Mùa thu cũng đồng thời là mùa thu hoạch của nhiều loại rau củ. Khi nhiệt độ dần giảm xuống, các loại rau tươi theo mùa cũng lần lượt xuất hiện. Những loại rau này không chỉ thơm ngon mà còn giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng rất tốt trong việc duy trì sức khỏe và nâng cao thể lực trong mùa thu. Hôm nay chúng tôi sẽ giới thiệu 5 loại rau không thuốc trừ sâu. Chúng đều là những nguyên liệu tự nhiên không chỉ ngon mà còn có nhiều lợi ích cho cơ thể. Tận dụng các loại rau tự nhiên này để chế biến món ngon đồng thời hỗ trợ tiêu hóa, nâng cao miễn dịch và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
1. Củ sen
Sang mùa thu, bạn có thể nhìn thấy củ sen được bày bán đầy ngoài chợ rau. Củ sen có màu trắng, tùy thuộc vào cách thức chế biến mà nó sẽ giữ được độ giòn hay mềm ngọt. Củ sen có giá trị dinh dưỡng cực cao, rất giàu chất xơ, vitamin C và nhiều khoáng chất khác nhau. Thường xuyên ăn củ sen sẽ có tác dụng làm ẩm phổi, giảm ho, thanh nhiệt và làm mát máu. Đồng thời, củ sen còn giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và tăng cường khả năng miễn dịch. Công thức gợi ý: Củ sen xào chua ngọt.
Nguyên liệu làm món củ sen xào chua ngọt
2 củ sen, 4g đường trắng, 1 thìa canh nước tương, 4g gia vị, 2g tinh chất cốt gà, 5g giấm.
Cách làm món củ sen xào chua ngọt
Bước 1: Gọt vỏ củ sen và cắt thành từng miếng. Thêm nước vào nồi rồi đun sôi. Cho các miếng củ sen vào chần qua, vớt ra để riêng.
Bước 2. Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào rồi đun nóng. Sau đó cho củ sen đã chần sơ vào xào đều, thêm đường, giấm, nước tương, lượng gia vị vừa đủ, xào nhanh và trộn đều. Sau khi củ sen chín bạn cho thêm tinh chất cốt gà vào, xào đều tiếp trong khoảng 1 phút thì tắt bếp, lấy ra đĩa.
2. Củ niễng – Lựa chọn rau không thuốc trừ sâu cho bữa ăn sạch và an toàn
Củ niễng là loại rau thủy sinh có kết cấu mềm, giòn, giàu chất xơ, vitamin B và nhiều loại khoáng chất. Củ niễng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và giảm sưng tấy. Thường xuyên ăn củ niễng có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giải độc cho cơ thể. Công thức gợi ý: Củ niễng xào thập cẩm.
Nguyên liệu làm món củ niễng xào thập cẩm
3-5 củ niễng (tùy độ to nhỏ), 1 củ cà rốt nhỏ, 3 cái nấm mèo (mộc nhĩ), 5g giấm, 1 thìa canh đường, 2 thìa canh nước tương, 1 quả ớt xanh ngọt (hoặc 1/3 quả ớt chuông xanh), 5 tép tỏi băm, 1 thìa canh tương ớt, 1 thìa canh bột bắp, 1-2 cây hành lá xắt nhỏ, một chút bột nêm.
Cách làm món củ niễng xào thập cẩm
Bước 1: Củ niễng bạn lột bỏ lớp vỏ, rửa sạch rồi thái sợi. Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch và thái sợi. Nấm mèo sau khi ngâm nở thì thái miếng nhỏ để riêng. Ớt xanh thái miếng nhỏ dài. Chuẩn bị 1 bát tô, thêm giấm, đường, nước tương, tương ớt, tỏi băm và bột bắp vào, trộn đều rồi đặt sang một bên.
Bước 2: Cho dầu ăn vào chảo đợi nóng thì thêm hành lá xắt nhỏ, tỏi băm vào xào thơm. Tiếp theo cho cà rốt thái sợi, nấm mèo và củ niễng vào xào chín tới. Lúc này bạn đổ nước sốt đã chuẩn bị vào, xào nhanh và đều tay. Thêm chút bột nêm rồi xào cạn nước thì tắt bếp, lấy ra đĩa là có thể thưởng thức.
3. Bí đao
Bí đao rất giàu vitamin C, kali và có lượng calo thấp. Đây là thực phẩm rất thích hợp cho người muốn giảm cân. Bí đao có tác dụng lợi tiểu, giảm sưng tấy, thanh nhiệt, giải độc. Bên cạnh đó, bí đao còn có tác dụng giúp "thư giãn" ruột và hỗ trợ đào thải độc tố trong cơ thể. Công thức gợi ý: Canh sườn heo bí đao.
