img

LVMH lao đao, Hermès lên ngôi

LVMH, tập đoàn đứng sau Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co., và chuỗi mỹ phẩm Sephora, chứng kiến cổ phiếu giảm mạnh 7% sau báo cáo doanh thu quý đầu tiên đáng thất vọng. Doanh số của LVMH giảm 3%, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng tăng trưởng 2% của các nhà phân tích. Kết quả là vốn hóa thị trường của tập đoàn tụt xuống còn 246 tỷ euro (khoảng 278 tỷ USD), trong khi Hermès đạt mức 247 tỷ euro (khoảng 279 tỷ USD), chính thức chiếm ngôi vương.

Sự sụt giảm này đến từ việc người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu cho mỹ phẩm và rượu cognac, trong khi thị trường Trung Quốc – động lực tăng trưởng lớn – vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ. Ngược lại, Hermès, với các sản phẩm như túi Birkin và Kelly có giá khởi điểm 10.000 USD, lại gần như “miễn nhiễm” với biến động kinh tế. Lý do đến từ đâu?

Hermès vượt qua LVMH, trở thành công ty xa xỉ phẩm giá trị nhất thế giới- Ảnh 1.

Vì sao Hermès vượt mặt LVMH?

Jelena Sokolova, nhà phân tích cổ phiếu cấp cao tại Morningstar, cho rằng sự khác biệt này bắt nguồn từ chiến lược kinh doanh. Hermès trung thành với khách hàng cao cấp – những người siêu giàu sẵn sàng chi hàng chục nghìn USD cho một chiếc túi thủ công. Nhóm này gần như không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hay biến cố như thuế quan, lạm phát. Họ mua túi Hermès không chỉ để dùng mà còn để đầu tư, vì giá trị của Birkin hay Kelly thường tăng theo thời gian, đôi khi vượt cả vàng hay bất động sản.

Ngược lại, LVMH, với hơn 70 thương hiệu từ rượu vang Moët & Chandon đến túi Louis Vuitton giá vài nghìn USD, đã mở rộng mạnh sang phân khúc xa xỉ bình dân và khách hàng tầm trung. Đây là những người hào hứng mua sắm khi kinh tế thuận lợi, nhưng cũng là nhóm đầu tiên “đóng ví” khi có biến cố. “ Khi tiền bạc eo hẹp, khách tầm trung sẽ ngừng mua túi Louis Vuitton hay son Dior trước tiên, còn giới siêu giàu vẫn xếp hàng dài chờ túi Birkin.” - Sokolova phân tích.

Hermès còn kiểm soát chặt sản lượng, chỉ tăng sản xuất 6-7% mỗi năm để giữ tính độc quyền. Trong khi đó, LVMH sản xuất quy mô lớn hơn, từ túi xách cao cấp đến nước hoa, phụ kiện giá “mềm” hơn để tiếp cận đông đảo khách hàng. Khi kinh tế toàn cầu chao đảo – nhất là sau thông báo thuế quan mới từ Tổng thống Mỹ Donald Trump – khách hàng tầm trung của LVMH nhanh chóng cắt giảm chi tiêu, đẩy tập đoàn vào thế khó.

Hermès vượt qua LVMH, trở thành công ty xa xỉ phẩm giá trị nhất thế giới- Ảnh 2.

Bối cảnh ngành xa xỉ phẩm: Một năm đầy thách thức

Việc Hermès vượt LVMH không chỉ là chuyện riêng của hai gã khổng lồ, mà còn phản ánh tình hình chung của ngành xa xỉ phẩm. Cổ phiếu LVMH giảm 7,2%, dẫn đầu xu hướng sụt giảm. Kering (sở hữu Gucci) giảm 2%; Richemont (chủ thương hiệu Cartier) giảm 0,7%; Prada giảm 4,2%; trong khi Hermès chỉ giảm nhẹ 0,3%, cho thấy sự kiên cường đáng kể.

Ngành xa xỉ phẩm đang đối mặt với năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng chậm. Các nhà phân tích tại Bernstein hạ dự báo doanh số ngành trong năm nay xuống mức giảm 2%, so với kỳ vọng tăng trưởng 5% trước đó. Đây là đợt suy thoái dài nhất của ngành trong hơn hai thập kỷ, chịu tác động từ lạm phát, bất ổn địa chính trị, và lo ngại về thuế quan mới từ Mỹ. “Môi trường giao dịch đang trở nên khó khăn hơn,” Piral Dadhania, nhà phân tích tại RBC, nhận định.

Dadhania điều chỉnh dự báo doanh số hữu cơ của LVMH trong năm nay xuống mức bằng phẳng, thay vì tăng trưởng 3% như trước, do doanh số quý đầu tiên không đạt kỳ vọng. Cổ phiếu các công ty xa xỉ phẩm đã giao dịch ở mức thấp từ cuối tháng Ba, với LVMH, Kering, Burberry giảm 14%, Richemont giảm 13%, và Hermès giảm ít hơn với 5%.

Hermès – Lợi thế từ sự độc quyền và bền vững

Thành công của Hermès không chỉ đến từ việc nhắm đúng khách hàng siêu giàu, mà còn từ cách vận hành “ít mà chất”. Mỗi chiếc túi Birkin hay Kelly đều được làm thủ công bởi một thợ duy nhất, mất hàng chục giờ để hoàn thiện. Chính sách giới hạn sản lượng tạo ra danh sách chờ dài hàng năm, biến sản phẩm Hermès thành “của hiếm” mà giới thượng lưu khao khát.

Trong khi LVMH dựa vào quy mô để thống trị thị trường, Hermès chọn chất lượng hơn số lượng, độc quyền hơn phổ thông. Điều này giúp họ không chỉ vượt qua biến động kinh tế, mà còn trở thành “két sắt an toàn” trong mắt nhà đầu tư. “Hermès không cố làm hài lòng tất cả, và đó là lý do họ thắng lớn khi kinh tế bất ổn,” - Sokolova nhận xét.

Hermès vượt LVMH đánh dấu bước ngoặt trong ngành xa xỉ phẩm, cho thấy sức mạnh của việc tập trung vào giá trị cốt lõi và khách hàng trung thành. Dù vậy, cả hai công ty đều sẽ đối mặt với thách thức nếu thuế quan mới từ Mỹ làm tăng giá sản phẩm tại thị trường lớn nhất thế giới. Hiện tại, vương miện thuộc về Hermès – thương hiệu của sự kiên định và đẳng cấp vượt thời gian. LVMH có thể sớm lấy lại phong độ, nhưng câu chuyện này cho thấy: trong thế giới xa xỉ, đôi khi ít lại là nhiều.

Nguồn: CNN