Theo nhiều chuyên gia, trong những năm gần đây, những ca sinh đầy rủi ro xuất hiện nhiều hơn ở các bệnh viện (BV) sản tuyến trên có nguyên nhân ít nhiều từ những lựa chọn sản khoa sai lầm trong quá khứ.
Nguy cho mẹ lẫn con
“Trong tử cung của sản phụ, ngoài thai còn có các phần phụ như nước ối, dây rốn, bánh nhau… Trong đó, bánh nhau là nơi chất dinh dưỡng được trao đổi từ mẹ sang con. Những bất thường sẽ khiến sự trao đổi chất không còn tốt, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai. Điều này còn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng sản phụ nếu không được can thiệp đúng cách” - bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Từ Dũ, phân tích.
Một số bất thường có thể gặp là nhau tiền đạo, nhau bám vết mổ cũ, nhau bong non, nhau cài răng lược, xuyên cơ tử cung… “Nguy hiểm lớn nhất là băng huyết. Ví dụ sản phụ bị nhau tiền đạo, tức nhau bám ngay đường ra của em bé, khi sinh có thể chảy đến 700 ml máu trong vòng 1 phút, khả năng tử vong rất cao nếu thai phụ không được chẩn đoán trước để chuẩn bị sinh ở BV lớn, có đủ nguồn lực, nguồn máu. Thậm chí ngay cả ở một BV đầy đủ phương tiện thì tình trạng băng huyết vẫn được xem là ca sinh nhiều thách thức. Nếu nhau tiền đạo xuyên cơ tử cung hay bám vào sẹo mổ, cuộc mổ có thể kéo dài gấp 3-4 lần nhau tiền đạo bình thường, tức trong vài giờ. Và càng khó khăn hơn nếu nhau ăn vào bàng quang, mạch máu vùng chậu, niệu quản…” - BS Hải cho biết.
Hệ quả của phá thai, sinh mổ
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, trong các bất thường trên thì nhau bám vết mổ cũ đang gia tăng khá mạnh và có liên quan chặt chẽ tới việc thai phụ chuộng sinh mổ trong những năm vừa qua. “Nhau bám vết mổ cũ rất nguy hiểm. Trước nhất, nó thường bám vào phần eo tử cung, tức nơi có sẹo mổ cũ và gần ngay “lối ra” tự nhiên của bào thai thay vì bám đúng chỗ trong lòng tử cung. Nhau bám vào vị trí này sẽ khiến bào thai dễ sẩy, nếu tránh được cũng không phát triển tốt do vùng cơ tử cung ở đây mỏng, mô sẹo không tốt như mô thường. Khi nhau đã bám vào sẹo mổ thì dù là sinh, phá thai hay lấy thai lưu đều có nguy cơ bị băng huyết nặng, ngay cả khi phá thai nội khoa (bằng thuốc). Nếu thai sẩy tự nhiên, không cấp cứu kịp thời thì càng nguy hiểm. Dạng thai này được xếp vào nhóm thai ngoài tử cung, nguy cơ cực kỳ cao cho sản phụ” - BS Thông lưu ý.
Thai kỳ trên một tử cung đã có sẹo luôn được xếp vào dạng thai kỳ nguy cơ cao, một phần chính là vì nhau thai có xu hướng bám vào những vị trí “có dấu vết” trong tử cung. “Ngoài sinh mổ thì phá thai thường xuyên, phá thai không an toàn, phá thai lớn cũng là những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến bất thường nhau thai. Càng nhiều thủ thuật để lại dấu vết trong buồng tử cung, nguy cơ bất thường càng cao. Đừng lầm tưởng phá thai nội khoa nhiều lần thì không sao. Dù dùng thuốc, tử cung vẫn “xấu” đi dần sau mỗi lần phá thai ” - BS Thông nhấn mạnh.
BS Thông cũng khuyến cáo việc sinh thường hay sinh mổ nên để BS quyết định. Nhiều thai phụ vì sợ đau, chọn ngày tháng, sợ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt tình dục… nên nhất quyết sinh mổ. Tuy nhiên, sản phụ khi sinh mổ vẫn phải đối diện với những rủi ro của phẫu thuật, tình trạng đau đớn kéo dài sau mổ, biến những thai kỳ sau thành thai kỳ nguy cơ cao. So với sinh mổ thì sinh thường còn giúp em bé ra đời có sự hô hấp tốt hơn do cơ chế tự nhiên của cơ thể người mẹ khi đẩy bé ra, giảm nguy cơ sang chấn lúc sinh… Nhiều sản phụ sợ âm đạo bị giãn rộng sau sinh thường nhưng thực ra đến mức ảnh hưởng tới quan hệ tình dục thì ít gặp, nhất là khi phụ nữ ngày nay chỉ sinh 1-2 con. Nếu thực sự “có vấn đề” thì vẫn có thể khắc phục bằng tiểu phẫu đơn giản.
TP HCM: Tỉ lệ sinh mổ và phá thai cao
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, các thống kê cho thấy tại TP HCM, tỉ lệ thai phụ sinh mổ lên đến 40%-50%, thậm chí là 80%-90% ở các BV tư. Đây là một tỉ lệ cao, có xu hướng tăng và cho thấy có sự lựa chọn nghiêng về phương pháp sinh mổ bởi lẽ số ca bất thường và buộc phải mổ khó cao đến thế. Theo một báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM trong tháng 7 vừa qua, tỉ lệ nạo phá thai tại TP trong năm 2013 lên đến 52,39 ca/100 ca sinh sống.