Mới đây, một nhà khoa học người Nga có tên là Mordvintsev đã công bố những đoạn clip và hình ảnh cho thấy các loài động vật ở Bắc Cực đang ăn thịt lẫn nhau khi hiện tượng băng tan và khai thác nhiên liệu hóa thạch đang tàn phá môi trường sống của chúng.
Các tảng băng ở Bắc Cực đang tan chảy do nhiệt độ tăng lên và các công ty công nghiệp dần chuyển đến đây để hoạt động khiến cho loài gấu Bắc Cực mất đi khu vực săn mồi truyền thống của chúng hoặc phải đi kiếm thức ăn ở những bờ biển khan hiếm thức ăn.
Theo các nhà nghiên cứu, sự gia tăng trong việc các loài động vật ăn thịt nhau có thể là hệ quả từ các hoạt động của con người ở Bắc Cực, những người đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng kinh dị gây ra bởi việc làm của chính mình.
"Các trường hợp ăn thịt đồng loại ở gấu Bắc Cực là một thực tế đã xảy ra từ rất lâu nhưng rất hiếm khi xảy ra trong quá khứ. Giờ đây, chúng tôi cảm thấy lo sợ khi hiện tượng này ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi thông báo rằng các con gấu Bắc Cực đang ăn thịt lẫn nhau ngày càng gia tăng" - ông Mordvintsev nói.
Ông Mordvintsev tin rằng nguyên nhân đẩy các loài động vật này đến ngưỡng phải tàn sát lẫn nhau là do nguồn thức ăn của chúng ngày một khan hiếm. Các con gấu đực to lớn tấn công những con cái và gấu con bởi vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương và gấu mẹ cũng quay sang ăn thịt các con của mình.
Việc thiếu nguồn thức ăn được cho là do khủng hoảng khí hậu. Trong suốt hơn 25 năm qua, 40% lượng băng ở Bắc Cực đã tan chảy thành nước.
Được biết, gấu Bắc Cực thường lợi dụng các tăng băng trôi để săn hải cẩu nhưng khi không có băng, loài vật này buộc phải kiếm thức ăn trên bờ.
Ngoài ra, con người cũng được cho là tiếp tay vào việc này khi họ đang chiếm dụng nhà của gấu Bắc Cực để khai thác các nhiên liệu hóa thạch.
Vào mùa đông vừa qua, tuyến đường từ vịnh Ob đến biển Barents, khu vực đi săn của gấu Bắc Cực, trở thành tuyến đường bận rộn cho các tàu chở LNG (khí tự nhiên hóa lỏng).
"Vịnh Ob luôn là địa điểm săn mồi của gấu Bắc Cực. Hiện tại, băng ở nơi đây đang tan chảy qua các năm" - ông Mordvintsev tin rằng việc khai thác trên bán đảo Yamal, giáp với vịnh Ob, và sự ra đời của các nhà máy công nghiệp đã gây ra ảnh hưởng xấu đến với môi trường sống của các loài động vật hoang dã nơi đây.
Một nhà khoa học người Nga khác, Vladimir Sokolov, đứng đầu cuộc thám hiểm Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực, cho biết năm nay gấu Bắc Cực bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi vì thời tiết ấm nóng bất thường trên đảo Spitsbergen khiến băng tan và tuyết rơi rất ít.
Nghiên cứu khác được đưa ra vào tuần này chỉ ra rằng gấu Bắc Cực sau khi giết đồng loại còn vùi thi thể của các con thú đã chết dưới nền tuyết như một hành động để dành thức ăn cho ngày hôm sau.
Hành vi này tương đối phổ biến với một số loài gấu khác, trong đó có loài gấu nâu, nhưng lại hiếm xảy ra đối với gấu Bắc Cực. Chính vì vậy nên ông Ian Stirling đến từ đại học Alberta và Hội đồng tư vấn khoa học cho gấu Bắc Cực đã vào cuộc điều tra sau khi nhận được thông tin này từ một người bạn.
(Nguồn: Dailymail)