Hành trình chưa từng có

Lúc 22h30 ngày 4/10, trên một con đường vắng người qua lại dẫn tới một trong các cổng của sân bay Changi, những chiếc máy phun sương miệt mài làm ẩm mặt đường. Cảnh sát và đội hỗ trợ nỗ lực chặn cả con phố. Phía sau hàng rào, một chiếc máy bay khổng lồ lặng lẽ và chậm rãi lướt tới cánh cổng.

Vào 11 giờ đêm, đoạn đường dài 2km đã bị phong tỏa. Trụ đèn và các vật cản thấp nằm hai bên đường cũng đã bị loại bỏ. Mọi thứ sẵn sàng hoạt động và ngôi sao chính xuất hiện. Hai chiếc Airbus A380, loại máy bay chở khách lớn nhất thế giới, cùng một chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Singapore Airlines được kéo trên đường. Chúng thực hiện hành trình cuối đời tới Trung tâm Triển lãm Changi, nơi người ta chuẩn bị sẵn để tháo rời những con chim sắt khổng lồ.

Đây là lần đầu tiên Singapore Airlines tiến hành "hóa kiếp" những chiếc siêu máy bay phản lực tại Singapore. Hai chiếc A380 số hiệu thân 9V-SKH và 9V-SKG nằm trong nhóm 7 chiếc cùng loại mà Singapore Airlines cho nghỉ hưu vào tháng 11 năm ngoái trong bối cảnh hãng này thua lỗ tới 3,5 tỷ USD do hành khách sụt giảm vì Covid-19.

Hình ảnh độc nhất vô nhị: Siêu máy bay A380 xếp hàng đi trên đường phố Singapore và cái kết buồn cho những gã khổng lồ của bầu trời  - Ảnh 1.

Tất cả những chiếc A380 này đều còn khá mới. Chúng được giao vào tháng 5 và tháng 6 năm 2009. Năm chiếc A380 khác mà hãng hàng không này cho nghỉ hưu trước đó cũng đều chỉ mới được sử dụng trong khoảng 1 thập kỷ. Chúng đều đã ở nước ngoài hoặc đang cất kho khi bị loại biên.

Thông thường, Singapore không "hóa kiếp" các máy bay vì đó là một công việc đòi hỏi khá nhiều công sức và tài nguyên. Tuy nhiên, việc đưa những chiếc máy bay này ra nước ngoài phá dỡ tốn chi phí hơn rất nhiều trong bối cảnh biên giới các nước đang đóng cửa. Chính vì thế, Singapore Airlines quyết định "hóa kiếp" những chiếc siêu phản lực ngay trong nước.

"Nhìn chung, phá dỡ máy bay là một hoạt động khá chuyên biệt. Bạn thực sự phải biết cách di chuyển chúng một cách an toàn và chính xác để giữ lại những gì giá trị. Bạn không muốn làm hỏng những bộ phận mà mình có thể bán", Greg Waldron của FlightGlobal Asia chia sẻ.

Trong khi con đường bị cấm lưu thông, người đi xe đạp và người đi bộ cùng với những người đam mê hàng không vẫn có thể tới gần để xem hoạt động "chưa từng có". Hàng loạt thiết bị quay và chụp chuyên nghiệp cũng đã xuất hiện ở ven đường để có thể quan sát 2 chiếc máy bay khổng lồ di chuyển trên đường bộ.

Một trong số họ là sinh viên đam mê hàng không Yeong Zi Feng. Chàng trai 18 tuổi này đã lái xe quanh khu vực để có thể tìm một vị trí đẹp nhất nhằm ghi lại khoảnh khắc độc nhất vô nhị này.

"A380 là một loại máy bay lớn vì thế không phải ở đâu bạn cũng có thể nhìn thấy chúng. Thật tuyệt khi có một bức ảnh về nó", Feng chia sẻ với CNA khi chụp hình 2 chiếc máy bay được kéo đi trên đường bộ. Tuy nhiên, chàng trai này cũng cảm thấy nuối tiếc khi những chiếc A380 được ra đời "không đúng thời điểm".

