Vào ngày 18/11/1983, một cô bé mặc chiếc áo khoác lụa đỏ được tìm thấy đứng khóc ở bãi đậu xe của một khu chợ ở Goesan, trung tâm Hàn Quốc. Đứa trẻ ấy đủ nhận thức để nói với cảnh sát rằng em được 2 tuổi và tên là Kang Mee-sook, theo tài liệu nhận nuôi của cô bé.

10 tháng sau, bé Mee-sook được đưa đến Michigan, Mỹ, trở thành 1 trong 7.900 em bé Hàn Quốc được đưa sang nước ngoài để được các gia đình tại đây nhận nuôi vào năm 1984. Hầu hết điểm đến của các em là Mỹ.

"Hãy cho con biết mẹ con là ai" - lời thỉnh cầu của cô bé bị bỏ rơi và nỗi lòng của những đứa con nuôi muốn tìm về ruột thịt - Ảnh 1.

"Hãy cho con biết mẹ con là ai" - lời thỉnh cầu của cô bé bị bỏ rơi và nỗi lòng của những đứa con nuôi muốn tìm về ruột thịt - Ảnh 2.

Giờ đây, cô bé năm nào đã trở thành Kara Bos, quốc tịch Mỹ và là mẹ của 2 đứa trẻ. Giống như những đứa con được nhận nuôi, Kara cũng có nhiều thắc mắc muốn được giải đáp. Cùng với kết quả xét nghiệm ADN trên tay, Kara yêu cầu tòa án Hàn Quốc tuyên bố người đàn ông 85 tuổi đang sống ở Seoul là cha ruột của cô để sau đó, cô có thể đường đường chính chính mà tìm lại ông ấy mà chất vấn vì sao năm xưa ông bỏ rơi con gái và mẹ cô là ai.

Đây là vụ kiện liên quan đến quan hệ cha con tại Hàn Quốc được đưa ra bởi một đứa con được nhận nuôi ở nước ngoài. Vụ án được tiếp nhận xử lý bởi Tòa án Gia đình Seoul, dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 12/6 sắp tới, có thể tạo ra một tiền lệ vô cùng quan trọng trên thế giới dành cho những đứa trẻ được đưa sang nước ngoài để được nhận nuôi, nhất là đối với hàng nghìn người Hàn Quốc sống ở nước ngoài thời gian gần đây đã trở về quê nhà để tìm lại cha mẹ ruột.

"Ông ấy là mối liên hệ duy nhất với mẹ tôi, người mà tôi thật sự đang tìm kiếm" - Kara nói. Hiện tại, cô đang sống ở Amsterdam, Hà Lan, sau khi kết hôn với chồng vào năm 2009. 

"Chỉ có đệ đơn kiện, tôi mới có thể chứng minh được ông ấy là cha ruột của tôi và sau đó là một buổi gặp mặt chính thức. Tôi sẽ cố gắng hoàn tất vụ kiện trong vòng 1 năm" - cô nói thêm.

Hàn Quốc chưa bao giờ nghĩ đến một vụ kiện như thế này khi họ đưa hàng nghìn đứa trẻ ra nước ngoài trong những năm 70, 80, đến nỗi được gọi là quốc gia chuyên "xuất khẩu trẻ em". Hàng trăm đứa trẻ vẫn được đưa sang nước ngoài mỗi năm. Tổng cộng, có hơn 167 nghìn em bé Hàn Quốc được người nước ngoài nhận nuôi kể từ khi Chiến tranh Hàn Quốc kết thúc năm 1953.

Trong thời gian gần đây, những đứa trẻ ấy, giờ đã trưởng thành, trở về Hàn Quốc, bao gồm những người buộc phải rời Mỹ vì cha mẹ nuôi không thể giúp họ nhập quốc tịch Mỹ, tổ chức chiến dịch kêu gọi nhận nuôi trong nước và tăng cường chính sách bảo vệ bà mẹ đơn thân, những người chịu áp lực xã hội về việc không chồng mà có con, buộc phải từ bỏ con cái của mình.

Hành trình tìm lại người thân ruột thịt của những đứa trẻ được nhận nuôi chưa bao giờ là dễ dàng. Họ sẽ gặp phải những rắc rối về tài liệu nhận nuôi bị làm giả bởi những người quá sợ hãi và xấu hổ nếu để người khác biết bản thân có con riêng bên ngoài.

Luật pháp ở một số nơi cho phép những đứa trẻ nhận nuôi có được thông tin của cha mẹ ruột như địa chỉ và số điện thoại nhưng chỉ khi cha mẹ ruột chúng đồng ý.

"Chúng tôi có quyền được biết về quá khứ của mình, đặc biệt là khi chúng tôi đã trưởng thành" - Kara nói.

Theo nhận xét của Simone Eun Mi, một người con từng được nhận nuôi ở nước ngoài như Kara, cô tin rằng vụ kiện của Kara không chỉ tạo ra tiền lệ cho trẻ được nhận nuôi người Hàn Quốc mà còn gây ra ảnh hưởng đến những người có hoàn cảnh tương tự trên khắp thế giới. 

Kara được nhận nuôi bởi cặp vợ chồng Russell và Mariann Bedell, sống ở Sheridan, Michigan, vào năm 1984. Thế nhưng, chỉ đến khi hạ sinh đứa con đầu lòng vào 5 năm trước, cô mới bắt đầu nghĩ về những nỗi đau mà mẹ ruột của cô đã trải qua khi bỏ rơi cô. Điều này giúp Kara nhận ra rằng cô rất muốn tìm lại người đã mang nặng đẻ đau sinh ra cô.

