Quyết định thử ADN 3 tháng sau sinh

Tháng 3.2013, Trung tâm dịch vụ phân tích di truyền (Gentis) văn phòng phía Nam có tiếp nhận một ca xét nghiệm huyết thống cha mẹ - con. Câu chuyện trao con nhầm lẫn giữa hai gia đình tưởng như chỉ có ở trong phim ảnh đã xảy ra ở Việt Nam.

Đầu năm 2013, chị Nhung và chị Hà có đến BV Đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai sinh. Cả hai sản phụ này đều phải sinh mổ. Sau khi sinh trở về phòng, chị Nhung được bác sĩ trao cho một bé trai còn chị Hà trao cho một bé gái.

Trở về nhà chị Nhung băn khoăn lo lắng bé trai không phải con của mình bởi bé không có nét gì giống người thân trong gia đình. Tâm sự với chồng, chị Nhung bị chồng gạt phăng đi, không cho thử AND vì anh thích con trai. Anh bảo trẻ sơ sinh còn thay đổi nhiều, lớn lên có khi lại giống bố, giống mẹ như lột.

Không dám làm trái và nhắc lại sự nghi ngờ với chồng, chị Nhung âm thầm chăm con, nuôi con trong nỗi ngờ vực. Đến lúc bé được 3 tháng tuổi, chị Nhung vẫn không nhìn ra những nét thân thuộc của mình hoặc chồng hoặc bất cứ người thân nào trong gia đình trên người bé. Không thể giữ mãi trong lòng sự ngờ vực, chị Nhung quyết định giấu chồng và người thân mang cuống rốn của đứa trẻ đến Gentis thử huyết thống mẹ con.

“Khi mang cuống rốn của bé đi xét nghiệm, các cô chú bảo 1 tuần sau sẽ có kết quả. Cả một tuần đó mình mất ăn mất ngủ, chỉ mong nhanh đến ngày có kết quả. Đến khi nhận được điện thoại thông báo con không cùng huyết thống với mình, tôi đã bị khóc rất nhiều. Chuyện thế này tôi phải nói với chồng và bố mẹ chồng chứ không thể giấu được nữa. Khi tôi thông báo, cả chồng và gia đình chồng đều sốc lắm”, chị Nhung cho biết.

Để khẳng định lại chắc chắn văn phòng Gentis có gọi điện khuyên cả hai vợ chồng đưa cháu lên lấy mẫu máu xét nghiệm lần nữa. Cả đêm hôm đó, vợ chồng Nhung không ngủ được, chỉ mong đến sáng để đưa con lên Sài Gòn làm xét nghiệm.

Kết quả xét nghiệm lần hai khẳng định đứa trẻ không phải là con của vợ chồng Nhung. Nhận được kết quả cả gia đình Nhung sốc nặng, bởi ngay cả Nhung dù nghi ngờ nhưng đã chăm và gẫn gũi với bé 3 tháng trời nên cũng đã có nhiều tình cảm với bé.

Hạnh phúc nhận lại được con đẻ

Ngay khi nhận được kết quả ADN, Nhung biết ngay mình bị trao nhầm con với một bà mẹ tên Hà. May mắn là trong thời gian sinh ở BV, Nhung có trò chuyện và trao đổi điện thoại với chị Hà. 

“Lúc mới sinh cả tôi và chị Hà đều ngỡ ngàng khi nhận con, bởi quá trình mang thai đi khám bác sĩ bảo tôi mang thai con gái còn chị Hà thì được biết là con trai. Vậy mà lúc sinh xong tôi được trao cho bé trai còn Hà lại là bé gái. Cả tôi và chị Hà dù thấy lạ nhưng lúc đó nghĩ là do bác sĩ khám thai siêu âm nhầm. Nghĩ đây là sự trùng hợp khá thú vị và có duyên số nên tôi và chị Hà đã trao đổi điện thoại, hứa thường xuyên liên lạc coi nhau như bạn”.

Hành trình về với mẹ đẻ của bé 3 tháng tuổi 1
Trước đó, có vụ một bà mẹ ở Quảng Ngãi may mắn nhận lại được con gái của mình sau khi BV trao nhầm.

Về phía vợ chồng Hà, họ cũng rất sốc khi nhận được cuộc điện từ chị Nhung thông báo có thể BV trao nhầm con giữa hai gia đình. Ngay ngày hôm sau, cả hai đôi vợ chồng tức tốc thuê xe cùng gặp nhau trên văn phòng Gentis ở Sài Gòn. Vợ chồng chị Hà đã yêu cầu làm gói xét nghiệm nhanh nhất, với giá cao nhất để có kết quả sớm. Kết quả xét nghiệm lần này khẳng định đứa trẻ mà vợ chồng Hà đang nuôi là con của chị Nhung và ngược lại. “Chỉ vì sự tắc trách của bệnh viện mà hai gia đình bị trao nhầm con. Rất may là cuối cùng chúng tôi đã nhận được con đẻ của mình”.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ gia đình Nhung, Hà, Ban giám đốc BV Đa khoa khu vực Long Khánh, Đồng Nai đã tổ chức buổi gặp gỡ hai gia đình để xin lỗi và trao đổi lại 2 đứa trẻ về đúng với bố mẹ của mình. Bệnh viện đã họp kiểm điểm và chịu toàn bộ chi phí cho việc giám định ADN.

Ngày nhận con cả hai bà mẹ đều vỡ òa trong nước mắt. “Tôi sinh con gái một bề, chị Hà sinh con trai một bề. Dù rất thích con trai nhưng được nhận lại cô con gái ruột thực sự của mình tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Hai gia đình chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau và đùa rằng sau này sẽ trở thành thông gia của nhau”, chị Nhung chia sẻ.

Anh Đinh Văn Phú, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Gentis nhớ lại, ngày đầu tiên chị Nhung mang cuống rốn đến trung tâm cùng mối ngờ vực của mình bản thân anh cùng nhiều chuyên viên ở trung tâm không tin chuyện này có thể xảy ra. Hiểu được tâm trạng lo lắng bồn chồn của người mẹ, anh đã đốc thúc nhân viên làm xét nghiệm thật nhanh. May mắn, hạnh phúc cho hai gia đình trên là cuối cùng họ cũng được đón đứa con ruột của mình. “Khách hàng đến với Trung tâm không phải ai cũng được may mắn như chị Nhung, chị Hà. Rất nhiều người khi mang con đi thử ADN mới phát hiện con không cùng huyết thống nhưng cũng chẳng biết đứa trẻ đó con ai. Nhưng tựu chung kết quả khoa học dù có hơi phũ phàng thì cũng phần nào mang lại sự thanh thản, giải tỏa áp lực, nghi ngờ cho người đi làm xét nghiệm”, anh Phú cho biết.

*Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.