Hillary Diane Rodham chào đời tại Bệnh viện Edgewater, Chicago, tiểu bang Illinois vào ngày 26/10/1947 trong một gia đình hậu duệ của những di dân xứ Anh. Hillary có hai em trai, Hugh và Tony. Lúc nhỏ, Hillary thích thể thao, nhà thờ và trường học, và là một nữ hướng đạo sinh. Lớn lên, bà say mê các môn thể thao như quần vợt, trượt băng, vũ ba lê, bóng chuyền và bóng ném. Hillary từng theo học tại Trường trung học Maine South, là lớp trưởng, thành viên hội đồng học sinh, thành viên đội hùng biện, và là thành viên Hiệp hội Danh dự Quốc gia. Bà còn được trao giải nhất khoa học xã hội của trường khi đang học năm cuối.
Chân dung xinh đẹp của Hillary Clinton thưở niên thiếu.
Hillary Clinton đã thể hiện tư chất chính trị gia từ rất sớm. Hillary làm quen với chính trị vào từ năm 1964, khi bà mới chỉ năm 16 tuổi. Cách đây gần nửa thế kỷ, công luận Mỹ đã một phen bất ngờ vì bài phát biểu của nữ sinh viên Hillary Rodham trong lễ ra trường của Đại học Wellesley. Ngày 31/5/1969, Đại học Wellesley tiến hành trao bằng tốt nghiệp cho hơn 2.000 sinh viên. Vào thời điểm đó, phong trào biểu tình của sinh viên Mỹ diễn ra rất rầm rộ, thậm chí một số biến thành bạo lực. Sinh viên đòi công bằng trong chính sách nhà đất, phản đối phân biệt chủng tộc và phản đối chiến tranh Việt Nam.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Edward Brooke được mời đến dự và có bài phát biểu. Trong bài phát biểu của mình, ông Brooke chỉ trích các cuộc đấu tranh của sinh viên. Ông ám chỉ rằng đó là điều nguy hiểm, tạo ra căng thẳng xã hội và tình trạng chia rẽ cản trở sự tăng trưởng kinh tế. Bà Clinton là người lên sân khấu ngay sau ông Brooke. Bà ngay lập tức quay sang nhìn ông Brooke và đáp trả: "Chúng tôi chưa được đứng ở vị trí lãnh đạo hay cầm quyền nhưng chúng tôi có quyền không thể bỏ qua là phê bình và phản đối mang tính xây dựng". Những lời lẽ này hoàn toàn do bà ứng biến, không hề có trong nội dung chuẩn bị trước.
Bà tiếp tục nhằm vào vị thượng nghị sĩ đang ngồi hàng ghế đầu: "Có nghĩa lý gì khi biết rằng 13,3% người dân nước ta đang sống dưới mức nghèo đói? Đó chỉ là một con số. Chúng tôi không quan tâm đến việc xây dựng lại xã hội, chúng tôi quan tâm đến tái thiết con người". Kết thúc bài phát biểu, nữ sinh Rodham đã nhận được tràng pháo tay kéo dài hơn nửa phút. Sự kiện ngay lập tức được truyền thông chú ý, trong đó có tạp chí Life sau này đã đăng một phần bài phát biểu.
Chỉ sau một đêm, Hilary Rodham trở thành biểu tượng của phong trào sinh viên toàn nước Mỹ. Washington Post đánh giá bài phát biểu là minh chứng sớm cho bản lĩnh chính trị cũng như khả năng cảm nhận thời điểm tung ra "đòn tấn công" chiến lược của bà.
Hình ảnh bà Clinton trên tạp chí Life năm 1969.
Năm 1969, Rodham vào học trường Luật thuộc Đại học Yale, ở đây cô làm việc trong ban biên tập của Tạp chí Luật và Hành động Xã hội của nhà trường. Năm 1973, Rodham nhận văn bằng Tiến sĩ Luật (J.D.) tại Yale với luận án về quyền trẻ em, rồi bắt đầu một năm nghiên cứu trong chương trình cao học về trẻ em và y học tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale.
Chuyện tình Clinton
"Mùa xuân năm 1971, tôi đã gặp một cô gái"- cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã bắt đầu câu chuyện tình của mình như thế khi phát biểu trước đại hội đảng Dân chủ, sau khi bà vợ nổi tiếng Hillary Clinton trở thành người phụ nữ đầu tiên của nước Mỹ đại diện cho một đảng phái tranh cử tổng thống.
