Đến xin “ngài” Cá Ông để có mụn con
Người dân xã Đa Lộc xem đền thờ Cá Ông (Thôn Hùng Thành, xã Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) là chốn tâm linh nhất vùng, ngày rằm, mùng một hoặc dịp lễ tết ai cũng tới và thắp nén hương để khấn cầu bình an những chuyến đi biển, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát tài,… Đặc biệt, gần đây có nhiều cặp vợ chồng đến xin cầu khấn và được Cá Ông phù hộ ban phát con đàn cháu đống.
Đền thờ Cá Ông tại xã Đa Lộc.
Khu vực năm 2005 người dân phát hiện thi hài cá.
Những câu chuyện huyền bí về đền thờ Cá Ông hàng ngày vẫn đâu đó lan truyền. Mỗi khi nhắc đến đền thờ Cá Ông thì bất cứ người dân nào thuộc xã Đa Lộc đều không giấu được niềm tự hào xen lẫn sự tôn kính. Với họ dường như việc Cá Ông đến yên nghỉ tại mảnh đất đầu sóng ngọn gió này là sự giao thoa giữa người với loài cá ngự trị biển khơi.
Từ năm 2005 đến nay, sau khi mang bộ xương cá từ biển về thờ, không chỉ người dân liên tục làm ăn phát đạt, mưa thuận gió hòa, con cháu trong nhiều dòng họ đỗ đạt mà có nhiều chuyện ly kỳ liên tiếp xảy ra.
Ông Quang, người đã "ăn ngủ" cùng Cá Ông suốt 4 năm nay kể lại cho phóng viên những câu chuyện xung quanh việc người dân đến xin con tại đây.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Xuân Quang (60 tuổi) người trông coi đền và đã có 4 năm “ăn ngủ” tại đây cho biết: “Đây là ngôi đền thờ Mẫu có từ thời chống thực dân Pháp kia, nhưng từ năm 2005, khi đưa Cá Ông về đây thờ thì ngôi đền trở nên linh thiêng lắm. Điều thấy rõ rệt nhất là từ năm đó đến nay, người dân trong xã đi biển rất ít khi gặp nạn. Người dân lại làm ăn phát đạt, gia đình nào kinh tế cũng đi lên trông thấy; các cháu thì học hành đỗ đạt…”.
Những khúc xương sống của "ngài".
Do đền trong thời gian xây mới nên xương của "ngài" được che chắn trong chiếc lều trong khuôn viên đền.
Theo ông Quang những ngày rằm, mùng 1 hoặc bất cứ người con nào của thôn Hùng Thành và Yên Lộc đi đâu xa về họ đều ghé thăm đền và thắp nén hương.
Hơn 2 năm trở lại đây, rất nhiều người dân Đa Lộc hết sức ngạc nhiên khi nhiều gia đình hiếm muộn đến đây làm lễ xin con và được Cá Ông “phù hộ”. Nói về điều này ông Quang nhấn mạnh: “Tôi là người trực tiếp trông coi ở đây nên biết, nhiều cặp vợ chồng lấy nhau vài năm mà không có mụn con nào cả dù họ đi cúng bái, điều trị tận Hà Nội cũng không được. Sau khi được người mách nước đến đây xin “ngài” lập tức có ngay”.
Vừa nói xong ông Quang chỉ tay sang phía nhà vợ chồng anh Thuấn – chị Thảo. Theo lời ông Quang thì anh Thuấn – chị Thảo lấy nhau đã nhiều năm nhưng không có con, họ đã đi khám cũng như uống nhiều thuốc cũng không được. Rồi có đợt, hai vợ chồng cùng dắt nhau lên đền làm lễ xin con, lập tức năm 2011 thì hai vợ chồng sinh hạ một bé gái xinh xắn.
Một trường hợp khác đó là gia đình anh Phạm Văn Tuấn (thôn Hùng Thành) do gia đình sinh được hai đứa con gái, do muốn có người “nối dõi tông đường” nên anh Tuấn cùng vợ đã lên đền xin “ngài” một cháu trai. Thật lạ 2012 vợ anh Tuấn đã sinh một bé trai kháu khỉnh.