Nguyên liệu làm món canh bí đao sườn heo
300g sườn heo, 1 khúc bí đao, lượng gia vị thích hợp, bột nêm, 1-2 cây hành lá xắt nhỏ.
Cách làm món canh bí đao sườn heo
Bước 1: Chần chín sườn heo trong nồi nước có cho rượu nấu ăn để khử mùi tanh. Vớt ra rửa sạch rồi để ráo. Bí đao gọt vỏ và cắt thành khối vuông/hoặc lát có độ dày vừa phải rồi để riêng.
Bước 2: Cho một lượng nước thích hợp vào nồi, trút sườn heo đã chần vào. Sau đó bạn cho thêm vài lát gừng rồi đun sôi trên lửa lớn và hớt bọt. Sau đó vặn lửa nhỏ đun liu riu trong 40 phút. Lúc này bạn có thể nêm thêm nước sôi vào cho vừa với khẩu phần ăn của gia đình. Tiếp đó bạn thả bí đao vào rồi tiếp tục nấu trong 10 phút. Cuối cùng nêm gia vị, bột nêm cho đậm đà và rắc hành lá cắt nhỏ rồi dùng.
4. Bí đỏ
Bí đỏ rất giàu beta-carotene, vitamin A và chất xơ, tốt cho sức khỏe. Ăn bí đỏ thường xuyên có thể giúp nuôi dưỡng làn da, bảo vệ thị lực và tăng cường khả năng miễn dịch. Ngoài ra, bí đỏ còn có thể giúp thúc đẩy nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón. Công thức gợi ý: Sườn heo hấp bí đỏ và tỏi.
Nguyên liệu làm món sườn heo hấp bí đỏ và tỏi
500g sườn heo, 1 miếng bí đỏ (khoảng 200g), 10 tép tỏi băm, 2 thìa canh nước tương, 1 thìa canh rượu nấu ăn, 1 thìa canh tinh bột bắp, lượng muối thích hợp.
Cách làm món sườn heo hấp bí đỏ và tỏi
Bước 1: Gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch rồi cắt bí đỏ thành khối vuông. Sườn sau khi sơ chế sạch thì ướp với muối, nước tương, tinh bột bắp, rượu nấu ăn và tỏi băm trong 30 phút.
Bước 2: Xếp các miếng bí đỏ ra đĩa, rải đều sườn đã ướp lên trên. Đặt đĩa sườn heo bí đỏ vào nồi rồi hấp trong 25 phút, đến khi sườn chín và bí đỏ mềm dẻo. Sau đó lấy ra khỏi nồi thì rắc hành lá cắt nhỏ lên để trang trí và tăng hương vị.
5. Rau khoai lang
Rau khoai lang là loại rau lá xanh rất bổ dưỡng. Rau khoai lang rất giàu chất xơ, vitamin C và các khoáng chất như canxi, magie. Nó có tác dụng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Đồng thời ăn rau khoai lang cũng có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Rau khoai lang mềm và hoàn hảo để xào hoặc trộn salad. Công thức gợi ý: Rau khoai lang xào tỏi ớt.
Nguyên liệu làm món rau khoai lang xào tỏi ớt
1 mớ rau khoai lang, 1 củ tỏi, 1-2 quả ớt, lượng muối thích hợp, lượng bột nêm vừa phải.
Cách làm món rau khoai lang xào tỏi ớt
Bước 1: Rau khoai lang nhặt sạch, loại bỏ cuống già. Sau đó bạn rửa sạch rau khoai lang, để ráo nước. Tỏi bóc vỏ, đập dập và băm nhỏ. Ớt cắt khoanh nhỏ rồi để riêng.
Bước 2: Đun nóng dầu trong nồi, cho tỏi và ớt vào xào thơm. Tiếp theo cho rau khoai lang vào xào trên lửa lớn; nhanh chóng thêm một chút muối, bột nêm cho vừa ăn, xào đến khi rau khoai lang chín đều và thấm gia vị.
Có rất nhiều loại rau củ giàu chất dinh dưỡng. Rau xanh không thuốc trừ sâu là sự lựa chọn tốt cho sức khỏe. 5 loại rau củ gồm củ sen, củ niễng, bí đao, bí đỏ, rau khoai lang không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng cực cao. Mỗi loại đều có tác dụng riêng. Hãy tận dụng thời điểm đẹp của mùa thu để ăn nhiều loại rau tự nhiên này, chúng có thể giúp bạn giữ dáng và tạo nền tảng tốt cho sức khỏe khi mùa đông đến.