Vị tổng thống thứ 42 kể rằng sau rất nhiều lần đi theo, nhìn trộm cô sinh viên, cuối cùng cô ấy cũng đã nhìn lại, không những thế còn đi thẳng tới chỗ ông đang ngồi trong thư viện mà bảo rằng: "Xem này, nếu anh cứ nhìn tôi mãi như thế và bây giờ tôi nhìn lại anh thì ít nhất chúng ta cũng phải biết tên nhau chứ. Tôi là Hillary Rodham, còn anh là ai?". Và ông già 70 tuổi Bill Clinton đã khiến cho khán giả đông đảo phía dưới - cả những ông bà già khác - cũng phải cười vang, khi kể về giây phút ông bị "đứng hình", không thốt nên lời trước lời giới thiệu của Hillary.
Vài ngày sau, họ có buổi hẹn đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp trường luật năm 1973, chàng trai Bill đưa bạn gái Hillary đi du lịch nước ngoài. Cặp đôi dành thời gian đến Anh, nơi Bill cầu hôn Hillary trên bãi biển Ennerdale. Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ khi bà Hillary từ chối. Hillary nói rằng bà yêu ông Bill song cả hai cần có thêm thời gian rồi mới tính chuyện cưới. Dù bị từ chối ngay lần đầu, cựu tổng thống Mỹ tiếp tục cầu hôn Hillary một lần nữa. Đó là khi họ trở về từ châu Âu, Hillary chuyển tới bang Arkansas để tìm việc. Không may mắn khi tìm việc làm, Hillary quyết định về thăm nhà. Trên đường tới sân bay, bà vô cùng ấn tượng và lưu luyến một căn nhà ở thành phố Fayetteville. Vài tuần sau, ông Bill liền đặt mua ngay căn nhà và mời bà Hillary chuyển tới đây. Cuối cùng, người phụ nữ sắt đá cũng xao xuyến và đồng ý nhận lời cầu hôn. Đám cưới diễn ra vào tháng 11/1975.
Đám cưới giản dị của hai vợ chồng nhà Clinton.
Quyết định từ bỏ mọi thứ và chuyển đến sống ở Arkansas – một vùng đất quá đỗi xa lạ - của Hilary đã khiến nhiều người bất ngờ. "Cậu có mất trí không?", Sara Ehrman, chủ nhà và cũng là bạn, hỏi bà. "Tại sao lại khăng khăng vứt bỏ tương lai của mình như vậy?". Trong cuốn hồi ký Living History xuất bản năm 2003, cựu đệ nhất phu nhân viết rằng bà làm điều đó vì tình yêu. Đồng thời, bản thân bà khi ấy có niềm tin mãnh liệt rằng người bạn trai 27 tuổi của mình "sẽ làm nên chuyện lớn" trong tương lai.
Chelsea Clinton, người con duy nhất của cặp đôi nhà Clinton chào
đời ngày 27/2/1980 tại thành phố Little Rock, bang Arkansas.
Trong 40 năm hôn nhân, cặp đôi đã phải đương đầu với rất vô vàn sóng gió. Năm 1998, mối quan hệ trong gia đình Clinton trở thành mục tiêu của nhiều lời đồn đại và suy diễn về vụ tai tiếng Lewinsky khi tổng thống thừa nhận có quan hệ tình dục với cựu thực tập sinh tại Nhà Trắng, Monica Lewinsky. Lúc đầu, Hillary cho rằng những cáo buộc chống lại chồng bà đến từ một "âm mưu của cánh hữu". Sau những chứng cớ rõ ràng về mối quan hệ giữa tổng thống và Lewinsky, bà bày tỏ sự vững tin vào sự bền vững của mối quan hệ hôn nhân với chồng. Về sau, cả hai thú nhận trong hồi ký đó là thời kỳ khó khăn và nhiều đau đớn trong hôn nhân của họ. Tuy nhiên, Hilary đã từng tâm sự trong cuốn hồi kí của mình: "Không ai hiểu tôi hơn Bill, cũng không ai có thể làm tôi cười như cách Bill vẫn làm. Ngay cả sau những năm khó khăn ấy, Bill vẫn là người sinh động, đầy sinh lực và thú vị nhất mà tôi từng gặp. Mùa xuân năm 1971 là lúc Bill và tôi lần đầu trò chuyện với nhau, đã hơn ba mươi năm trôi qua, chúng tôi vẫn tiếp tục trò chuyện với nhau".
Monica Lewinsky (trái) và cựu Tổng thống Bill Clinton.
Đệ nhất Phu nhân Tiểu bang Arkansas không chịu đổi họ theo chồng
Năm 1978, khi Bill Clinton đắc cử thống đốc Arkansas, Hilary trở thành Đệ nhất Phu nhân của tiểu bang, danh hiệu này được kéo dài trong thời gian tổng cộng là 12 năm. Khi đó, dù đã cưới chồng, bà vẫn muốn giữ nguyên họ của mình. Tuy nhiên, khi ông Clinton thất bại trong lần tái tranh cử thống đốc Arkansas năm 1980, một số người bạn đã hối thúc bà đổi họ.
