Nếu Ngò cũng vui vẻ và lễ phép với mọi người, Ngò cũng sẽ được nhiều người yêu thích như mẹ”.

Cứ nghĩ giải thích với con vậy thôi chứ cháu chưa thể hiểu nhiều. Ai ngờ, mấy hôm sau, vào một buổi tối, Ngò hớn hở thông báo: "Mẹ ơi, mẹ nói đúng rồi. Hôm nay đi với ba, gặp cô chú nào là bạn của ba, Ngò cũng chào và cười. Mấy cô chú khen Ngò ngoan và nhiều người thích Ngò lắm".

Sau lần đó, tôi bỗng nhận ra, đừng cho rằng trẻ còn bé. Chỉ hai, ba tuổi, trẻ con đã có thể hiểu và biết rất nhiều thứ. Không thể cho rằng con chưa đủ trí khôn nên giải đáp qua loa những thắc mắc của con. Phải cẩn trọng lựa chọn ngôn từ, thông tin khi nói chuyện với con ngay từ khi con còn bé.

Ngò lớn hơn một chút, một trong những điều tôi quan tâm nhất là làm sao để con có suy nghĩ, sinh hoạt như tất cả trẻ con khác. Tuổi mẫu giáo, tôi cho bé học ở trường gần nhà, vừa đỡ tốn thời gian đưa đón, vừa để bé hòa nhập vào môi trường sống của trẻ con đồng trang lứa có nhiều hoàn cảnh sống khác nhau. Tôi rất sợ con trở thành cậu ấm, cô chiêu thời hiện đại nên chủ trương không bao bọc con quá cẩn thận. Ngò được tự do chơi đùa với trẻ con hàng xóm và tham gia tất cả những trò chơi cháu thích.

 
Thay vì ôm con do sợ con té ngã, tôi đưa ra nhiều tình huống khác nhau và giải thích cho con biết những hậu quả xấu nhất. Ví dụ: Nếu chạy nhảy khi lên xuống cầu thang, con có thể té ngã. Đạp xe quá nhanh, con cũng sẽ không thắng kịp và té xe. Đứng gần bếp khi người lớn nấu ăn, con thể bị phỏng dầu mỡ, nước sôi bắn vào người...
 
Khi có chuyện gì xảy ra, tôi liên kết ngay với những điều đã nói với cháu. Chẳng hạn cháu bị té xe đạp, tôi nhắc: "Vì con không nghe lời người lớn, đạp xe quá nhanh nên mới ngã!". Cháu có thể té ngã, trầy xước, nhưng tôi quan niệm đó cũng là những trải nghiệm để con trưởng thành và hiểu rằng những lời dạy của bố mẹ không bao giờ là vô nghĩa.

Vẫn đang là con một, nhưng Ngò không bao giờ được ba mẹ chiều chuộng hoặc đáp ứng tất cả các yêu cầu. Từ bé, trước khi đi siêu thị, vợ chồng tôi luôn đặt ra một thỏa thuận: "Con chỉ được mua một món đồ chơi, vì vậy con nên suy nghĩ xem mình cần món gì hoặc thích nhất món gì, ba mẹ không cho mua món thứ hai hoặc đổi lại, trả lại". Vài lần đầu, cũng có khi Ngò mè nheo, khóc lóc. Những lúc ấy, tôi kiên quyết dắt con rời siêu thị, không mua bất kỳ món đồ chơi nào và giải thích: "Con bị phạt vì đã không biết vâng lời. Con sẽ được mua thứ con thích trong lần đi siêu thị tuần tới". Dứt khoát một hai lần, dần dần cháu cũng  hiểu nên luôn thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu.

Tâm lý trẻ nào cũng luôn muốn được khen ngợi khi làm việc tốt. Với Ngò thì lời khen càng có "giá trị” hơn. Lúc bé, Ngò có tính hơi ích kỷ, không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn bè, anh em họ. Ban đầu, vợ chồng tôi cũng hơi bối rối trước sự ích kỷ của con. Cách "giải tỏa" sự ích kỷ của Ngò hóa ra hết sức đơn giản. Em bé hàng xóm sang chơi và rất mê búp bê của chị Ngò, nhưng Ngò lại khư khư giữ đồ chơi của mình. Hơi giận con, nhưng tôi quay sang dỗ dành em bé: "Con chờ chút xíu chị Ngò sẽ cho nhé. Chị Ngò lớn rồi, biết thương em lắm chứ không ích kỷ đâu". Thật bất Ngờ, Ngò cho em đồ chơi thật. Khi đó, tôi mới thật sự hiểu những lời khuyên dành cho cha mẹ: "Khen ngợi là cách khuyến khích trẻ hoàn thiện mình. Lời khen đúng lúc, đúng mức sẽ giúp trẻ thêm niềm tin và nỗ lực trở thành người tốt".

Năm nay Ngò đang học lớp 2 ở một trường công lập. Quan niệm của vợ chồng tôi là không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Chúng tôi chỉ mong con có tấm lòng nhân ái, biết thương yêu, chia sẻ với mọi người. Thỉnh thoảng tôi cho Ngò đi thăm trẻ mồ côi để Ngò biết mình đang có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều người. Sau những chuyến đi, Ngò có sự thay đổi. Bé biết cất giữ đồ chơi sau khi chơi xong, biết để dành và xếp gọn những món đồ chơi không thích nữa để tặng các bạn ở trường mồ côi. Dù là những thay đổi rất nhỏ, nhưng tôi vẫn hy vọng, đó là những viên gạch đầu tiên giúp con hình thành lòng nhân ái.

 
 
Diễn viên Trịnh Kim Chi
Theo Phụ nữ