Hãy nói lời yêu tập 21 lên sóng VTV3 tối 24/6 là một cú sốc lớn dành cho khán giả. Trong tập này, nhân vật Minh (Quang Anh) - cậu con trai thứ của bà Hoài (Nguyệt Hằng) đã uống thuốc ngủ tự tử vì không chịu được những áp lực mà mẹ dồn lên mình.
Sau khi tập phim lên sóng, mạng xã hội tràn ngập những bình luận bàng hoàng, xót xa, thậm chí là không dám tin vào sự thật của khán giả. Nhiều người ước rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng của ai đó. Người ta còn đi tìm preview tập 22 để ước mong một câu chuyện tươi sáng hơn.
Nhưng tiếc rằng, tất cả đều là sự thật. Có những sự thật trần trụi và tàn nhẫn đến như vậy, khiến chúng ta dù không muốn cũng phải đối diện. Cũng giống như không phải sai lầm nào cũng có thể sửa chữa được, giống như sai lầm của ông bố, bà mẹ trong Hãy nói lời yêu. Họ chỉ có thể nghĩ về nó như một nỗi ám ảnh và day dứt theo mình suốt cả cuộc đời.
Hãy nói lời yêu: Ngoại tình là nguồn cơn của mọi bất hạnh
Sau cái chết của Minh, nhân vật bà Hoài hẳn nhiên bị khán giả trách cứ nhiều nhất. Người ta cho rằng mọi bi kịch trong cuộc đời cậu bé đều do người mẹ sĩ diện, ảo tưởng, mê thành tích của mình gây ra. Nhưng nhìn một cách sâu xa, bà Hoài có lẽ đã không trở nên điên cuồng, mất kiểm soát như vậy nếu không có vụ ngoại tình của ông Tín.
Chẳng có vụ ngoại tình nào đúng đắn, cho dù nó nhân danh tình yêu hay bất cứ thứ gì khác trên đời. Vụ ngoại tình của ông Tín trong Hãy nói lời yêu cũng vậy. Và sự thật thì không phải bà Hoài không tha thứ cho chồng. Một người ghê gớm, độc đoán, sĩ diện như bà Hoài cũng đã một lần mở lòng mình, chấp nhận vì gia đình mà cho ông Tín thêm một cơ hội nữa.
Nhưng ông Tín đã không dừng lại. Ông tiếp tục qua lại với Trâm, khiến lòng tin trong bà Hoài sụp đổ. Khi biết chồng làm nhân tình có thai, bà Hoài lại đón nhận thêm tin My cũng trở thành tiểu tam. Là một người tôn thờ chủ nghĩa hoàn hảo, khi mọi giấc mơ mà mình tạo dựng, mọi hình tượng mà mình tô vẽ đều trở nên tan tành, bà Hoài đành phải dồn mọi hy vọng vào thứ duy nhất còn đẹp đẽ, chưa bị cuộc đời làm cho méo mó, đó chính là Minh, cậu con trai giỏi giang, luôn khiến bà tự hào.
Trong đoạn preview tập 22, chính ông Tín, khi gặp lại Trâm sau bi kịch gia đình, đã phải thú nhận một điều rằng: "Em có biết khó khăn của anh là gì không? Là anh không tha thứ cho chính bản thân mình. Chuyện của anh và em là nguồn cơn cho mọi nỗi đau này. Vì chúng ta mà Hoài đã tổn thương, cũng đã vì tổn thương mà làm đau con cái của chính mình".
Thế nên, xem Hãy nói lời yêu, chắc hẳn những ông chồng, bà vợ đang "ngấp nghé" ngưỡng ngoại tình, đã hoặc đang làm điều gì sai trái với gia đình mình, hẳn sẽ có nhiều điều suy ngẫm và những bài học cảnh tỉnh.
Hãy nói lời yêu: Khi yêu thương sai cách...
Xem Hãy nói lời yêu, khán giả rùng mình với một nhân vật bà mẹ quá đáng sợ như bà Hoài. Nhiều người cho rằng bộ phim đang làm quá lên. Người ta không thể tin đâu đó ngoài kia, có những người mẹ vì áp lực thành tích, vì sĩ diện, vì ảo tưởng... mà gây ra những bi kịch đau lòng cho con mình như thế.
Nhưng thực tế, chắc hẳn có rất nhiều ông bố bà mẹ đang xem phim mà rùng mình nghĩ tới bản thân, có thể chưa đến nỗi "điên cuồng" như bà Hoài, nhưng chắc chắn có không ít người tìm thấy một phần câu chuyện của mình trong đó.
Họ là những ông bố, bà mẹ, vì luôn nghĩ mình đã đủ trải đời, đủ trưởng thành và sâu sắc, đủ khôn ngoan để biết tốt xấu nên mới phải áp đặt thứ quan niệm tốt, xấu ấy lên các con mình. Với họ, con cái luôn là những đứa trẻ non nớt, thiếu kinh nghiệm, không hiểu chuyện. Thế nên trách nhiệm của người làm bố làm mẹ là phải định hướng, hoặc nếu định hướng không được thì ép buộc, để con cái không đi sai đường.
Giá như bà Hoài không ép buộc, không áp đặt, thì có lẽ My đã không mang trong mình khát khao bùng nổ, vượt ra khỏi sự kìm kẹp của mẹ như thế. Giá như bà Hoài không áp đặt, không cấm cản, thì có lẽ Minh đã mang trong mình một tư tưởng thoải mái hơn, và không thi trượt, để rồi dẫn tới loạt bi kịch về sau.
