Đủ loại “handmade”
Được quảng cáo là nguồn gốc hoàn toàn thiên nhiên, an toàn cho người sử dụng, giá thành lại rẻ, thời gian gần đây mỹ phẩm “handmade” đang làm mưa làm gió trên thị trường cũng như các diễn đàn mạng. Điều đáng bàn là các loại mỹ phẩm này không có cơ quan nào kiểm định được độ an toàn, tất cả khách hàng chỉ mua với niềm tin vào lời quảng cáo của người bán.
Mỹ phẩm “handmade” rất đa dạng chủng loại. Mới đầu người làm mỹ phẩm tự chế chủ yếu để dùng cho bản thân hoặc bán lẻ quy mô nhỏ tại các chợ, nhưng thời gian gần đây nó được rao bán rộng rãi trên mạng. Trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội như facebook, nhan nhản sản phẩm làm đẹp từ son môi, kem dưỡng đến dầu dừa, phấn ong, mỹ phẩm làm trắng cấp tốc,… được quảng cáo là sản phẩm tự chế, không phải thuê cửa hàng nên có giá rẻ. Dầu dừa được chào giá 80.000 - 100.000 đồng/lọ, 1 thỏi son đủ màu được bán giá 70.000-120.000 đồng, 1 lọ làm trắng da toàn thân có giá 400.000 - 600.000đ.
Người mua chủ yếu tin vào những lời quảng cáo của người bán, kèm những feedback hoặc hình ảnh trước và sau khi sử dụng để chứng minh hiệu quả sản phẩm. Trên thực tế nhiều loại mỹ phẩm cũng mang lại hiệu quả cho người sử dụng nên ngày càng nhiều người tin mua mặt hàng này.
Hậu quả khôn lường
“Từ giờ đến già, tôi không dám dùng mỹ phẩm “handmade” nữa”, chị Thúy Quỳnh (Q.Thanh Xuân) bức xúc. Chị kể, mỗi lần đi gội đầu hay chăm sóc da mặt, chị thường được các nhân viên tại đây giới thiệu về một số loại mặt nạ chăm sóc da mặt tự chế được cửa hàng được nhập từ nguồn đáng tin cậy, rất hiệu quả. Lần gần đây, chị cũng đồng ý dùng thử và mua về nhà đắp thêm. Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần sử dụng liên tục, mặt chị bắt đầu xuất hiện vết mẩn đỏ và nổi mụn li ti.
Trên thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bị tổn thương da, da dị ứng do sử dụng các loại mỹ phẩm tự chế. Khá nhiều trường hợp da đã tổn thương nặng và khó phục hồi. Theo các chuyên gia, những sản phẩm này không hoàn toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên, bởi chắc chắn sẽ có những thành phần được tổng hợp từ hóa học như chất xúc tác, hương liệu và đặc biệt là chất bảo quản. Hơn nữa, người làm ra các sản phẩm này nếu không có kiến thức thì việc chế biến, đo lường chắc chắn không đảm bảo ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Trước tình trạng mỹ phẩm “handmade” được rao bán tràn lan trên thị trường không được kiểm định chất lượng, mới đây đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết sẽ siết chặt quản lý loại mỹ phẩm này. Theo đại diện Cục Quản lý Dược, Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý mỹ phẩm đã chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải có giấy phép đăng ký kinh doanh
Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP - ASEAN): Phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của CGMP; có hệ thống quản lý, kiểm tra chất lượng đầy đủ… Khi đưa bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào ra thị trường, sản phẩm này phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Các cá nhân sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tự chế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của sản phẩm.