay mình coi đây là một sự thất bại,nhưng nó có thể là bài học quý giá cho mình trong tương lai. Có người đối xử không tốt với tôi thì tôi cũng xem đó là thử thách để tôi hiểu hơn về sự đời và cách đối xử của mình với những người xung quanh. Dù đôi khi tôi cũng buồn vì sao mình làm mãi mà chưa thành công, nhưng tôi hiểu rằng nếu mình chưa đạt được thành tựu thì nghĩa là ông Trời đã định tôi phải học tiếp, làm tiếp, phải cố gắng hơn. Tất cả mọi điều không tốt xảy ra tôi đều nhận phần lỗi về mình để mọi việc trở nên nhẹ nhàng hơn.
Vậy điểm tựa tinh thần của chị trong những thời điểm khó khăn nhất là ai hay là điều gì?
Điểm tựa của tôi chính là gia đình. Còn trong những thời điểm tôi hơi mất niềm tin vào cuộc sống mà gia đình cũng không giúp gì được thì tôi đi đọc sách. Quyển sách “Quyền lực đích thực” của Thích Nhất Hạnh làm thay đổi suy nghĩ và quan điểm sống của tôi rất nhiều. Khi còn trẻ, ai cũng nghĩ rằng quyền lực là khi người ta có nhiều tiền hoặc có một địa vị nào đó trong xã hội. Nhưng điều tôi ngộ ra từ quyển sách này là tiền bạc hay địa vị không phải là quyền lực đích thực. Quyền lực đích thực là khi bạn không có gì hết, không tiền, không địa vị mà người khác vẫn tôn trọng và yêu quý bạn thì đó mới là sức mạnh của quyền lực thật sự.
Quyển sách khiến tôi liên tưởng đến hành trình của mình, về những gì tôi đang làm có đem đến cho tôi quyền lực đích thực không hay chỉ tạo ra tiền và của cải thôi. Tôi tự hỏi mọi người kính trọng tôi vì tôi đi xe hơi, mặc quần áo sang trọng, vậy thì nếu tôi bước xuống từ xe ôm, mang một chiếc túi vải và mặc một bộ đồ đơn giản thì mọi người có còn kính trọng tôi không? Đó là câu hỏi mà tôi muốn trả lời trong hành trình đi đến thành công của mình.
Vậy chị đã tìm được quyền lực đích thực trong công việc và cuộc sống của mình chưa ạ?
Tôi vẫn đang thực hành để đạt được điều đó mỗi ngày. Tôi không quan tâm việc tạo ra nhiều của cải, vật chất mà quan trọng là tạo ra giá trị trong từng việc mình làm. Ví dụ tôi dạy cho nhân viên học nghề thì là đang tạo ra giá trị về tinh thần. Những sản phẩm của tôi chỉ có giá khoảng vài trăm nghìn nhưng điều tôi hướng đến là tôi bán giá trị tạo ra trên từng sản phẩm sẽ mang lại lợi ích gì cho khách hàng chứ không phải là giá tiền họ mua sản phẩm ấy. Mỗi ngày tôi đều thực hành về bài học quyền lực đích thực để không bị sao nhãng mục tiêu và lệch phương châm sống của mình.
Cảm ơn chị Hải Yến về cuộc trò chuyện đầy cảm hứng!