Đi kiểm tra sức khỏe phát hiện gan u máu

Cô N.T.E (45 tuổi), công nhân ở Chương Mỹ- Hà Nội, trong đợt khám sức khỏe định kỳ công ty tổ chức, cô phát hiện mình mắc u máu trong gan. Cô rất lo lắng vì từ trước đến nay sức khỏe của cô rất tốt, không ốm đau gì. Để kiểm chứng, cô đi khám thêm lần nữa ở cơ sở bệnh viện có uy tín, bác sĩ kết luận cô có u máu trong gan. Bác sĩ cho biết đây là u lành nên cô chỉ việc uống thuốc và kiểm tra lại sức khỏe theo lời dặn của bác sĩ. Nhưng trong tâm trạng của cô có điều gì đó không yên tâm.

Chị Quỳnh Liên (40 tuổi), làm nông nghiệp ở Hợp Đồng, Chương Mỹ, Hà Nội, thỉnh thoảng lại thấy đau ở hạ sườn phải. Chị quyết định đi kiểm tra phát hiện mình có một khối u máu trong gan với  kích thước 0,5cm. Bác sĩ cho cô đơn thuốc về nhà điều trị, nếu có biểu hiện gì đến khám lại.

Không đi lao động nước ngoài chỉ vì phát hiện có u máu trong gan là trường hợp của anh Hoàng Kỳ. Trong đợt kiểm tra sức khỏe làm thủ tục đi xuất khẩu lao động. Qua kiểm tra siêu âm sức khỏe bác sĩ cho anh biết có u máu trong gan, anh sang Bệnh viện 108 làm kết quả xét nghiệm máu và được tư vấn tuy không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng anh cần theo dõi bệnh.

Hiểu đúng về bệnh u máu trong gan 1

Hầu hết bệnh nhân bị u máu trong gan thường được phát hiện một cách tình cờ qua kiểm tra sức khỏe, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính. Ảnh minh họa

 Cần hiểu đúng về bệnh u máu trong gan

Theo bác sĩ  Đặng Đình Hùng, Phó giám đốc bệnh viện Chương Mỹ, Hà Tây, u máu trong gan thường được gọi nôm na là u máu trong gan hay u máu gan, đây là một khối u lành tính hay gặp nhất của gan. U máu không chỉ xuất hiện ở gan mà có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của cơ thể. U máu trong gan không có triệu chứng lâm sàng, nhưng những u lớn có thể gây đau hạ sườn phải, gan to hoặc xuất hiện khối u ở ổ bụng. Biến chứng có thể gặp khi bị u máu trong gan có thể là chảy máu trong khối u hoặc khối u vỡ chảy máu trong ổ bụng.

Không có thuốc làm cho u máu gan nhỏ lại hay tiêu đi. Điều quan trọng đối với bệnh u máu gan là người bệnh cần được bác sĩ theo dõi sự tiến triển của u để có biện pháp can thiệp kịp thời. Thông thường từ 3 - 6 tháng, bệnh nhân phải được kiểm tra phụ thuộc vào việc u thay đổi kích thước nhanh hay chậm. Khi chưa có kỹ thuật xạ hình, bệnh nhân thường được chỉ định bằng siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ...

Tuy nhiên, các phương pháp trên đều có những hạn chế như độ chính xác không cao (chỉ khoảng 60 -70%) hoặc có thể cho kết quả dương tính giả với các ổ di căn gan tăng sinh mạch máu. Các phương pháp chẩn đoán khác như chụp động mạch gan, chọc hút tế bào và sinh thiết gan có giá trị cao nhưng là những phương pháp xâm nhập, có thể gây biến chứng và đòi hỏi phải có trang thiết bị, thầy thuốc có kinh nghiệm.

Theo bác sĩ Hùng, bệnh nhân khi phát hiện u máu trong gan thường có tâm trạng lo lắng và tìm cách điều trị. Hầu hết u máu trong gan không cần điều trị, đây là khối lành tính hiếm khi gây ác tính. Cho tới nay chưa có một loại thuốc nào có tác dụng làm mất hoặc giảm kích thước của khối u. Người ta chỉ điều trị khi khối u lớn và gây các triệu chứng như khi có đau nhiều bằng nút mạch gan hoặc phẫu thuật cắt một phần của gan.

Người ta cho rằng hormon sinh dục nữ (oestrogen) có thể làm cho khối u máu lớn nhanh do vậy khi phát hiện có u máu trong gan không nên dùng các thuốc có chứa oestrogen kéo dài, chẳng hạn như dùng thuốc tránh thai. Đối với những người có u máu trong gan cần kiểm tra định kỳ bằng siêu âm 6 tháng 1 lần  để  theo dõi kích thước của u máu. Đối với người có khối u máu lớn cần thận trọng để tránh va đập vào vùng mạng sườn phải gây vỡ khối u. Khi có biểu hiệu đau đớn kéo dài thì bệnh nhân cần trực tiếp đến bệnh viện theo dõi.