Nét văn hoá lâu đời

Nguồn gốc của các cuộc tuần tra hỏa hoạn hinoyojin có thể bắt nguồn từ thời kỳ Edo (1603 - 1867) - thời kỳ mà các vụ cháy xảy ra thường xuyên ở các thị trấn do hầu hết các căn nhà đều được làm từ nguyên liệu chính là gỗ. Cuộc tuần tra sớm nhất được ghi lại bởi các quan chức thị trấn có từ năm 1648.

Đến năm 1718, dưới triều đại của Tokugawa Yoshimune, vị tướng quân thứ 8 của Mạc phủ Tokugawa, các đội chữa cháy được thành lập, với thành viên chủ yếu là các samurai và người dân trong thị trấn.

Ngày nay, các cuộc tuần tra hinoyojin được tổ chức bởi thành viên chokai (hội đồng thị trấn) và jichikai (hiệp hội cư dân) của mỗi phường trong thành phố. Đối với các thành phố lớn có mật độ dân số cao như Tokyo và Osaka, số lượng thành viên chokai có thể lên tới hàng trăm người trong một phường.

Hinoyojin: Truyền thống cảnh báo hỏa hoạn độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 1.

Các tình nguyện viên trong nhóm tuần tra cứu hoả có thể là cư dân địa phương hoặc nhân viên văn phòng

Ví dụ, phường Koto của Tokyo có đến 280 chokai và jichikai, mặc dù phường này được coi là một trong những khu dân cư nhỏ theo mật độ trong thành phố.

Làm việc với các đội cứu hỏa, chokai tuyển chọn cư dân địa phương làm người canh gác tình nguyện cho các cuộc tuần tra hinoyojin. Các cuộc tuần tra thường được tiến hành vào mùa đông, khi các vụ cháy dễ xảy ra do không khí khô, các thiết bị sưởi ấm và bếp lò được bật liên tục nhưng không có người trông coi.

Hinoyojin: Truyền thống cảnh báo hỏa hoạn độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 2.

Đoàn tuần tra hinoyojin đi quanh khu phố để cảnh báo cho cư dân

Trên thực tế, số lượng các đám cháy đã giảm dần. Theo Sở Cứu hỏa Tokyo, số vụ hỏa hoạn trong thành phố đã giảm trong thập kỷ qua do khả năng chống cháy trong các tòa nhà được cải thiện và thiết bị chữa cháy tốt hơn. Cụ thể, thống kê cho thấy có 5.089 vụ cháy vào năm 2011, con số này giảm xuống còn 4.205 vào năm 2016 và 3.939 vào năm 2021.

Kiyotaka Takeuchi, người giám sát bộ phận an toàn phòng cháy chữa cháy và phòng chống thảm họa tại Tòa thị chính phường Koto cho biết: "Ở Nhật Bản, 'mùa cháy' thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3, mặc dù điều này có thể phụ thuộc vào khu vực. Vì vậy, các cuộc tuần tra hinoyojin thường được tổ chức vào cuối năm từ ngày 25 đến ngày 30/12".

Ý nghĩa vượt lên trên cả sự an toàn

Hyoshigi - hai thanh gỗ được buộc với nhau bằng một sợi dây và được sử dụng để gõ vào nhau tạo ra tiếng động lớn - có thể được tìm thấy trong các sự kiện truyền thống khác ở Nhật Bản.

Chẳng hạn như trong kabuki, một hình thức biểu diễn sân khấu truyền thống, hyoshigi được đánh để báo hiệu buổi biểu diễn bắt đầu. Tương tự như vậy, trong môn đấu vật sumo, âm thanh này được dùng để báo hiệu bắt đầu trận đấu.

Thế nhưng, đối với nhiều người Nhật Bản, âm thanh chói tai của hyoshigi đã trở thành một tín hiệu cho sự an toàn cháy nổ vào mùa đông. Các bài kêu gọi phòng chống hỏa hoạn mà những người diễu hành đọc có thể khác nhau tùy theo từng khu vực hoặc từng phường, thậm chí còn có những bài diễn thuyết kêu gọi người nghe chú ý đến tội phạm và an toàn cá nhân.

Hinoyojin: Truyền thống cảnh báo hỏa hoạn độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 3.

Trẻ em cũng được tham gia các cuộc diễu hành tại phường Koto

Ví dụ, có một số câu hát thường được nhắc đến bởi những người diễu hành như: "Sugu ni mo! Tojimari yojin, hinoyojin!" (Làm ngay đi! Khóa cửa lại, coi chừng hỏa hoạn!), hoặc "Ki wo tsukero! Anzen daiichi, hinoyojin!" (Cẩn thận! An toàn là trên hết, coi chừng hỏa hoạn!).

Do tính chất của bài hát và sự quen thuộc đối với người dân địa phương, những bài hát này thường lặp đi lặp lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp người dân dễ dàng ghi nhớ những lời cảnh báo một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, đối với một quốc gia đã biết cách sử dụng các ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội để gửi cảnh báo khẩn cấp về thiên tai cho công dân của mình, liệu một nhóm tuần tra truyền thống như hinoyojin có còn phù hợp không?

Hinoyojin: Truyền thống cảnh báo hỏa hoạn độc đáo của người Nhật Bản - Ảnh 4.

Các con hẻm nơi đoàn tuần tra thường ghé qua

Takeuchi cho biết nếu mục đích chỉ là kêu gọi sự chú ý đến an toàn cháy nổ, thì các ứng dụng và mạng xã hội sẽ "hiệu quả hơn về mặt truyền tải thông tin". Tuy nhiên, việc tuần tra (hinoyojin) mang lại những lợi ích khác ngoài cảnh báo về hỏa hoạn: "Nó cho phép chúng tôi tương tác với người dân địa phương, ngăn chặn tội phạm và tìm kiếm bất cứ điều gì bất thường trong khu phố".

"Đó là một sự kiện ý nghĩa gắn kết cư dân lại với nhau", Takeuchi cho hay.