Hiệu ứng gió Nam (South Wind Law) xuất phát từ câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine kể về sức mạnh của gió Bắc và gió Nam, xem ai có thể cởi áo khoác của người đi đường.
Gió Bắc mang theo hơi lạnh thấu xương nên người đi đường phải quấn chặt áo khoác để chống lại cơn rét buốt. Gió Nam từ từ thổi qua, mang theo nắng và gió hòa hợp, người đi đường cảm thấy ấm áp, nhiệt độ trong người tăng lên, liền cởi cúc áo, sau đó cởi áo ngoài. Thế là gió Nam đã thắng.
Sở dĩ gió Nam chiến thắng là vì nó phù hợp với nhu cầu bên trong của con người và khiến hành vi của con người trở nên có ý thức. Câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc của La Fontaine sau này trở thành một khái niệm trong tâm lý xã hội, được gọi là "Hiệu ứng gió Nam" hay "Quy luật gió Nam".
Theo “Hiệu ứng gió Nam”, khi xử lý các mối quan hệ giữa con người với nhau phải đặc biệt chú ý đến cách thức ứng xử và vận dụng ngôn từ. Cùng một mục tiêu nhưng nếu vận dụng cách thức khác nhau thì kết quả sẽ khác nhau.
"Hiệu ứng gió Nam" được ứng dụng rộng rãi vào mọi mặt của cuộc sống, tiêu biểu nhất là giải quyết các mối quan hệ trong tình cảm yêu đương.
Khi đang say đắm trong men tình, mỗi người đều hy vọng nửa kia không thể tách rời khỏi bản thân và thuộc về mình mãi mãi. Lúc này nếu bạn chỉ dựa vào ưu thế vẻ ngoài thì mối quan hệ đôi bên sẽ không được bền lâu, điều bạn cần là nắm bắt được sự thay đổi tâm lý của đối phương và phát huy tối đa “hiệu ứng gió Nam” trong cuộc sống hàng ngày.
Một chàng trai đã chia sẻ câu chuyện về trải nghiệm tình yêu của mình trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp và tâm sự) như sau:
"Tôi và bạn gái quen nhau nhờ một lần giao dịch làm ăn. Cô ấy rất xinh đẹp, độc lập kinh tế và có cá tính mạnh mẽ. Nhưng thời gian tốt đẹp không kéo dài lâu, cả hai chia tay không lâu sau khi chính thức quen nhau.
Tôi là người chủ động đề nghị chia tay vì không chịu được sự "đàn áp" của cô ấy. Cô ấy luôn nói với giọng ra lệnh, không bao giờ nhượng bộ, như thể đó là điều tôi nên làm; trực tiếp chỉ ra cách làm việc sai của tôi mà không hề giữ lại cho người yêu một chút hình tượng nào trong mắt đối tác và đồng nghiệp; mỗi khi tôi gặp áp lực trong công việc, mặc dù muốn động viên tôi nhưng cô ấy lại dùng những lời lẽ tồi tệ nhất... Tất cả những điều này khiến tôi không thể chịu đựng được nữa".
Mặc dù cô người yêu làm những điều đó đều vì muốn tốt cho anh, nhưng cách thức và lời nói lại gây tổn thương to lớn. Theo quan điểm của cô, cách sử dụng từ ngữ và thể hiện cảm xúc của "gió Bắc", chính là dùng lời lẽ trực diện và vô tình nhất để ép một người thay đổi theo ý mình, khiến người yêu trưởng thành nhanh hơn, nhưng cô cũng không ngờ chính điều này đã làm tình cảm đôi bên sứt mẻ.
Do vậy, hãy vận dụng “hiệu ứng gió Nam” trong mối quan hệ này, dùng phương thức tác động gián tiếp để đối phương chủ động thay đổi.
Khi nhờ đối phương giúp đỡ, hãy học cách nhẹ nhàng và mềm mỏng. Điều này đương nhiên nên áp dụng cho tất cả mối quan hệ vì người cần giúp đỡ đang ở thế bị động, do đó không thể buộc người khác phải giúp mình như lẽ hiển nhiên. Cách này cũng có thể khiến đối phương cảm thấy hạnh phúc vì trong tình yêu, có lẽ ai cũng muốn đối phương vui vẻ và được bao bọc.
Khi nhận xét về nửa kia, hãy học cách sử dụng ngôn từ tế nhị, vừa đạt được mục đích vừa giữ được thể diện của đối phương, để họ tiếp nhận ý kiến và sửa chữa, quan trọng hơn là đối phương cũng sẽ cảm thấy rằng bạn đang thực sự nghĩ cho họ.
Khi nửa kia đang bị cảm xúc tiêu cực, hãy học cách động viên và hướng dẫn họ nghĩ theo hướng tích cực hơn.
Trong mối quan hệ tình yêu, khi đứng trước nhiều thứ, bạn có hai lựa chọn, hoặc chọn “gió Bắc” hoặc “gió Nam”. Dù cả hai phương án đều có thể đạt được điều mình mong muốn, nhưng rõ ràng "gió Bắc" khiến mối quan hệ không bền lâu và không hài hòa. Cách đối xử “ức chế và gượng ép” theo kiểu gió Bắc thường sẽ khiến đối phương xa lánh và chán bạn, trong khi cách đối xử “ấm áp” kiểu gió Nam sẽ khiến họ luôn muốn ở bên và không bao giờ rời xa bạn.