"Trong thông báo về sự chào đời của con gái Chelsea, tôi cũng chỉ đề đúng tên khai sinh của mình. Điều đó đã trở thành chủ đề nóng khắp bang" - bà Hilary viết trong hồi ký - "Sau nhiều lần như vậy, tôi chấp nhận việc Bill tái đắc cử thống đốc quan trọng hơn việc tôi giữ được họ của mình".
Trong suốt thời gian là phu nhân thống đốc, bà Hilary giữ vai trò cố vấn trong nhiều chính sách quan trọng của bang Arkansas. Tuy nhiên, bà vẫn chưa thể thoát khỏi cái bóng của chồng. Người ta vẫn xem bà là "bà Clinton" chứ không phải "bà Hillary" và vì thế sự nghiệp cũng như vai trò của bà đối với chồng thường trở thành đề tài bàn tán.
Vấn đề đó được chú ý nhiều hơn khi ông Clinton ra tranh cử tổng thống vào năm 1992. Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Nightlife của bà ABC, bà Clinton đã thẳng thắn đáp trả: "Bạn biết đấy, tôi từng nghĩ tôi có thể chỉ cần quanh quẩn trong nhà, rồi nướng bánh, uống trà. Thế nhưng tôi đã quyết định phải có sự nghiệp của mình, điều mà tôi đã bắt đầu trước cả khi chồng tôi hiện diện trong đời sống công chúng".
Hillary Clinton luôn là một người phụ nữ đề cao nữ quyền.
Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ
Sau khi Bill Clinton thắng cử năm 1992 để chuẩn bị bước vào Nhà Trắng, năm 1993 Hillary Rodham Clinton trở thành Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ. Bà là đệ nhất phu nhân đầu tiên có học vị trên đại học, cụ thể là Tiến sĩ Luật và từng thành công trong nghề nghiệp chuyên môn. Nhiều người xem bà là phu nhân tổng thống được chính thức dành cho nhiều quyền hạn nhất, hơn cả Eleanor Roosevelt. “Chẳng có cuốn sách hướng dẫn nào sẵn cho đệ nhất phu nhân" -bà Clinton viết trong hồi ký. Hillary Clinton muốn hoàn thành vai trò "vừa là tiền tuyến vừa là hậu phương" đối với chồng mà "không mất đi tiếng nói của mình".
Trong cương vị đệ nhất phu nhân, Clinton giành được sự ngưỡng mộ của nhiều người vì tính kiên định trong lập trường ủng hộ quyền phụ nữ trên khắp thế giới cũng như những cống hiến của bà cho các vấn đề trẻ em không chỉ tại nước Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu. Năm 1995, tại Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ tư ở Bắc Kinh, Trung Quốc, bà đã có bài phát biểu gây chấn động với câu nói nổi tiếng "Nhân quyền chính là nữ quyền và nữ quyền cũng chính là nhân quyền". Theo New York Times, bài phát biểu giúp tái xác lập hình ảnh toàn cầu của bà: từ một đệ nhất phu nhân trở thành một chính trị gia đúng nghĩa.
Hình ảnh Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ tại Hội nghị Thế giới về Phụ nữ lần thứ tư ở Bắc Kinh, Trung Quốc năm 1995.
Thế nhưng, những nỗ lực xây dựng hình ảnh của bà suýt chút nữa đã đổ sụp khi vụ ngoại tình giữa Tổng thống Bill Clinton với Monica Lewinsky, nữ thực tập sinh tại Nhà Trắng, bị phanh phui vào năm 1998. Đệ nhất phu nhân kể lại khoảnh khắc chồng thú nhận với bà: "Tôi gần như không thở được... Tôi khóc và hét vào mặt Bill 'tại sao anh lại lừa dối tôi'. Tôi không biết cuộc hôn nhân của chúng tôi có thể hay có nên tiếp tục sau sự phản bội đau đớn đó hay không".
Cuối cùng, cuộc hôn nhân của bà vẫn tồn tại khi bà quyết định không ly hôn. Việc đó đã khiến bà nhận về nhiều "gạch đá" từ báo chí. "Bà ấy đã cởi bỏ mặt nạ và cho thấy mình là một nhà nữ quyền giả cầy sau khi để đàn ông chà đạp lên mọi thứ của mình", New York Times bình luận.