Cái kết buồn cho một biểu tượng

Singapore Airlines là hãng hàng không đầu tiên khai trương dịch vụ bay với những chiếc A380 vào thời điểm gây sốt tháng 12/2007. Tuy nhiên, họ đã trả lại 2 chiếc cho công ty cho thuê của Đức 10 năm sau đó, khi hợp đồng hết hạn.

Là loại máy bay chở khách lớn nhất hành tinh, A380 mang lại sự rộng rãi và yên tĩnh. Tuy nhiên, nhu cầu về loại máy bay khổng lồ này đã giảm xuống, nhất là khi nhiều hãng hàng không thay thế máy bay chở khách 4 động cơ bằng các loại máy bay 2 động cơ nhỏ hơn. Chi phí vận hành, khai thác và việc dễ lấp đầy khiến những chiếc máy bay nhỏ hơn được ưa chuộng.

"Đó là những chiếc máy bay khổng lồ. Vì vậy, các hãng hàng không gặp khó khăn trong việc lấp đầy tất cả các ghế. Về cơ bản, nó chỉ phù hợp với những đường bay cụ thể, chẳng hạn liên kết các trung tâm tài chính lớn. Bạn không thể sử dụng nó để khai thác các tuyến đường bay khác vì máy bay quá to", ông Waldron nói.

Hình ảnh độc nhất vô nhị: Siêu máy bay A380 xếp hàng đi trên đường phố Singapore và cái kết buồn cho những gã khổng lồ của bầu trời  - Ảnh 2.

Ngoài A380, một chiếc Boeing 777 (bên phải) cũng được đưa đi tháo dỡ đợt này

Một vấn đề khác là Airbus A380 gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các dòng máy bay 2 động cơ khác như Boeing 777-300ER, Boeing 787 và cả Airbus A350. Những chiếc máy bay này đáp ứng hầu hết yêu cầu với chiếc A380 nhưng chi phí rẻ hơn rất nhiều. Chính điều đó là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ của A380.

Tuy nhiên, mọi việc có lẽ không tồi tệ đến vậy. Singapore Airlines đang lên kế hoạch lắp loại cabin mới cho 12 chiếc A380 còn lại của họ, một dấu hiệu cho thấy những gã khổng lồ sẽ trở lại khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng lên. Hiện tại, một số chiếc A380 loại này vẫn đang được cất giữ trong các nhà chứa máy bay ở Alice Springs, Australia.

"Đối với các hành khách, A380 vẫn cực kỳ được ưa chuộng bởi nó lớn, thoải mái, vận hành yên tĩnh. Không thể phủ nhận, mẫu máy bay này chính là biểu tượng của Airbus và cũng là niềm tự hào của các hãng hàng không", Waldron nói.

Dẫu vậy, những tác động từ đại dịch Covid-19 là vô cùng lớn với ngành công nghiệp hàng không toàn cầu nói chung và những chiếc A380 nói riêng. Các chuyên gia cho rằng, với diễn biến phức tạp của các biến thể, ngành công nghiệp hàng không sẽ cần vài năm nữa để có thể trở lại mức trước dịch. Điều đó khiến những chiếc phi cơ biểu tượng trở thành gánh nặng khổng lồ đè lên vai các hãng hàng không, nhất là khi họ đang oằn mình bù lỗ.

Không chỉ Airbus A380, một loại máy bay thân rộng 4 động cơ khác là Boeing 747 cũng đã không còn được sản xuất. Nhiều hãng hàng không trên khắp thế giới cũng đã loại mẫu máy bay này khỏi biên chế bất kể nó từng được gọi với danh xưng "nữ hoàng bầu trời". Thách thức mà Airbus A380 và Boeing 747 gặp phải dường như sẽ khiến việc phát triển máy bay khổng lồ không còn hấp dẫn trong tương lai gần, khi ngành công nghiệp này không tạo ra những đột phá trong thiết kế máy bay và nhiên liệu hoạt động của những chiếc phi cơ.