Cụ thể, Năm 2017, theo thông báo số 136 ngày 7/3/2017, do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) ký đã xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của trường Đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII.

Nơi nhận của các thông báo này là trường Đại học Đông Đô, Bộ trưởng bộ GD&ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục Đại học, Thanh tra bộ GD&ĐT.

Vào các năm 2015, 2016 bộ GD&ĐT cũng xác nhận việc này. Cụ thể, theo thông báo số 173 ngày 1/4/2015 cũng của vụ Kế hoạch Tài chính do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký gửi trường đại học Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cho thấy đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của trường này là 500.

Hé lộ bằng chứng việc bộ GD&ĐT “tiếp tay” cho đại học Đông Đô cấp bằng sai quy định - Ảnh 1.

Hiệu trưởng đại học Đông Đô đã có những sai phạm nghiêm trọng.

Đến năm 2016, trong thông báo số 68 ngày 24/2/2016, vụ Kế hoạch Tài chính cũng xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 của trường đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này cũng do Phó Vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký.

Ấy vậy mà trong thông cáo gửi tới một số ít báo ngày 17/8/2019 từ phía trung tâm Truyền thông, bộ GD&ĐT lại “quên” việc này. Cụ thể, thông cáo nói: “Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2. Từ năm 2016 đến năm 2018, trường đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy”.

Hé lộ bằng chứng việc bộ GD&ĐT “tiếp tay” cho đại học Đông Đô cấp bằng sai quy định - Ảnh 2.

Bộ GD&ĐT xác nhận chỉ tiêu đào tạo Văn bằng 2 của đại học Đông Đô.

Theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 - VB2), việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo VB2.

Hiện nay, mọi văn bản của bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo văn bằng 2 đều được lưu trữ theo quy định về lưu trữ tại Văn phòng bộ GD&ĐT (trừ các cơ sở giáo dục đại học là thành viên của 02 đại học Quốc gia, 03 đại học Vùng và 23 cơ sở giáo dục đại học được phép thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017).

Theo quy định thực hiện công khai đối với cơ sở GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ban hành tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT và thay thế tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phải thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở GD&ĐT theo quy định của pháp luật.

Cụ thể: Công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng; và công khai thu chi tài chính. Đối với công khai hoạt động đào tạo theo nhiệm vụ được giao, trong đó có VB2 là quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện (điểm h mục 1 Điều 7).

Khoản 3 Điều 5 Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định: “Trách nhiệm xã hội của trường đại học thể hiện ở các hoạt động: Báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết…”.