Bác sĩ Phạm Văn Hoàng,
Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ điều này trong hội nghị “Mối
nguy hiểm của kháng thuốc” do Sở Y tế TP.HCM tổ chức.
Tự đoán bệnh và “kê đơn”: Cha mẹ đang coi thường sức khỏe của con
Cụ thể, nhiều người Việt
có thói quen thường xuyên ra tiệm thuốc mua kháng sinh về sử dụng khi mắc bệnh.
Đáng chú ý, họ thường không mua theo toa mà tự đoán bệnh và “kê đơn” cho chính
mình theo thói quen, thay vì đi khám và có chỉ định từ bác sĩ. Hành động này
thường xuất phát từ nguyên nhân muốn tiết kiệm thời gian, tiền bạc hay sợ phiền
phức, đau đớn. Theo thống kê từ Nhóm nghiên cứu Quốc gia Việt Nam (GARP), có đến
78% kháng sinh được mua tại nhà thuốc tư nhân mà không cần kê đơn, một con số
đáng báo động.
Trong số này, thành phần
các bậc phụ huynh tự đi mua kháng sinh về cho con uống khi thấy con có triệu chứng
mắc những căn bệnh thông thường như sốt, ho, sổ mũi, tiêu chảy… chiếm tỉ lệ
không nhỏ. Nhiều bà mẹ có thói quen "thích gì mua nấy", tự chỉ định loại thuốc
cho con. Có người kỹ hơn một chút thì mua lại theo toa thuốc cũ (dù chưa biết
chính xác bệnh tình hiện tại của con) hoặc nhắn tin hỏi nhân viên y tế mà mình
quen biết (khám qua điện thoại) thay vì đem con đi khám trực tiếp. Ngoài ra, không
thể không nhắc đến một bộ phận nhân viên y tế tại các hiệu thuốc cũng có thói
quen bán thuốc kèm kháng sinh, cho kháng sinh theo kinh nghiệm.
Cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ
Hậu quả của việc lạm dụng
kháng sinh, sử dụng kháng sinh không thích hợp là tình trạng kháng thuốc ngày
càng trầm trọng, nhất là với trẻ nhỏ. Trong đó, các bệnh lý về hô hấp và tiêu
hóa rất dễ xuất hiện kháng thuốc.
Với bệnh lý về hô hấp, trẻ bị kháng thuốc nhẹ thì bệnh lâu hết, nặng có thể gây ra viêm phổi. Ở những bệnh lý tiêu hóa (như tiêu chảy cấp), việc người mẹ cho con uống kháng sinh một cách tuỳ tiện có thể làm phát sinh các chủng vi khuẩn kháng thuốc trong ruột, dẫn đến phải sử dụng kháng sinh mạnh hơn. Nếu bệnh lý của trẻ nặng thậm chí có thể gây ra tiêu chảy cấp nặng và nhiễm trùng huyết…
Khảo sát thực tế tại
các nhà thuốc trên địa bàn thành phố, việc mua và sử dụng kháng sinh tràn lan,
tuỳ tiện gần như diễn ra hằng ngày hằng giờ. Chị Trang, một người bán thuốc tư
nhân tại quận Bình Thạnh cho biết: “Mỗi
ngày có hàng chục người đến tiệm của tôi mua kháng sinh một cách vô tội vạ. Tội
nhất là con nít, tôi từ chối bán thì bị các bà mẹ chửi te tua. Họ cho là mình
không biết bán, vẽ chuyện đi bác sĩ để họ phải tốn tiền”.
Không khó để tìm ra những
trường hợp lãnh hậu quả từ việc sử dụng kháng sinh theo kiểu “bạ đâu mua đó”.
Thấy con trai đang học
lớp 7 có triệu chứng nóng, sổ mũi, ho có đàm, theo kinh nghiệm mua thuốc trước
đó, chị Phượng ra nhà thuốc tự mua 9 viên Amoxcilin 500 mg (loại kháng sinh
dùng trong tai mũi họng), 9 viên Dexamethason 5mg (kháng viêm) về cho con uống.
3 ngày sau thay vì hết bệnh, con chị Phượng chỉ hạ sốt nhẹ, sổ mũi, ho có đàm
có dấu hiệu nặng hơn. Hậu quả là sau đó người mẹ phải quay lại nhà thuốc để đổi
loại kháng sinh mạnh hơn sau khi có sự tư vấn từ dược sĩ.
Với trường hợp của chị
Vân ở Thủ Đức, trong một lần con gái 6 tuổi của chị đi khám bệnh viêm họng phải
đi khám, được bác sĩ cho toa thuốc (gồm các loại kháng sinh Cefaclor, Solupred,
Exomux, Theralen). Thấy con uống hiệu quả nên từ đó cứ mỗi lần đứa bé tái bệnh,
chị lại lấy toa thuốc cũ ra tiệm mua mà không thèm đi khám. Cách đây ít ngày, như
thói quen chị lại ra hiệu thuốc mua theo toa này khi thấy con ho. Kết quả là ho
không giảm lại thêm sốt nặng, hai vợ chồng chị phải chở con đi nhi đồng cấp cứu
trong đêm.
Hậu quả của việc sử dụng kháng sinh tuỳ tiện dẫn đến kháng thuốc là việc bệnh biến chứng nặng hơn, phải nhập viện. (Ảnh minh hoạ).
Trước tình hình kháng
thuốc diễn ra ngày một phức tạp, BS Hoàng cảnh báo các bậc phụ huynh không nên
tự ý dùng kháng sinh cho trẻ. Thay vào đó, khi trẻ mới phát bệnh thông thường,
các ông bố, bà mẹ vẫn có thể chăm sóc tại nhà như cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống
đầy đủ, vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Nếu trẻ bị sốt, có thể dùng thuốc hạ sốt thông
thường, nếu bị ho thì dùng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược.
Khi bệnh có dấu hiệu nặng hơn (như trẻ bứt rứt, mệt mỏi, sốt cao liên tục, khó thở hay thở mệt, tiêu chảy nhiều lần không hết…), phụ huynh phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời và đúng cách.