Hé lộ lý do khiến bà Thảo bật khóc sau phiên tòa ly hôn và thốt lên Bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi - Ảnh 1.

Theo phán quyết này, bất động sản sẽ được chia đôi, ông Vũ giữ khối bất động sản trị giá 350 tỷ đồng còn bà Thảo giữ khối bất động sản trị giá 375 tỷ đồng. Bà Thảo sẽ phải trả ông Vũ phần chênh lệch khoảng hơn 12 tỷ đồng.

Tiền, vàng được tòa xác định có giá trị 1.764 tỷ đồng và Trung Nguyên có giá trị 5.737 tỷ đồng. Tòa phán quyết đây đều là tài sản chung giữa 2 vợ chồng và đều đem ra chia với tỷ lệ ông Vũ 60% và bà Thảo 40%. Ông Vũ được nhận nhiều hơn bà Thảo do tòa xem xét yếu tố đóng góp của ông Vũ.

Với tỷ lệ 60-40, giá trị tài sản thực tế mà ông Vũ được chia là 4.863 tỷ đồng (đã bao gồm bất động sản), trong khi ông Vũ đang sở hữu 6.087 tỷ đồng.

Trong khi đó, bà Thảo được chia 3.363 tỷ đồng, trong khi đang sở hữu 2.139 tỷ đồng. Cũng theo phán quyết của tòa, bà Thảo phải giao toàn bộ cổ phần tại Trung Nguyên cho ông Vũ và nhận lại tiền với giá trị tương ứng. Vì vậy, ông Vũ sẽ phải chuyển cho bà Thảo lượng tiền mặt trị giá lên tới hơn 1.200 tỷ đồng.

Hé lộ lý do khiến bà Thảo bật khóc sau phiên tòa ly hôn và thốt lên Bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi - Ảnh 2.

Sau khi tòa tuyên án 60-40, bà Thảo nói với các phóng viên: "Bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi" và lập tức rời khỏi tòa ra về.

Về kết quả tuyên án vụ ly hôn này, không ít ý kiến cho rằng bà Thảo "thua" trắng tay đối với sở hữu tại tập đoàn Trung Nguyên.

Lý do thứ 1: Ông Vũ được chia 60%, bà Thảo chỉ được 40%.

Một dẫn chứng cụ thể là vụ ly hôn giữa nhà sáng lập tập đoàn Amazon và vợ, số tài sản chung được tòa phân xử theo tỷ lệ 50/50. Lượng tài sản 100 tỷ USD này vẫn được chia đôi dù Amazon do Jeff Bezos sáng lập và tạo dựng, vợ ông chỉ đóng vai trò hậu phương phía sau và không tham gia và việc kinh doanh.

Tuy nhiên theo pháp luật Việt Nam có điều khoản xem xét nên trong phiên xét xử hôm qua chủ tọa phiên tòa có đề cập như sau: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã sáng lập ra Công ty Trung Nguyên nhờ việc bố mẹ bán nhà để làm vốn. Như vậy về mặt công sức đóng góp do chính gia đình ông Vũ và ông Vũ trực tiếp đóng góp từ ngày đầu. Trải qua các giai đoạn phát triển ông Vũ luôn giữ vai trò lãnh đạo Trung Nguyên. Đây là căn cứ để đánh giá công sức của hai vợ chồng trong khối tài sản chung.

Tòa xét thấy công sức đóng góp của ông Vũ nhiều hơn, do đó cần chia cho ông Vũ nhiều hơn, chia tỷ lệ 6/4 để thỏa đáng cho các bên đương sự.

Lý do thứ 2: Giá trị định giá tập đoàn Trung Nguyên.

Theo quyết định của tòa, định giá toàn bộ tập đoàn Trung Nguyên là 5.700 tỷ. Tuy nhiên một số chuyên gia tài chính cho rằng giá này có thể phản ảnh không đúng giá trị thị trường của tập đoàn Trung Nguyên.

Cách định giá doanh nghiệp bằng cách định giá từng tài sản chỉ áp dụng khi doanh nghiệp đã "chết". Phương pháp định giá công ty cổ phần theo tài sản có ưu điểm là đơn giản, dễ tính toán, không phức tạp trong việc xử lý và xác định giá trị còn lại của tài sản. Các công thức được sử dụng đều đơn giản. Phương pháp này chỉ phản ánh trực quan giá trị các tài sản hiện có của doanh nghiệp theo giá trị hiện hành tại thời điểm định giá hoặc theo giá trị sổ sách mà doanh nghiệp đã ghi chép.

Hé lộ lý do khiến bà Thảo bật khóc sau phiên tòa ly hôn và thốt lên Bản án quá bất công với mẹ con chúng tôi - Ảnh 3.

Đối với những công ty cổ phần có thương hiệu và đang kinh doanh có lãi, có thị phần trên thị trường, phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) được xem là cách tính chính xác hơn. Theo đó phương pháp này được xác định dựa trên cơ sở thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp. Cách tính này được coi là sẽ làm chính xác hơn giá trị của các công ty đang hoạt động có hiệu quả và khả năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, bảo hiểm...

Việc áp dụng phương pháp này cũng sẽ giải quyết được một phần các vướng mắc trong việc xác định lợi thế thương mại của doanh nghiệp, tạo độ chính xác của giá trị doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị đang làm ăn có lãi, thương hiệu và thị phần trên thị trường.

Như vậy, nếu áp dụng phương pháp DCF, giá trị tài sản Trung Nguyên có thể lớn hơn con số 5.700 tỷ đồng. Giá trị này càng lớn thì với phán quyết giao lại toàn bộ cổ phần của bà Thảo tại Trung Nguyên cho ông Vũ quản lý đồng thời ông Vũ thanh toán lại tiền chênh lệch theo căn cứ 5.700 tỷ đồng thì phần thua của bà Thảo càng lớn.

Tuy nhiên thực tế căn cứ định giá tài sản của tòa được thực hiện theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và khác với cách định giá công ty trong giới tài chính. Cụ thể:

"Điều 104. Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản

1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp.

2. Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án.

Việc thẩm định giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.

Đồng thời tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch Số: 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC có quy định :

"2. Việc định giá tài sản được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật, thực trạng của tài sản; phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản tại thời điểm định giá."

Như vậy, khi ly hôn các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc Tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản trong một số trường hợp nhất định. Việc định giá tài sản là đất dựa trên bảng giá đất với từng loại đất của từng địa phương. Các tài sản khác thì việc định giá dựa trên thực trạng của tài sản đó và phù hợp với giá thị trường tại thời điểm ly hôn.

Lý do thứ 3: Phần của ông Vũ là cổ phần, còn phần của bà Thảo là tiền.

Từ phương pháp định giá tài sản được cho rằng chưa chính xác với giá trị của tập đoàn Trung Nguyên nên quyết định chia cổ phần cho ông Vũ, tiền với bà Thảo có thể xem là lý do khiến bà thấy bất công. Theo đó ngoài việc chênh lệch về giá trị, việc sở hữu cổ phần tại Trung Nguyên còn đem lại những ích tài chính về tương lai mà tiền không có được là cổ tức khi tập đoàn này kinh doanh tốt.