Chúng ta từ nhỏ đã dạy con cái phải sống tử tế, nhân hậu, nhưng trong xã hội ngày nay, có bao nhiêu đứa trẻ và cả người lớn, vì quá tốt bụng mà rơi vào tình huống nguy hiểm?
Điều này không có nghĩa là cha mẹ nên mặc con sống vô tâm, nhưng ít nhất, hãy dạy trẻ rằng trong 4 trường hợp sau đây, đừng bao giờ làm người tốt.
1. Khi con yếu thế, còn người khác mạnh hơn
Có một câu chuyện về bà mẹ đến trường đón con muộn. Một kẻ bắt cóc đã lợi dụng cơ hội này, tìm cách dụ dỗ đứa trẻ. Hắn nói: "Này, bạn nhỏ, chú làm mất đồ trong nhà vệ sinh, cháu có thể giúp chú đi tìm không?". Hắn muốn dẫn đứa trẻ đến nhà vệ sinh để đồng bọn có thể hành động. Tuy nhiên, đứa trẻ kiên quyết từ chối, và không chút do dự chạy ngay đến thầy cô giáo báo cáo. Khi giáo viên báo cảnh sát, nhóm bắt cóc đã bị bắt.
Đứa trẻ này cho biết: "Mẹ đã dạy rằng, nếu có người lớn yêu cầu mình giúp đỡ, phải cẩn thận, vì nếu một người lớn gặp khó khăn, họ sẽ tìm đến người khác lớn hơn hoặc mạnh hơn để giúp, chứ không phải nhờ đến trẻ em".
Nếu con là người yếu thế và người khác mạnh hơn lại yêu cầu giúp đỡ, thì rất có thể họ có âm mưu xấu. Lúc này, hãy "cất" đi sự nhân hậu của mình!
2. Tránh vào những không gian kín đáo
Một hôm, trời mưa to, người phụ nữ mang thai nhìn thấy một người ăn xin đứng ngoài trời, không đành lòng, cô đã mời ông ta vào nhà trú mưa. Người ăn xin cảm ơn rồi vào nhà, ăn xong, ông ta phát hiện chỉ có mình người phụ nữ ở nhà. Ông ta bắt đầu đe dọa, yêu cầu cô phải đưa một khoản tiền.
Trong không gian kín đáo chỉ có hai người, người phụ nữ đã mất đi khả năng thương lượng, và để tránh bị tổn thất nặng hơn, đành phải đưa cho ông ta một khoản tiền lớn.
Khi ở một nơi kín đáo, không có người thứ ba giám sát, rất khó để đoán trước người khác sẽ làm gì. Họ có thể tỏ ra hiền lành và lịch sự khi ở ngoài, nhưng khi ở trong một không gian khép kín, nơi mà bạn yếu thế, bạn chỉ có thể chịu sự thao túng.
Do đó, giúp đỡ người khác là tốt, nhưng hãy tránh để mình rơi vào những tình huống kín đáo không có sự giám sát!
3. Thiện tâm đôi khi lại gây họa
Có một câu chuyện nổi tiếng về những du khách đến tham quan khu bảo tồn động vật hoang dã ở Tây Tạng (Trung Quốc). Một con linh dương nhỏ tiến lại gần họ, các du khách thấy nó đáng yêu, lập tức vây quanh, vứt đồ ăn và nước uống cho nó. Nhưng người quản lý khu bảo tồn lập tức chạy đến, đuổi con linh dương đi và khuyến cáo các du khách: "Đừng làm vậy!". Những người này ngạc nhiên hỏi: "Chúng tôi chỉ muốn giúp đỡ động vật thôi mà!".
Người quản lý trả lời: "Các bạn không hiểu sao? Nếu quá thân thiện với động vật hoang dã, chúng sẽ nghĩ con người đều nhân hậu. Khi gặp phải kẻ săn trộm, chúng sẽ dễ dàng bị bắt".
Du khách lúc này mới hiểu ra, những hành động tưởng chừng như thiện tâm có thể tạo ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không hiểu rõ hoàn cảnh. Đừng để lòng tốt của mình trở thành công cụ cho kẻ xấu lợi dụng.
4. Lòng tốt phải có giới hạn
Ngày xưa, có hai gia đình là hàng xóm. Gia đình A khá giàu có, còn gia đình B nghèo khó. Một năm, gia đình B mất mùa, không còn gì để ăn. Thấy vậy, gia đình A quyết định giúp đỡ, gửi cho gia đình B một đấu gạo, cứu giúp họ trong lúc khó khăn. Gia đình B vô cùng cảm kích.
Tuy nhiên, khi vượt qua khó khăn, gia đình B lại cảm thấy số gạo A cho không đủ để họ tái sản xuất vào năm sau. Họ nghĩ rằng, với sự giàu có của gia đình A, nếu cho thêm một ít nữa thì cũng không ảnh hưởng gì. Khi gia đình A chỉ gửi thêm một ít nữa, gia đình B cảm thấy không hài lòng và cho rằng họ đã bị "lừa". Điều này dẫn đến mối quan hệ giữa hai gia đình trở nên căng thẳng, và trở thành kẻ thù.
Lần đầu tiên giúp đỡ, người nhận sẽ cảm kích vô cùng. Nhưng khi sự giúp đỡ diễn ra nhiều lần, sự cảm kích sẽ giảm dần, và khi không còn nhận được sự giúp đỡ nữa, họ sẽ cảm thấy tức giận và coi đó là điều hiển nhiên. Lòng tốt của bạn có thể sẽ bị coi là nghĩa vụ, và bạn sẽ phải gánh chịu sự thất vọng.
Do đó, lòng tốt của con người phải có giới hạn. Khi một người chỉ biết nhận mà không có sự nỗ lực, đừng ngần ngại dừng lại và bảo vệ quyền lợi của mình.