Cô Lý, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã đến tận nhà một học sinh nghỉ ốm buổi sáng hôm đó, yêu cầu người mẹ đưa cậu bé trở lại lớp.

Trong đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội, cô hiệu trưởng tức giận hét vào mặt người mẹ khi nhìn thấy cậu học trò đang chạy trước sân. Người mẹ nói: “Con trai tôi không được khỏe nên việc nghỉ học nửa ngày không có gì là sai” .

"Nhưng với tình trạng này, tôi nghĩ cậu bé nên đi học", cô Lý trả lời.

Người mẹ không hiểu tại sao hiệu trưởng lại bắt con mình đến lớp khi chỉ một ngày trước, cậu bé ngất xỉu ở trường và giáo viên đã gọi chị đến đón. Tối hôm đó, cậu bé cảm thấy khỏe hơn nhưng chị vẫn quyết định cho con nghỉ thêm buổi sáng hôm sau, để sức khỏe ổn định rồi mới đi học.

“Tối qua con tôi vẫn cảm thấy chóng mặt, tôi nói rằng nó sẽ nghỉ học vào ngày mai. Gia đình đã chuẩn bị giấy nghỉ phép có chứng nhận y tế. Nếu thầy cô có thắc mắc gì thì chúng tôi sẽ đến trường giải thích", người mẹ trình bày và nhắc lại rằng, chị muốn giữ con ở nhà để theo dõi, đến buổi chiều nếu cậu bé khỏe hơn thì chị sẽ cân nhắc cho đi học.

Hiệu trưởng đến tận nhà 'bắt' học sinh ốm đến lớp, xúc phạm nghề của phụ huynh - Ảnh 1.

Hiệu trưởng giảng dạy cho mẹ của học sinh về tương lai đứa trẻ và xúc phạm nghề nông của phụ huynh. (Ảnh: Baidu)

Tuy nhiên, nữ hiệu trưởng không bị thuyết phục. Cô lớn giọng "lên lớp" phụ huynh về tầm quan trọng của giáo dục, và xúc phạm nghề nghiệp của mẹ đứa trẻ.

“Tôi chưa bao giờ đi học muộn và tôi đã trở thành hiệu trưởng. Bà muốn con trai mình trở thành người thế nào? Hay lại muốn cậu bé trở thành một nông dân như bà?", cô Lý nói trong video, sau đó tiếp tục tràng đả kích của mình. Nữ hiệu trưởng hỏi người mẹ rằng bà có muốn con trai kiếm được công việc tốt  trong tương lai hay không.

Bị nói xối xả vào mặt, người mẹ không phản ứng gì.

Đoạn video lan truyền mạnh trên mạng xã hội, gây tranh cãi với những phản ứng trái chiều. Một số người đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của nữ hiệu trưởng: “Cô Lý quả là một hiệu trưởng có trách nhiệm. Cô không chỉ dành thời gian đến thăm nhà học sinh mà còn rất cố gắng thuyết phục người mẹ cho con đi học"; “Họ thật may mắn khi có một hiệu trưởng có trách nhiệm như vậy”...

Tuy nhiên, nhiều người khác bênh vực người mẹ chỉ trích hành động của hiệu trưởng: “Người mẹ quan sát thấy con chưa khỏe thì sao có thể bắt nó đến trường được, thật vô lý"; “Thái độ của hiệu trưởng rất thô lỗ, thái độ với phụ huynh như thế là không được"...

Năm 1986, Trung Quốc áp dụng hệ thống giáo dục bắt buộc kéo dài 9 năm từ cấp tiểu học đến trung học nhằm xóa nạn mù chữ trong nước.

Từ năm 2008, giai đoạn giáo dục bắt buộc này hoàn toàn miễn phí, được chính phủ tài trợ. Đến năm 2018, tỷ lệ tốt nghiệp là 94,2%; cả nước có 213.800 trường tiểu học và trung học với tổng số 149,9 triệu học sinh.