Hai đêm diễn của BLACKPINK đã khép lại, song, sự kiện ngập tràn "kiếp nạn" này là một kỷ niệm khó quên của nhiều người. Đặc biệt, phải kể đến những người từng ôm vé và bán vé show diễn với những lần tâm trạng lên xuống thất thường theo thị trường bán vé. Nhưng cũng từ sự kiện lớn này báo hiệu sự phát triển bán vé sang tay ở Việt Nam.

Cậu sinh viên giấu bố mẹ huy động gần 500 triệu đồng, ám ảnh 3 tuần mất ăn mất ngủ

V.K, quê Vĩnh Phúc, đang là sinh viên năm 4 ngành Kinh tế đối ngoại, ĐH Kinh tế quốc dân. Anh chàng từng cùng nhóm bạn săn vé một số show diễn giải trí cho nên rất tự tin vào kinh nghiệm của mình. Lần này, ngoài 8 vé tự tay đặt, anh còn lén giấu bố mẹ, huy động từ bạn bè, người thân giúp để đặt vé BLACKPINK. Theo ước tính, tổng số tiền mua vé phải lên tới hơn 430, gần 500 triệu đồng.

Hậu concert BLACKPINK, nam sinh kể lại 3 tuần “ám ảnh” vượt qua nỗi lo mất trắng gần nửa tỷ đồng và tương lai của hình thức bán vé sang tay - Ảnh 1.

Nhiều người ôm cả trăm triệu tiền vé concert BLACKPINK. Ảnh minh họa. Andy Tran

Tuy nhiên, chỉ ngay sau 7/7 - là ngày mua vé, anh V.K đã rơi vào tình trạng lo lắng trước những thông tin bất lợi, tin đồn show không được tổ chức. Anh kể: "Ngày đầu tiên sau săn là mình bán được chênh lệch so với giá gốc một chút, mỗi vé lãi được 1-2 triệu. Nhưng sang sau đó là chỉ có cắt lỗ từng ngày. Giá vé giảm dần đều, cảm giác mỗi ngày đăng cả ngàn bài lên hội nhóm, khách ép giá giảm dần, có những lúc mình không muốn bán, nhưng lại sợ giá còn giảm nữa nên đành cân nhắc bán".

"Khoảng thời gian từ ngày 9/7 đến 21/7, cái đầu nó căng lắm. Mình chỉ ăn uống rồi ôm điện thoại, tư vấn cho khách, đi gửi tin nhắn cho từng người chào vé. Kể cả 3-4 giờ sáng, mình vẫn nằm ôm điện thoại hy vọng có khách hỏi mua với giá chấp nhận được. Sự tự tin lúc đầu của mình giờ đây gần như về số 0, mình chỉ lo làm sao bán được vé với giá gốc, hoặc sát gốc để thu hồi vốn".

Đến tuần cuối cùng, 21/7, V.K mới nghĩ ra tại sao mình không cho các bạn bán khác ký gửi vé, mình sẽ xông pha bán hộ và ăn chênh, đỡ phải bỏ vốn và sẽ thu được một phần nho nhỏ, bù vào vé lỗ. Nhưng tình hình chẳng mấy khả quan, cho đến tận 3 ngày trước thềm show diễn ra, V.K quyết định phải ra sân chinh chiến. "Từ ngày 26/7 đến 31/7 là mình gần như cắm cọc ở sân, chỉ ăn bánh mì, uống nước lọc rồi chạy khắp khu vực sân Mỹ Đình chào mời mọi người mua vé. Nhiều ngày liên tiếp, cứ từ 7 giờ sáng đến 1 giờ đêm mới về tới phòng trọ. Người ta trả  7 triệu/cặp CAT 1 Seating mình cũng bán, chẳng khác gì mua 1 tặng 1 vì giá gốc là 6,8 triệu/vé".

Hậu concert BLACKPINK, nam sinh kể lại 3 tuần “ám ảnh” vượt qua nỗi lo mất trắng gần nửa tỷ đồng và tương lai của hình thức bán vé sang tay - Ảnh 2.

Những người ôm vé tập trung rao bán ngay tại sân vận động trước ngày diễn ra concert đầu tiên.

Chứng kiến nhiều người cùng cảnh bán cắt lỗ, đồng giá 3 triệu đồng/vé, tất cả các hạng, V.K cũng nghĩ gần đến ngày cuối sẽ làm theo như vậy, phần tiền lỗ sẽ đi làm sau này và trả nợ dần.

Tận dụng mối quan hệ cá nhân tìm khách nước ngoài, gỡ gạc vào phút chót

Sau khi giá vé biến động với chiều hướng tăng lên vào trước giờ buổi concert số 1 diễn ra là điều V.K chưa từng ngờ tới. "Đến sáng 29/7 mình bắt đầu giảm sập sàn, xả vé dần, ai mà tin đến khoảng 17 giờ chiều, lại có nhiều người tìm mua và giá vé lại lộn ngược dòng ngoạn mục đến như vậy. Lúc này, trong "kho vé" của mình chỉ còn một số hạng nhất định, mình vừa bán vừa tiếc nuối. Thậm chí, có khách còn chấp nhận trả giá cao hơn nhiều để sở hữu chiếc vòng cuối cùng vào sân, trước khi show diễn chính thức bắt đầu", V.K kể.

