Người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh trở thành tâm điểm chú ý
Mới đây, VTV24 đã phát một phóng sự liên quan đến nghệ sĩ Việt trở thành người quảng cáo/giới thiệu sản phẩm cho một số thương hiệu kém chất lượng. Ngay lập tức trên MXH tiktok cũng lan truyền đoạn clip quảng cáo thuốc chữa bệnh được cho là của một diễn viên hài nổi tiếng. Theo nội dung đoạn clip, nữ diễn viên này quảng cáo với đại ý là giờ đây nếu bị bệnh u nang - bệnh lý liên quan đến bệnh phụ khoa thì dùng 1 loại viên sủi uống là có thể giúp "tiêu tan u xơ u nang nhanh gấp 100 lần so với bình thường".
Một diễn viên quảng cáo thuốc giúp tiêu tan u xơ u nang ngay tại nhà.
Những quảng cáo thổi phồng công dụng thuốc chữa bệnh phụ khoa như "chữa khỏi dứt điểm, chữa khỏi tại nhà..." đã đánh vào tâm lý của chị em phụ nữ vốn hay ngại ngùng đi thăm khám các vấn đề vùng kín. Hơn nữa, lại được người nổi tiếng "dán tem đảm bảo" nên chị em càng yên tâm tin tưởng.
Trong đoạn video, nhân vật được cho là Vân Dung đang giới thiệu sản phẩm tiêu u xơ u nang bằng công nghệ nano Nhật Bản. Thậm chí, nhân vật này có quay cho khán giả biết mình đang ở trước cổng bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và sau đó còn giơ lên một tờ giấy khám sức khỏe định kỳ.
Theo đoạn "phóng sự", người này đúng là nói thật về địa điểm bệnh viện phụ sản nhưng lại nói dối thứ khác. Cụ thể, đó chính là tờ bệnh án cô đưa ra. Phía bệnh viện phụ sản Hà Nội thậm chí đã xác nhận rằng, mẫu của tờ bệnh án trên tay nghệ sĩ này không đúng. Thực tế, không có khoa nào là phòng khám 225 và cũng không có bác sĩ nào tên giống như trong tờ bệnh án.
Có thể nói, chuyện mượn người nổi tiếng để quảng cáo các sản phẩm cũng không phải là chuyện mới mẻ. Nhưng quảng cáo thuốc, thổi phồng sự thật về công dụng của thuốc chữa bệnh lại là chuyện không hề đơn giản. Bởi lẽ, bên cạnh việc tự chẩn đoán, tự chữa bệnh, bạn có nguy cơ không chữa khỏi dứt điểm bệnh tật mà còn có thể bị nặng thêm, phát sinh thêm bệnh tật. Không những thế, các cơ quan gan, thận có thể bị tấn công trực tiếp khi không đào thải được độc tố ra ngoài nếu chữa bệnh theo cách này.
Hãy cứ nghĩ mà xem, từ trước đến nay mỗi khi có bệnh trong người, bạn sẽ làm gì? Thông thường, chúng ta sẽ đi đến bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh để tìm hiểu chính xác xem mình mắc bệnh gì. Bác sĩ là người có đủ thẩm quyền chẩn đoán bệnh tật, tiếp sau đó là kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ, thầy thuốc, dược sĩ, những người được cấp chứng chỉ hành nghề mới có đủ thẩm quyền khám chữa bệnh cho bệnh nhân với việc kê đơn phù hợp độ tuổi, tình trạng bệnh lý...
Ấy vậy mà nay, chỉ cần người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh, mọi người gật gù nghe theo tán thưởng, rủ nhau mua về uống chẳng cần nghĩ suy. Dường như chúng ta đang quá tin người, tin vào quảng cáo, tin vào những giá trị không có thực. Đó chính là cách thể hiện của người thiếu hiểu biết. Đáng tiếc, dù vô tình hay hữu ý, nhiều người cũng đang rơi vào tình trạng này. Vô hình trung, việc tin vào những gì mà người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh khiến chúng ta rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh - Hệ lụy chẳng thua kém "nhà tôi 3 đời"
Trước đây, các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Facebook với những lời quảng cáo quen thuộc như chữa dứt điểm các bệnh xương khớp, sỏi mật, sỏi thận, tiểu đường, hen suyễn, viêm xoang, thậm chí chữa được cả ung thư... đã khiến nhiều người mắc lừa. Ngày nay, quảng cáo lừa đảo này có sự biến đổi ngày càng tinh vi hơn, từ chuỗi quảng cáo theo mô típ "nhà tôi 3 đời" cho đến mượn hình ảnh, gương mặt người nổi tiếng để quảng bá các sản phẩm thuốc chữa bệnh chưa biết thực hư ra sao.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đồng y, Ba Đình), người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh dù là ai đi chăng nữa nếu không được chứng nhận là bác sĩ, thầy thuốc, không được cấp chứng chỉ hành nghề thì không thể đảm bảo chữa bệnh chuẩn y khoa cũng như đưa ra những lời khuyên dùng thuốc này thuốc kia chữa bệnh này bệnh kia sẽ khỏi.
"Chúng ta không nên thổi phồng giá trị của người nổi tiếng khi quảng cáo thuốc. Người nổi tiếng cũng giống như những người dân bình thường, không có bằng cấp, không có chứng nhận đủ khả năng khám chữa bệnh và tự kê đơn cho chính mình. Do đó, không có nghĩa lý gì khi người nổi tiếng khuyên dùng thuốc này thuốc kia là bạn cũng tin luôn", chuyên gia nói.
Vì niềm tin mù quáng vào quảng cáo, vì mua đồ theo thần tượng, vì thần tượng nói gì cũng đúng... rất nhiều người mới phải nhập viện vì rước họa vào thân. Thế nên mới có chuyện nhiều bệnh nhân nhập viện do tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Thế nên mới có chuyện đắp lá này, uống lá kia được bán ở những cơ sở đâu đâu chưa nghe thấy bao giờ có thể chữa khỏi ung thư hay dứt điểm bệnh mãn tính.
Và rồi, những ca bệnh nhập viện do suy gan, suy thận không ngừng tăng theo thời gian. Bệnh viện Nhiệt đới TƯ thông tin, trung bình một tháng, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Khi được hỏi về hành trình điều trị bệnh, đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo quảng cáo bán thuốc. Đó chính là một ví dụ về hệ lụy của việc mua thuốc dùng tại nhà vì tin vào quảng cáo nói chung.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, bất kể người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh là người nổi tiếng cỡ nào đi chăng nữa khi đưa ra lời khuyên nên dùng thuốc này thuốc kia để chữa bệnh đều phải cẩn trọng, chỉ nên tham khảo như một người bạn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân mà thôi.
Sau đó, để tránh tình trạng tiền mất tật mang, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh và người nhà bệnh nhân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách.