H&M đã khởi kiện nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein vì "vi phạm bản quyền", theo các tài liệu tòa án được nộp tại Hong Kong. Cụ thể, Hennes & Mauritz - công ty thời trang của Thụy Điển (thường được gọi tắt là H&M) cáo buộc Shein sao chép các thiết kế từ thương hiệu. H&M đang xác định những thiệt hại, đồng thời xin lệnh tòa án để ngăn Shein vi phảm bản quyền và nhãn hiệu của hãng.

Zoetop Business Co - chủ sở hữu cũ của Shein có trụ sở tại Hong Kong và Shein Group Ltd được coi là bị đơn trong vụ kiện này. Bên cạnh đó, một chuỗi kiện tụng đã được tiến hành kể từ tháng 7/2021.

H&M khởi kiện Shein vì "đạo nhái" thiết kế - Ảnh 1.

Theo như trang Bloomberg, tài liệu khởi kiện bao gồm hình ảnh các sản phẩm của H&M, chẳng hạn như đồ bơi và áo len để làm "bằng chứng" cho thấy Shein đã "ăn cắp" thiết kế từ thương hiệu đến từ Thụy Điển. Trao đổi với trang The Independent, một người phát ngôn của H&M đã xác nhận rằng: "Vụ kiện đang diễn ra với Shein được đệ trình tại Hong Kong".

"Chúng tôi tin rằng Shein đã nhiều lần vi phạm bản quyền các thiết kế của H&M, do đó dẫn đến vụ kiện này. Và bởi sự việc vẫn đang tiến hành, nên chúng tôi sẽ không chia sẻ thêm", phía H&M cho biết. Trong khi đó, phía Shein từ chối bình luận về vụ kiện đang chờ giải quyết.

Như đã đề cập ở trên, chuỗi kiện tụng được khởi xướng vào năm 2021, bắt nguồn từ những sản phẩm in hình kỳ lân tạo nên bởi đội ngũ thiết kế của H&M tại Stockholm. Vụ kiện chỉ ra "sự giống nhau rõ rệt giữa các sản phẩm, cho thấy đây hẳn là sao chép". Thêm nữa, luật sư của Hennes & Mauritz còn cảnh báo tòa án về "quy mô lớn" của việc Shein "sao chép trái phép" những "phần trọng yếu" của các sản phẩm H&M đã có tác quyền.

Nói về vụ kiện của H&M đối với Shein, tài khoản Instagram về thời trang @diet_prada với 3,4 triệu lượt theo dõi đã chia sẻ rằng: "Đợi đã, từ khi nào mà H&M lại quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ của người khác vậy?". Diet Prada nói thêm về H&M: "Là một nhà bán lẻ thời trang nhanh, các sản phẩm của H&M dao động từ lấy-cảm-hứng-thiết-kế cho tới nhái-hoàn-toàn".

"Có một sự thật trớ trêu là H&M - công ty từng bị tố đạo nhái, giờ đây lại đưa ra những tuyên bố tương tự để chống lại công ty nhỏ hơn", theo giáo sư Susan Scafidi kiêm nhà sáng lập Fashion Law Institute (Viện luật thời trang).

H&M khởi kiện Shein vì "đạo nhái" thiết kế - Ảnh 2.

Quay trở lại với Shein, công ty này cũng nhiều lần bị tố vi phạm bản quyền trong suốt 3 năm qua. Theo như The Independent, đã có hơn chục vụ kiện chống lại Shein chỉ trong năm nay tại Mỹ, các nguyên đơn cáo buộc hãng này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các luật sư cho rằng hành động vi phạm bản quyền của Shein là một phần trong mô hình kinh doanh của hãng, và công ty thường trả một khoản tiền nhỏ cho các nhà thiết kế. 

Vào năm 2021, doanh số của Shein thấp hơn nhiều so với H&M, nhưng Shein lại có sự tăng trưởng doanh thu nhảy vọt nhờ việc nhanh chóng tung ra các sản phẩm mới, và những chiến lược tiếp thị kỹ thuật số mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhờ vậy, Shein đã thu hút sự chú ý của các công ty, nhà thiết kế tại thị trường phương Tây, bao gồm Mỹ và châu Âu.

H&M khởi kiện Shein vì "đạo nhái" thiết kế - Ảnh 3.

Các nhà bán lẻ điện tử giá rẻ như Boohoo, Temu và Shein có sự bùng nổ và chiếm một phần lớn trong thị trường thời trang nhanh. Với thực trạng này, H&M đang nắm giữ một không gian khó xử, khi vừa phải cạnh tranh với tư cách công ty đại chúng, vừa cần thích nghi với sự thay đổi giá trị từ phía khách hàng.

Shein đã cung cấp một lượng lớn những lựa chọn giá rẻ và nhanh chóng tới các khách hàng thế hệ mới - những người muốn được làm hài lòng ngay lập tức. H&M thì đang nỗ lực để tạo sự khác biệt. Họ mở rộng bộ sưu tập H&M Studio và cả bộ sưu tập thân thiện với hệ sinh thái Conscious Collection. H&M thậm chí còn cải tiến cách trưng bày cửa hàng để gia tăng trải nghiệm. Tuy nhiên, theo ý kiến của Diet Prada thì "sự thay đổi này dường như không hiệu quả". Vào năm 2022, Shein ghi nhận doanh thu khoảng 23 tỷ đô la và đang trên đà vượt qua đối thủ.

Nguồn: The Independent, @diet_prada