Họ cũng là những ông bố, bà mẹ luôn nhân danh tình yêu để làm mọi việc mình cho là đúng, là tốt với con mình, và rồi bao biện, vì yêu con nên mới làm thế. Bản thân bà Hoài luôn đặt ra câu hỏi, mình có gì sai? Bà có gì sai khi yêu con và muốn con học hành giỏi giang, đỗ đạt để sau này ra đời được công thành danh toại? Bà có gì sai khi muốn con chơi với bạn tốt để học được những điều tốt? Bà đã dành cả đời mình để chăm lo cho gia đình, để được nở mày nở mặt với thiên hạ. Bà làm tất cả những điều ấy, chẳng phải vì tình yêu hay sao? Mà tình yêu, thì làm sao mà sai được?
Đúng, yêu thương thì không bao giờ sai, chỉ có cách yêu thương là không phải lúc nào cũng đúng. Bà Hoài yêu con, nhưng cách mà bà "trút" tình yêu ấy lên My, lên Minh khiến người ta sợ hãi, còn các con bà cũng không thể nào cảm được thứ tình yêu ấy. Cách yêu thương "cho roi cho vọt", cách yêu thương mà trở thành kìm kẹp, "nuôi nhốt" con như bà Hoài đã khiến những đứa trẻ ngộp thở.
Chính vì chứng kiến cách "yêu" của bà Hoài với My, mà Minh đã sống suốt bao năm trời như một cái bóng. Cậu không dám vùng lên như chị gái, gọi dạ bảo vâng, kiễn nhẫn chịu đựng, lặng im mà sống, chỉ mong mẹ không "động" đến mình. Thế nhưng cuối cùng, cậu bé cũng không "thoát" được...
Cái chết của Minh - sự tàn nhẫn của biên kịch hay sự dũng cảm của ê kíp Hãy nói lời yêu?
Hầu hết các bộ phim truyền hình nhiều năm trở lại đây đều lựa chọn cho mình một đoạn kết an toàn, có hậu. Có những nhân vật bị "bay màu" trên phim, nhưng thường xuyên là do bạo bệnh, do phải trả giá vì một điều gì đó. Cũng có những cái chết khiến người xem bàng hoàng, đau đớn, nhưng nó không gây ám ảnh như sự ra đi của cậu bé Minh trong Hãy nói lời yêu.
Có lẽ với những khán giả xem phim truyền hình, sẽ rất lâu để họ quên đi khoảnh khắc Minh ôm quả bóng nằm xuống giường, rồi không bao giờ tỉnh lại nữa. Khán giả sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc bà Hoài ngồi bên xác con, vẫn thao thao bất tuyệt về chuyện đưa con đi bác sĩ tâm lý. Bà cho rằng vì con gặp vấn đề về tâm lý nên mới "đi chệch quỹ đạo" như thời gian vừa qua. Bà muốn con tâm lý phải vững, thì mới thi đỗ thủ khoa đại học được.
Cho đến phút cuối cùng, bà Hoài vẫn ảo tưởng, vẫn mê thành tích, vẫn áp đặt, mà không biết rằng, đứa trẻ nằm bên cạnh mình đã ra đi từ lâu.
Khán giả kêu gào biên kịch quá tàn nhẫn, đạo diễn quá nhẫn tâm. Người ta đặt câu hỏi tại sao không cho Minh đi cấp cứu rồi tỉnh lại, hoặc giả như Minh chỉ bị tâm thần thôi, cậu bé sẽ được đưa đi chữa trị, rồi bà Hoài, ông Tín sẽ nhận ra mình sai...
Nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi, ngoài đời kia đã có bao nhiêu vụ việc còn thương tâm hơn vậy? Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ những câu chuyện ám ảnh mình đọc trên báo chí, những câu chuyện mà cứ thi thoảng lại xảy ra, khiến dư luận đau lòng.
Thế nên, cái chết của Minh, là sự tàn nhẫn, hay dũng cảm? Biên kịch, đạo diễn và những người làm nên Hãy nói lời yêu thực sự đã dũng cảm khi dám đưa vào phim một tình tiết quá sức bi kịch, nhưng cũng "đời" đến nhức nhối. Nó giống như một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc gửi tới các bậc làm cha làm mẹ. Rằng hãy biết dừng lại đúng lúc. Hãy chịu nhìn nhận cái sai của bản thân! Hãy chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình và các con, và hãy nói lời yêu đúng cách!
Hãy nói lời yêu
- Tâm lý, gia đình
- 45 phút
- 15/04/2021
Hãy nói lời yêu xoay quanh gia đình của hai vợ chồng ông Tín và bà Hoài. Hai người có với nhau một cô con gái là Hoàng My và một cậu con trai là Hoàng Minh. Bên ngoài, đây là gia đình khiến nhiều người ngưỡng mộ nhưng ẩn sâu vỏ ngoài giả tạo ấy lại là những mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, thậm chí còn có cả bạo lực. Ông Tín - bà Hoài chỉ vì nghĩ đến thể diện của mình mà áp đặt lên con cái, can thiệp một cách quá đáng cuộc sống của con, khi con cái phản kháng thì họ dùng đến vũ lực. Từ lối sống và cách dạy bảo của bố mẹ, Hoàng My luôn mất niềm tin và hành trình trưởng thành của cô cũng đầy rẫy những sóng gió.