Trong những ngày trực tiếp có mặt ở sân vận động Mỹ Đình, cộng thêm sự trợ giúp từ những người bạn, V.K nhận thấy rằng đến xem BLACKPINK không chỉ có người Việt mà còn rất nhiều đoàn khách quốc tế, anh đã tìm cách tiếp cận. Những vị khách này cũng ưu tiên mua và thanh toán tại sân.

Hậu concert BLACKPINK, nam sinh kể lại 3 tuần “ám ảnh” vượt qua nỗi lo mất trắng gần nửa tỷ đồng và tương lai của hình thức bán vé sang tay - Ảnh 3.

"Gia tài" của một người ôm vé, của V.K còn nhiều hơn. Ảnh minh họa: Hạnh Mỹ.

Hơn thế nữa, việc V.K rao bán vé khắp mạng xã hội, bạn bè của anh đều biết. "May mắn nhất, mình có những người bạn đang ở Singapore, Trung Quốc, có bạn bè sang Việt Nam muốn mua vé xem show, hay quen các đoàn khách nước ngoài nên giới thiệu thêm cho mình vào những ngày cuối. Tuy nhiên, với khách Trung, mình chẳng những gặp rào cản ngôn ngữ mà còn khó thanh toán, họ chỉ có thể quẹt thẻ vì mình không có ứng dụng ngân hàng tương ứng. Mình bán cho khách rồi có vấn đề gì mình lại gọi điện nhờ bạn phiên dịch giúp, cho nên quá trình giao dịch hơi tốn thời gian".

Đến 17 giờ chiều ngày 30/7, V.K đã bán được cặp vé cuối cùng và quét thành công cho khách vào sân. "Bán được hết vé, cảm giác như tảng đá đè nặng trong người suốt cả tháng qua đã được rời đi. Một phen kinh doanh hú hồn của genZ mà chắc chắn mình sẽ không bao giờ quên".

Hậu concert BLACKPINK, nam sinh kể lại 3 tuần “ám ảnh” vượt qua nỗi lo mất trắng gần nửa tỷ đồng và tương lai của hình thức bán vé sang tay - Ảnh 4.

Cặp vé cuối cùng được khách mua trước khi diễn ra concert.

Tương lai của nghề bán vé sang tay ở Việt Nam

Trong số những người ôm vé show BLACKPINK lần này, có lẽ V.K là người hiếm hoi dám khẳng định rằng bản thân không lỗ, đã thu hồi được vốn và có lãi được một số tiền nhỏ nhờ cơn "sốt vé" trong những ngày cuối cùng. "Một phần do mình may mắn, người ta bảo liều ăn nhiều mà, mình quyết không bán tháo cho đến phút chót. Còn đa phần những người ôm vé trên sân hôm ấy đã bán vé giá rẻ từ sáng 29/7. Có anh chị còn vay tín dụng lên tới 700 triệu đồng, cũng không trách được bởi họ bán vội để kịp đáo hạn, không lường trước được cơ sự".

Được hỏi có ý định duy trì công bán vé sang tay này hay không, V.K cho rằng anh vẫn làm được và coi đây là một nghề kiếm tiền thời vụ. Sau đợt này, anh muốn mở rộng ra việc săn vé các đêm kịch, các show giải trí hot có bán vé ở Việt Nam, và biết đâu sắp tới sẽ có thêm nhiều nghệ sĩ quốc tế mở concert tại nước ta.

Tuy nhiên, V.K có một "bí kíp" để bán được giá, dù trong tình thế cấp bách nhất: "Theo mình, dù có rao vé trên mạng nhưng những thỏa thuận về giá tiền, tư vấn, vẫn nên gặp mặt trực tiếp hoặc chí ít gọi điện thoại, chứ đừng nhắn tin. Như lần này, việc bán tại sân Mỹ Đình, giao dịch trực tiếp giữa người bán và người mua sẽ uy tín hơn. Hai bên dễ dàng trao đổi. Càng đưa người mua vào khoảng thời gian ngắn thì càng chốt được giá, bởi thường tâm lý về sự kiện giải trí, họ đã hỏi chắc hẳn đã thích phần nào rồi. Mình sẽ cho khách cọc trước, rồi khi quét cho họ ở cửa vào được, họ sẽ chuyển số tiền còn lại cho mình. Đôi bên cùng tin tưởng lẫn nhau".

Hậu concert BLACKPINK, nam sinh kể lại 3 tuần “ám ảnh” vượt qua nỗi lo mất trắng gần nửa tỷ đồng và tương lai của hình thức bán vé sang tay - Ảnh 5.

"Mình cũng dự phòng trường hợp khách chuyển xong đi mất, khách không tìm được ghế chính xác. Cho nên mình đã nhờ trước một số người bạn cũng vào xem show để ý giúp".

Từ những chia sẻ của V.K trong lần kinh doanh theo concert BLACKPINK lần này, ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển vượt trội của một hình thức kiếm tiền thời vụ, bán vé sang tay. Trong khi trước kia, trong cộng đồng Kpop chỉ có một dịch vụ camp vé (trả tiền trước để săn vé).

Hậu concert BLACKPINK, nam sinh kể lại 3 tuần “ám ảnh” vượt qua nỗi lo mất trắng gần nửa tỷ đồng và tương lai của hình thức bán vé sang tay - Ảnh 6.