Bà Nái nói về những trường hợp đến xin con và đã xin thành công.
Câu chuyện kỳ bí về việc cầu khấn về đường con cái tại đền thờ Cá Ông lại càng li kỳ và cuốn hút hơn khi chúng tôi trao đổi với bà Nguyễn Thị Nái (58 tuổi). Theo bà Nái thì rất nhiều gia đình ở trong xã, hoặc nhiều nơi đã về đây xin “ngài” phù hộ cho đường con cái.
“Có gia đình người vợ mang thai rồi bị sẩy đến vài ba lần, rồi được người mách nước đến đây xin “ngài” mà được đấy. Thậm chí nhiều người từ Hà Nội cũng đã lặn lội về đây xin con kia”, bà Nái nói.
Cả làng chung sức “xây nhà” cho “ngài”
Năm 2005 khi ngôi đền chỉ thờ Thánh Mẫu thì bỗng nhiên người dân Đa Lộc bắt gặp một xác cá voi (dân vùng biển gọi là cá ông). Người dân trong xã quyết định mang xác cá về đền để thờ từ dịp đó.
Toàn cảnh "ngài" mà người dân Đa Lộc tôn thờ.
Khi người dân Đa Lộc phát hiện thì “ngài” dài 16m, nặng hơn 14 tấn, sau đó chính quyền cùng người dân đã lên phương án bảo vệ. Cuối cùng đến giữa năm 2005 Đa Lộc mở hội và rước “ngài” về đền để thờ cúng.
Một trong hai chiếc xương hàm hình rẻ quạt.
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều khúc xương sườn dài đến cả mét, lớn nhất phải kể đến hai miếng xương hàm hình rẻ quạt nặng đến vài kg và đường kính gần một mét. Những khúc xương cột sống có đường kính trên 20cm.
Sau khi đưa về đền, “ngài” được người dân lau chùi sạch sẽ xếp các đốt xương lại với nhau thành hình hài như ban đầu. Những năm trước “ngài” được người dân che chắn bằng những tấm lợp pro xi măng. Nhưng rồi năm ngoái người dân bắt đầu phát hiện xương của “ngài” bắt đầu xuất hiện mối mọt và sự ăn mòn của muối mặn nên cả xã chung tay xây cho “ngài” một ngôi nhà khang trang.
Sở dĩ người dân Đa Lộc tôn thờ và tôn kính “ngài” bởi họ tin rằng, chính loài cá voi là sinh vật ngự trị biển khơi, loài cá này luôn mang lại những điềm lành cho những chuyến ra khơi. Phải chăng vì điều này mà nhiều năm qua, hàng ngày vẫn có rất nhiều con tầu, con mảng ra khơi mang tôm cá về nhưng chẳng chiếc nào gặp nạn trước biển khơi.
Không lâu nữa, "ngài" sẽ được lên nhà mới.
Theo lời ông Quang thì ngôi đền hiện tại đã xong rồi, ít lâu nữa chúng tôi sẽ cho xây dựng và lắp lồng kính để bảo vệ “ngài” khỏi nắng mưa, mối mọt.
Khi nói về kinh phí thì ông Quang hồ hởi: “Rất nhiều người con của hai thôn Hùng Thành và YênLộc thành đạt và làm ăn khắp nơi đóng góp, số còn lại thì tất cả các hộ đều chung tay mỗi nhà một ít. Đến tháng 8 âm lịch tới đây, chúng tôi sẽ khánh thành nhà mới cho “ngài”.
Chia tay “ngài”, chia tay người Đa Lộc chúng tôi lại biết thêm một chốn linh thiêng nữa dù bản thân không phải người duy tâm nhưng một số sự việc cũng cần phải tin và rất khó để lý giải.
Trao đổi với chúng tôi, trưởng thôn Lê Thanh Hải cho biết: “Khi phát hiện “ngài” thì tôi đã bàn bạc với chính quyền và được sự đồng ý của nhiều người già trong thôn Hùng Thành và Yên Lộc mang di cốt của “ngài” lên đền để thờ phụng, hương khói chu đáo”.