Tuy nhiên, số đông công chúng tỏ ra đồng cảm với bà và tỷ lệ ủng hộ bà cũng theo đó tăng vọt. Quan trọng hơn, chính vụ bê bối này đã thúc đẩy bà Clinton theo đuổi sự nghiệp chính trị của riêng mình. Cố vấn lâu năm của bà, Harold Ickes, nói đó là cuộc đua "chuộc tội" để có thể "cho phép những người ủng hộ bà nói rằng bà có nhiều thứ hơn những gì người ta nghĩ".
Dù ông Bill vướng vào câu chuyện tình ái với một thực tập sinh tại Nhà Trắng, bà Clinton vẫn luôn đứng sau ủng hộ người chồng mà bà tin tưởng.
Thượng nghị sĩ New York
Khi Hilary quyết định ứng cử vị trí thượng nghị sĩ đại diện New York vào năm 2000, Tổng thống Bill Clinton vẫn đang phải đối mặt với sự tẩy chay của công luận. Trước đó, bản thân bà cũng không chắc chắn về quyết định này. “Quyết định khó khăn nhất trong đời tôi là vừa tiếp tục cuộc hôn nhân với Bill vừa ra tranh cử thượng nghị sĩ đại diện New York”– Hilary viết trong hồi ký Living Story.
Khi Hilary bước vào hàng ngũ 100 thượng nghị sĩ liên bang, nhiều người tin rằng bà buộc phải chấp nhận một vị trí thấp kém để học hỏi quy trình lập pháp cùng lúc với nỗ lực xây dựng các mối quan hệ với các thượng nghị sĩ từ cả hai chính đảng. Giai đoạn này, bà thể hiện mình là một chính trị gia quyền lực qua những hành động không cần phải lên tiếng. Bà làm việc không mệt mỏi để tái thiết New York sau vụ khủng bố 11/9, bà khiêm nhường với những thượng nghị sĩ lớn tuổi, bà giao hảo với các thành viên đảng Cộng hòa và bà không cố giành lấy vị trí tốt khi chụp ảnh. Thực tế, bà thể hiện vai trò của một nhà lập pháp "chỉ biết đến công việc" tốt đến nỗi từng có những đồn đoán rằng bà sẽ ứng cử cho vị trí lãnh đạo đa số tại Thượng viện, thay vì tổng thống.
Bà Clinton tại hiện trường vụ khủng bố 11/9 ở New York năm 2001.
Dĩ nhiên, tham vọng của bà lớn hơn thế. Bà ra tranh cử tổng thống năm 2008 và thất bại trước Obama. Trong bài phát chấp nhận thua cuộc, bà nói: "Hãy luôn hướng thượng, làm việc cật lực và chú tâm vào những gì bạn tin tưởng. Khi vấp ngã, hãy giữ vững niềm tin. Khi đổ gục, hãy cố gắng gượng dậy. Và đừng bao giờ lắng nghe bất cứ ai nói rằng bạn không thể hoặc không nên bước tới".
Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008 đã mở ra một chương mới trong sự nghiệp của Hilary Clinton khi Tổng thống Obama đề cử bà vào vị trí ngoại trưởng. "Gần như mọi thắng lợi trong chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama đều có dấu ấn của Ngoại trưởng Clinton”– Harry Reid, lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng Viện Mỹ, nói với Politico.com năm 2015.
Trong những thời khắc căng thẳng và quyết định nhất, bà Clinton luôn đứng về phía ông Obama. Bà là người ủng hộ ông Obama mạnh mẽ nhất trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, bất chấp sự do dự của những người thân cận khác.
Tuy nhiên, bà Clinton đã quyết định đến lúc bà nhận về thành quả từ sự trung thành của mình. Bà từ chối đề nghị bà tiếp tục giữ chức ngoại trưởng của Tống thống Obama sau khi ông tái đắc cử, đúng theo ý định từ trước. Bà muốn chuyển hướng cuộc hôn phối chính trị: bà từng hết lòng với ông và giờ là lúc ông thể hiện điều đó với bà. Cựu ngoại trưởng bắt đầu lôi kéo nhiều chiến lược gia và chuyên viên cố vấn hàng đầu từ đội ngũ của vị tổng thống da màu về phe mình. Họ đã cùng nhau lên kế hoạch cho chiến dịch trở lại Nhà Trắng lần thứ hai của bà Clinton.
Barack Obama và Hillary Clinton luôn là hai cái tên đồng hành với nhau trên con đường chính trị của mỗi người.
Giờ đây, cánh cổng dẫn vào Nhà Trắng đang rộng mở hơn bao giờ hết đối với Hillary Clinton. Nếu bà chiến thắng, có lẽ sẽ không nhiều người ngạc nhiên. Bởi vì, trong suốt hành trình trải dài nửa thế kỷ, bà chưa từng bỏ cuộc.