Hành trình tìm con sau 3 năm, 2 lần chuyển phôi
Chị N.T.L. (24 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) kết hôn hơn 3 năm nhưng chưa có con, qua thăm khám vợ chồng chị biết được hai bên vòi trứng có một bên bị dính, một bên bị tắc kẽ, vì vậy nên khó có thể mang thai tự nhiên. Qua tư vấn của bác sĩ, vợ chồng chị L. quyết định tiến hành làm IVF để tìm con.
"Lần chuyển phôi thứ nhất của tôi không đậu, sau đấy 2 tháng, tôi chuyển phôi lần thứ hai thì đậu" - chị L. chia sẻ. Lần thứ hai chuyển phôi này, chị L chọn chuyển một phôi (ngày 5).
Ngày 4/9/2023, khi phôi thai đang ở tuần 13, chị L. thấy đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn nhiều kèm mệt mỏi nên đã tới Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt để thăm khám.
Qua hình ảnh siêu âm, thăm khám lâm sàng, hội chẩn liên khoa, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có một khối chửa ngoài tử cung khác - khối này đã vỡ và đang chảy máu, bên cạnh phôi thai 13 tuần ở trong tử cung. Tức là, đang có 2 phôi thai phát triển ở trong và ngoài tử cung của bệnh nhân. Điều thực sự rất đặc biệt, bởi bệnh nhân chỉ chuyển một phôi.
Sau khi giải thích và được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật nội soi để lấy khối chửa ngoài, cầm máu cho bệnh nhân, tránh nguy cơ chảy máu trong, đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi.
ThS.BS Nguyễn Nguyên Đông - Giám đốc Bệnh viện, trưởng ekip phẫu thuật cho biết: "Sau khi hội chẩn, chúng tôi đã quyết định sử dụng phương pháp phẫu thuật nội soi, với ưu điểm: vết mổ nhỏ, hạn chế xâm lấn. Vị trí can thiệp đặt ống phẫu thuật nội soi ở phía dưới tử cung sẽ không gây ảnh hưởng cho thai nhi trong buồng tử cung".
Quá trình gây mê, gây tê cũng được hội chẩn, chuẩn bị, tính toán vô cùng kỹ lưỡng, để đảm bảo thành công cho cuộc mổ, đặc biệt là an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
2 tiếng tập trung cao độ của cả ekip
Đúng như chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ, khối chửa ngoài nhìn thấy rất rõ qua hình ảnh nội soi.
Sau 2 giờ tập trung cao độ, cuộc phẫu thuật đã thành công. Khối chửa ngoài tử cung đã được loại bỏ. Thai nhi trong buồng tử cung an toàn và tim thai tốt.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi, chuyển chăm sóc tích cực tại Khoa Phụ sản. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhân sức khỏe đã hồi phục, có thể dậy đi lại, ăn ngủ tốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Đông, đây là một trường hợp chửa ngoài tử cung khá hy hữu và hiếm gặp. Khối chửa ngoài tử cung khá nhỏ, lại kèm thêm phôi thai trong tử cung phát triển lớn hơn, gần như che lấp mất khối chửa ngoài này, nên khi siêu âm gần như rất là khó phát hiện chính xác. Các bác sĩ phải chẩn đoán dựa trên cả lâm sàng và cận lâm sàng.
Các bác sĩ khuyến cáo, các mẹ bầu khi mang thai nên đi khám thai định kỳ, khi có bất cứ biểu hiện bất thường nào về cơ thể mẹ và thai nhi, cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản để thăm khám, điều trị kịp thời.