Tróc da, lồi sẹo vì phun xăm
Làm đẹp mí mắt, lông mày, môi bằng phương pháp phun xăm không mới nhưng không ít chị em đã gặp rắc rối vì cách làm đẹp này.
Nghe lời bạn bè rủ rê, chị Hân ở Lục Ngạn, Bắc Giang quyết định đến thẩm mỹ viện bình dân ngoài thị trấn sửa sang đôi lông mày mọc không có “hàng lối”. Giao "nhan sắc" cho chuyên gia thẩm mỹ phun xăm, tùy ý "tu bổ", bản thân chị cũng vô cùng hồi hộp trong suốt suốt một giờ đồng hồ.
Chị ra về với đôi mắt sưng húp, mỗi khi đi ra đường phải đeo kinh đen nhưng chị vẫn thấy vui vì được củng cố niềm tin sẽ sở hữu đôi lông mày "lá liễu" tôn lên vẻ đẹp sắc sảo của đôi mắt trong một vài ngày tới.
Sau một tuần, vết xăm tróc mày, hết sưng nhìn vào gương chị bàng hoàng phát hiện hai bên lông mày quá xếch không hài hòa với khuôn mặt, chị trở lại thẩm mỹ viện yêu cầu sửa. Tuy không mất thêm tiền nhưng chị phải chịu đựng cái đau rát do tác động của tia laser xóa xăm để tạo vết phun xăm mới.
Sau lần phun xăm đó, đẹp thì chưa thấy, chỉ biết hiện tại trên đôi mắt chị Hân có thêm những vết sẹo lõm, liên tục bị sưng, dị ứng khi thay đổi thời tiết khoặc khi bị bụi bặm bám vào. Thậm chí có lần chị còn bị sưng, nổi mụn và chảy mủ ở hai bên lông mày trong gần một tuần.
So với chị Hân, chị Tâm kém may mắn hơn rất nhiều. Thấy bạn bè có đôi môi đầy mọng, quyến rũ chị Tâm ở Từ Liêm, Hà Nội cũng muốn "nâng cấp" đôi môi mỏng dẹt của mình trở nên đầy đặn hơn. Đến cửa tiệm phun xăm cách nhà không xa khi chủ tiệm đang làm cho một vị khách khác. Sau 15 phút chờ đợi, nhân viên làm xong cho khách, rửa qua dụng cụ rồi thực hiện luôn cho chị.
Vì làm đẹp, chị phải xin nghỉ việc gần 1 tuần chờ vết thương lành lại. Tuy nhiên, hơn hai tuần trôi qua vết thương không lành còn bong tróc da kéo dài, thậm chí môi trên còn xuất hiện những chùm mụn mủ, có triệu chứng rát và ngứa.
Đến chuyên khoa da liễu khám, làm xét nghiệm máu bác sĩ kết luận chị mắc phải bệnh Herprs, một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Bác sĩ chuyên khoa da liễu Lê Quang Lộc (Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng trường hợp như bệnh nhân Tâm không phổ biến nhưng khả năng có thể lây bệnh từ dụng cụ như kim, ngòi xăm, chất dịch màu xăm… là có thật.
Khi phun xăm, tác nhân gây bệnh chủ yếu nằm chính là chất dịch màu. Trong dịch màu có chứa một số tác nhân gây bệnh như vi-rút, vi trùng gây ra bệnh Herpes ở môi, HIV, viêm gan B, bệnh giang mai,…
Ảnh minh họa
Nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm
Phun xăm môi, lông mày là trào lưu làm đẹp khá phổ biến, phương pháp làm đẹp này cũng khiến không ít chị em dở khóc, dở mếu vì giấc mơ làm đẹp không thành, thậm chí còn đối diện với nguy cơ nhiễm những căn bệnh nguy hiểm rất cao.
Rất nhiều chị em tìm đến chuyên khoa da liễu cầu cứu trong tình trạng vết xăm môi, mắt bị sưng, tấy đỏ, chảy máu, nổi mụn… thậm chí đã kết mủ. Thông thường chỉ sau 1 - 2 ngày, vết xăm bị dị ứng hay nhiễm trùng đã có dấu hiệu bất thường, nhưng cũng có người sau 2 tuần mới phát hiện và gây khó khăn trong xử lý.
Theo bác sĩ Lộc, xăm thực chất là dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da, các chất này chính là muối kim loại nên việc xóa hình xăm để đưa da trở về trạng thái ban đầu cực kỳ khó khăn.
Ngoài nguy cơ nhiễm trùng tại chỗ, dị ứng da, viêm đỏ da, tróc da kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, lạm dụng phun xăm nhiều lần mà không có khoảng cách thời gian an toàn dễ dẫn tới trơ da, không ăn mực thì chị em còn phải gánh chịu những di chứng mà người xóa vết xăm phải chịu đựng như sẹo vĩnh viễn, chàm da, thậm chí có người bị dị ứng tái đi tái lại, gây ngứa ngáy, mất thẩm mỹ. Đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như giang mai, HIV, viêm gan B, viêm gan C… Các bệnh phong, lao, đậu mùa, hạt cơm, u mềm… cũng có thể lây bằng con đường xăm trổ.
Vì vậy, bác sĩ Lộc khuyên phụ nữ nên giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên, bởi đã xăm thì khó mà tẩy hết. Nếu đã lỡ xăm, 3 tháng sau nên đi thử máu để tìm xem có bị nhiễm các mầm bệnh hay không.
Khi làm đẹp bằng phương pháp phun xăm môi, lông mày, chị em nên tìm đến những cơ sở thẩm mỹ có uy tín. Để tránh phun xăm không như ý, nên chọn kỹ thuật viên lành nghề, muốn tái phun cần chờ từ 3 tháng tới một năm cho da phục hồi.