Hiện tượng "Mặt trăng máu" sẽ xuất hiện vào hôm nay 1

Tại Việt Nam xem "Mặt trăng máu" lúc nào?

Trao đổi với PV, anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, hiện tượng nguyệt thực toàn phần (gần đây được gọi là “Mặt Trăng máu”) diễn ra vào 8/10 tới sẽ bắt đầu pha nửa tối vào 15 giờ 15 phút, pha một phần vào lúc 16 giờ 15 phút và đạt cực đại vào 17 giờ 54 phút.

Sau đó, hiện tượng sẽ kết thúc pha toàn phần, một phần và nửa tối tương ứng vào 18 giờ 24 phút, 19 giờ 24 phút và 20 giờ 34 phút (giờ Việt Nam).

Tại Việt Nam, giờ Mặt Trăng mọc trong ngày này vào khoảng 17 giờ 25 phút nên người yêu thiên văn không thể theo dõi hiện tượng trước đó cũng như thời điểm trăng mới mọc. Bởi vậy, thời điểm quan sát lý tưởng nhất vào khoảng từ 17 giờ 45 phút cho tới khi kết thúc hiện tượng.

Anh Hoàng Quốc Phương, quản trị web của Hội Thiên văn nghiệp dư Hà Nội thì cho hay, lần nguyệt thực toàn phần gần đây nhất mà Việt Nam quan sát được là vào ngày 10.12.2011. Kể từ đó đến nay, đã có tổng cộng 6 lần nguyệt thực diễn ra nhưng không quan sát được tại Việt Nam hoặc là nguyệt thực nửa tối rất khó để quan sát.

Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo người quan sát cần chọn vị trí thoáng đãng nhìn về chân trời phía Đông. Người xem cũng quan sát bằng mắt thường, song sẽ thú vị hơn khi có thêm dụng cụ hỗ trợ là ống nhòm, kính thiên văn...

Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng sẽ nằm trên một đường thẳng

Còn theo trang Livescience, hiện tượng nguyệt thực toàn phần hiếm gặp này có thể được quan sát vào sáng thứ tư.

Vào ngày 8.10, những nhà yêu thích quan sát vũ trụ có thể thưởng thức hiện tượng nguyệt thực toàn phần và Mặt trời mọc cùng một lúc. Tên gọi khoa học của hiện tượng này là Selenelion mà các nhà chiêm tinh học cho rằng rất khó xảy ra.

Trong suốt quá trình nguyệt thực, Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng sẽ nằm trên một đường thẳng. Với cách bố trí đó, việc quan sát được là điều không thể xảy ra. Nhưng nhờ bầu khí quyển của Trái đất, hình ảnh của Mặt trăng và Mặt trời lại xuất hiện ở chân trời bởi sự khúc xạ khí quyển. Điều này giúp mọi người trên Trái đất nhìn thấy được trong vài phút Mặt trời trước khi mọc và Mặt trăng sau khi nó lặn.

Như một hệ quả, nhiều vùng ở khu vực sông Missisipphi có cơ hội quan sát trực tiếp hiện tượng này. Nếu thời tiết cho phép, người dân có thể ngắm nhìn trong từ 2 đến 9 phút (tùy vị trí) quan cảnh Mặt trời mọc từ phía Đông và hiện tượng nguyệt thực toàn phần ở hướng Tây.

Từ Newfouldland, giai đoạn nguyệt thực toàn phần bắt đầu khoảng 30 – 45 phút trước khi Mặt trăng lặn.

Ở khắp phía đông Nova Scotia, bạn chỉ có thể quan sát được phần thấp nhất của Mặt trăng khi nó lặn ở phía Tây chân trời.

Xa hơn ở phía đông và nam vùng bờ biển Đại Tây Dương, Mặt trăng sẽ hoàn toàn chìm vào vùng tối của Trái đất.

Các nhà thiên văn học cho rằng Selenelion là một hiện tượng cực kì hiếm. Cách đây 25 năm, trên tạp chí Sky & Telescope, tháng 8.1989, nhà thiên văn học Bradley Schaefer, người nghiên cứu khả năng xuất hiện của Mặt trăng khi nó ở vị trí thấp nhất trên bầu trời, đã lưu ý rằng Mặt trăng tròn chỉ xuất hiện khi nó ở trên 2 độ và Mặt trời ở dưới 2 độ của chân trời. Vì vậy, phụ thuộc vào độ quang đãng của bầu trời mà người quan sát có thể theo dõi được hiện tường từ 10-15 phút trước khi Mặt trời mọc.