Vài tháng gần đây, tại một số xã vùng sâu của Thạnh Hóa, Long An xuất hiện tình trạng nông dân đồng loạt bỏ trồng lúa chuyển qua đào ao nuôi cá trê vàng lai. “Cá trê vàng lai lớn nhanh, chỉ ba tháng là thu hoạch (bằng phân nửa thời gian so với nuôi cá trê vàng tự nhiên) và ăn thức ăn công nghiệp. Cá lớn nhanh nhưng lại có màu trắng, vậy mà không hiểu sao lúc người nuôi tát cá bán ra chợ thì cá lại có màu vàng tươi như cá trê đồng. Nghe đâu người nuôi cho ăn hóa chất gì đó mới có màu như vậy” - một chủ quán cơm tại thị trấn Thạnh Hóa thông tin.
Không cho ăn hóa chất, cá không lên màu
Trong vai một người nuôi cá, PV Pháp Luật TP.HCM đã xâm nhập thực tế nhiều ngày tại các xã Thạnh Phú, Thạnh Phước, Thuận Nghĩa Hòa (Thạnh Hóa) và nhận thấy gần như chủ các ao nuôi đều cho cá ăn một loại hóa chất lạ trước khi thu hoạch.
“Tại ông mới vô nghề nên không biết, trước khi thu hoạch mà không cho cá ăn loại này thì cá không lên màu, thương lái sẽ chê không mua hoặc mua giá bèo. Còn chất đó là chất gì, độc hay không độc thì tụi tôi không biết được. Cá nuôi bán đi Campuchia và Trung Quốc, dân mình có ăn đâu mà lo!” - chủ một ao nuôi cá tại ấp Nhơn Xuyên, xã Thuận Nghĩa Hòa mách nước.
Nói xong, như để chứng minh, người đàn ông vào trại cá đem ra một gói bột nhỏ đựng trong bọc nylon không có nhãn mác, có màu như muối tiêu và thả vào một thau nước lạnh. Thau nước lập tức chuyển sang màu vàng sậm. Chất này không có mùi, bám vào tay có cảm giác lạnh tay và màu vàng bám dính rất nhanh, phải rửa tay bằng xà phòng nhiều lần mới hết.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại khu vực huyện Thạnh Hóa có nhiều cơ sở bán thuốc “tạo màu” cho cá. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này đều chỉ bán cho các chủ ao quen mặt, còn rất dè dặt khi bán thuốc cho người lạ.
Loại hóa chất khiến cá trê trắng thành cá trê vàng. Ảnh: H.NAM
Chủ cơ sở bán bịch hóa chất không có nhãn mác cho PV. (Ảnh cắt từ clip)
Nhiều ao nuôi cá tự phát tại Thạnh Hóa, Long An. Ảnh: H.NAM
“Nước càng thối, thuốc mới hiệu quả”
Sáng 25-1, chúng tôi tiếp cận một tiệm bán thức ăn thủy sản cặp lộ N2 gần trung tâm thị trấn, đoạn qua xã Thuận Nghĩa Hòa. Khi chúng tôi hỏi mua thuốc tạo màu cho cá trê, chủ tiệm nhìn vẻ dò xét rồi nói: “Cái này có gì chiều chồng em về anh tới hỏi ảnh, bình thường thuốc đó dân nuôi cá chỉ chia nhau xài thôi chứ không có bán ra ngoài”.
Trưa cùng ngày, chúng tôi tiếp cận một trang trại nuôi cá tên Hiện (Sơn) tại ấp Nhơn Xuyên, xã Thuận Nghĩa Hòa. Theo giới thiệu của nhiều chủ ao, đây là cơ sở cung cấp hóa chất tạo màu cá lớn nhất tại Thạnh Hóa. Thoạt nhìn nơi này chỉ là một trang trại cá bình thường với diện tích ao nuôi hơn 1 ha. Bên ngoài cửa vào hoàn toàn không có biển hiệu, bên trong căn nhà lợp tôn bày bán các loại thức ăn và thuốc thủy sản đủ loại.
Khi chúng tôi vào căn nhà, chủ trang trại là một phụ nữ trẻ đang bán hai bịch thuốc tạo màu cho cá trê. Khi chúng tôi cho biết có hầm cá trê nuôi hơn hai tháng, cỡ 12-13 con/kg nhưng cá màu trắng, chưa thấy “lên màu”, người đàn ông đang mua thuốc liền nhanh nhẹn nói: “Anh mua loại này như em, xài tốt lắm”. Nói xong, người đàn ông đưa ra một bịch thuốc bao bì bọc nhôm loại 1 kg, giá 220.000 đồng, trên bao bì ghi tiếng Việt “tăng cường màu cho da và... chân gà thịt, tăng màu tự nhiên cho lòng đỏ trứng”, nơi sản xuất là TP.HCM.
Chúng tôi hỏi “Lỡ cho ăn cái này rồi mà cá vẫn không lên màu thì sao”, sau vài phút dò hỏi PV nuôi cá ở đâu, gần hầm của ai, người phụ nữ chủ trang trại mới lên tiếng: “Anh muốn chắc ăn thì xài kết hợp hai thứ”. Nói xong người này đi ra sau nhà, lát sau quay lại với một túi nylon màu trắng không có nhãn, mác được cột sơ sài bằng dây thun. Bên trong túi nylon có loại hóa chất lạ và được rao giá 250.000 đồng/0,5 kg.