"Hãy cho con biết mẹ con là ai" - lời thỉnh cầu của cô bé bị bỏ rơi và nỗi lòng của những đứa con nuôi muốn tìm về ruột thịt - Ảnh 3.

"Nhờ 2 năm căng thẳng chăm sóc con gái, đứa trẻ như cả một thế giới đối với tôi, tôi đã nhận ra rằng giữa mình và con bé có một sự liên kết vô cùng lớn" - Kara nói.

Năm 2017, Kara trở lại Hàn Quốc và đến thăm khu chợ mà năm xưa cô bị bỏ rơi để tìm gặp những người gần đó, hỏi xem liệu còn ai nhớ gì về cô hay không. Câu chuyện của Kara sau đó thu hút sự chú ý của truyền thông nước nhà nhưng công cuộc tìm kiếm của cô không có mấy tiến triển.

Năm 2016, Kara đăng thông tin ADN của mình lên trang MyHeritage, một nền tảng phả hệ trực tuyến. Tháng 1 năm ngoái, sau khi hay tin 2 chị em thất lạc từ rất lâu đã tìm được nhau nhờ vào trang web MyHeritage, Kara đã đăng nhập vào tài khoản của mình và biết được rằng đã tìm được một mẫu ADN trùng khớp với cô thuộc về một sinh viên đại học Oxford 22 tuổi.

Khi Kara tìm đến, người này giới thiệu cô với 1 trong những người chị họ của anh. Thì ra, cả hai chính là cháu trai và cháu gái của Kara và mẹ của chúng, giờ đây đã hơn 50 tuổi, đều là chị em với Kara khi họ có cùng một người cha.

Thế nhưng, rắc rối khác lại xảy ra. 2 người cháu của Kara bất ngờ cắt đứt liên lạc với cô và mẹ chúng cũng làm điều tương tự. Kara tin rằng họ không muốn cô liên hệ lại với cha ruột, người được tòa án Hàn Quốc xác định là Oh.

Chính vì vậy nên Kara không thể tìm được địa chỉ của ông Oh. Khi cô tìm đến nhà của 1 trong 2 người mà cô cho là chị em cùng cha khác mẹ với mình, cô thậm chí đã quỳ trước họ để xin được gặp lại cha ruột nhưng gia đình người này lại chỉ lạnh lùng gọi bảo vệ đến yêu cầu Kara rời đi.

Ngày 18/11 năm ngoái, đúng 36 năm Kara bị bị rơi, cô đệ đơn kiện lên tòa và việc này giúp cô có được địa chỉ của ông Oh. Vào tháng 3 vừa qua, cô đến tận căn hộ xa hoa của người đàn ông này để tìm gặp ông. Vợ của ông là người mở cửa. Với vốn tiếng Hàn có hạn của mình, Kara vẫn cố gắng giải thích lý do vì sao cô có mặt ở đây. Một hồi sau, ông Oh bước ra.

"Tôi đối chất với ông ấy và hỏi rằng: 'Làm sao ông biết mặt tôi?' và hỏi rằng liệu ông có biết cô là Kang Mee-sook hay không' - Kara kể.

Người đàn ông ấy không hề nói câu nào, chỉ ra hiệu tay xua Kara rời đi trước khi cánh cửa nhà đóng lại.

Khi Kara trở lại, 1 trong 2 người chị em cùng cha khác mẹ của cô bước ra và nói với Kara rằng cô đang xâm phạm ngôi nhà bởi vì cô không phải là thành viên của gia đình họ.

Sau đó, Kara yêu cầu tòa án buộc ông Oh phải tiến hành xét nghiệm ADN. Kết quả được đưa ra vào tháng 4, cho biết có đến 99,9981% khả năng ông Oh và Kara là cha con ruột thịt của nhau.

Không ai có thể liên lạc với ông Oh để phỏng vấn về việc này. Ông không có luật sư riêng và các thành viên trong nhà ông cũng không có mặt tại các phiên tòa xét xử.

Nếu Kara giành chiến thắng trong phiên tòa sắp tới, những người chị em kia của cô không thể ngăn cản cô gặp lại cha ruột nữa. Nói về vụ kiện của mình, Kara cho biết nó rất có ý nghĩa bởi vì nó cho người ta thấy nỗi đau và sự chối bỏ mà những đứa trẻ được nhận nuôi phải đối mặt khi trở về quê hương tìm lại gia đình ruột thịt của chúng.

"Hãy cho con biết mẹ con là ai" - lời thỉnh cầu của cô bé bị bỏ rơi và nỗi lòng của những đứa con nuôi muốn tìm về ruột thịt - Ảnh 4.

"Mặc cho cha tôi năm nay đã 85 tuổi và thậm chí ông đã ở tuổi gần đất xa trời thì ông vẫn phải chịu trách nhiệm và cho tôi biết vì sao ông lại bỏ rơi tôi, mẹ tôi là ai" - Kara nói.

Ngoài ra, Kara cũng không loại trừ khả năng mẹ ruột của cô không muốn gặp lại cô vì muốn giữ bí mật về quá khứ của bà.

"Thật lòng mà nói thì tôi cảm thấy việc những đứa trẻ bị bỏ rơi muốn biết về quá khứ của chúng là một quyền vô cùng cơ bản. Ngày càng nhiều những người như tôi trở về quê hương để tìm câu trả lời cho thân thế của mình và xã hội Hàn Quốc nên thay đổi, cho phép chúng tôi, những nỗi xấu hổ của cha mẹ ruột, được biến thành sự hòa giải và tha thứ" - Kara chia sẻ.

(Nguồn: NY Times)