“Cá cỡ hai tháng cho ăn là vừa. Anh về pha theo tỉ lệ một bịch này (loại không có nhãn) với hai bịch kia (loại bao bì nhôm), trộn chung 5-6 bao thức ăn loại 25 kg, để vài ngày cho thuốc thấm rồi rải xuống ao cho cá ăn. Bảo đảm cá vàng ngay. Nhớ là từ lúc rải thức ăn xuống rồi thì không được tháo nước, cứ để cho nước càng thối thì thuốc mới hiệu quả”.
Nhiều người sống gần các ao cá cho biết: “Ngán nhất là thời điểm cá được cho ăn hóa chất, do chủ ao ngâm ao lâu không xả nước nên ao bốc mùi hôi thối khó chịu. Sau khi thu hoạch cá, chủ ao bắt đầu xả nước có hóa chất ra sông, rạch gây hôi thối cả một vùng”.
Vì lợi nhuận, bỏ lúa đào ao
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng tại xã Thuận Nghĩa Hòa hiện nay đã có gần 30 ha diện tích ao nuôi cá trê vàng lai. Trong đó có nhiều ao với quy mô hàng ngàn mét vuông chỉ mới đào, thậm chí có ao đang đào dang dở. Người dân cho biết trước đây họ lấy cá giống (cá bột) từ An Giang, Cần Thơ nhưng gần đây một số cơ sở tại địa phương đã tự nhân giống và bán với giá 120.000-140.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với giá 190.000-200.000 đồng/kg mua từ nơi khác.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 25-1, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Nghĩa Hòa, cho hay: “Toàn xã có hơn 1.800 ha đất lúa nhưng khoảng một năm trở lại đây nhiều nông dân bỏ trồng lúa, nuôi cá trê vàng lai tự phát. Tuần trước chưa đến 20 ha nhưng chắc giờ diện tích ao nuôi đã tăng lên. Nguyên nhân là do người dân ham lợi trước mắt, một công đất (1.000 m2) tốn tiền đào ao hơn 30 triệu đồng, nuôi ba tháng thu về tám tấn cá thịt, với giá gần 80.000 đồng/kg, mỗi vụ họ lời 200-250 triệu đồng”.
Theo ông Sơn, các ao nuôi cá phần lớn chuyển mục đích trái phép, tuy nhiên xã chỉ lập biên bản nhắc nhở chứ chưa xử phạt. Còn việc cho cá trê ăn chất tạo màu thì xã chỉ nghe đồn chứ chưa kiểm tra, phát hiện vụ nào. Dù vậy xã vẫn có văn bản báo cáo để huyện có hướng giải quyết.
Ông Lê Hữu Tàu, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa, thông tin thêm: Toàn huyện hiện có 90 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó có 40 ha cá trê vàng lai (Thuận Nghĩa Hòa 20 ha, Thạnh Phú 9 ha, Thạnh Phước 8 ha…). Việc người dân phá lúa nuôi cá, tự ý chuyển mục đích gây đảo lộn quy hoạch của địa phương. Hiện tại đầu ra của cá trê cũng không ổn định, nếu đến thời điểm thương lái không thu mua, nông dân sẽ chịu thiệt.
Ông Tàu cho hay tình trạng dân nuôi cá trê lai tự phát đang là vấn đề nóng của địa phương. Huyện cũng có nghe thông tin cá trê được thương lái Trung Quốc thu mua, xử lý hóa chất trong vòng một tuần là cá nuôi vàng như cá đồng. Tuy nhiên, qua xác minh ở địa phương không có thương lái nước ngoài trực tiếp đến thu mua mà chủ yếu là thương lái nội địa. Còn khi vận chuyển đến nơi khác họ có xử lý hóa chất gì không thì huyện không rõ. Còn theo người dân địa phương, loại cá trê này được nhóm thương lái địa phương thu mua, sau đó xuất đi Campuchia và Trung Quốc.
“Trước đây chúng tôi từng phát hiện dân sử dụng một loại thuốc tạo màu cho cá ăn. Tuy nhiên, thuốc này chiết xuất từ bông vạn thọ và bông cúc, có nhãn mác, loại bao 10-20 kg xuất xứ từ Malaysia ghi sử dụng cho gia cầm. Còn loại hóa chất như báo phản ánh thì chúng tôi không rõ và cũng chưa thấy bao giờ. Tuy nhiên, hóa chất mà không có nhãn mác, nguồn gốc thì việc sử dụng bừa bãi là quá nguy hiểm cho sức khỏe con người” - ông Tàu nói.
Chiều 25-1, PV Pháp Luật TP.HCM đã cung cấp hai loại hóa
chất mua từ trang trại nói trên cho Sở NN&PTNT tỉnh Long An. Ông Thái Văn
Bảnh, Chánh Thanh tra sở, đã trực tiếp lập biên bản tiếp nhận số hóa chất lạ
này từ PV. “Từ phản ánh và chứng cứ do báo cung cấp, chúng tôi sẽ kiểm tra cơ sở nói trên. Sau đó, chúng tôi cũng sẽ gửi mẫu đi phân tích các loại hóa chất này và sẽ sớm công khai thông tin để người dân yên tâm” - ông Bảnh nói. |