Anh Đặng Ngọc Huy (32 tuổi, ở Hà Nội) bắt đầu ho cách đây hai tháng. Người đàn ông không sốt, sổ mũi hay nhức đầu nên nghĩ do thời tiết thay đổi. Một tuần đầu anh không dùng bất kỳ loại thuốc nào, tuy nhiên triệu chứng ho tăng nặng khiến anh mất ngủ, nhất là khi nằm cơn ho càng dữ dội.

Khó chịu vì bị cơn ho hành hạ, anh Huy ra hiệu thuốc mua các loại siro ho, thuốc kháng sinh về uống, nhưng tình trạng không cải thiện hơn là bao.

Vợ anh Huy lo lắng chồng bị vấn để liên quan đến phổi vì anh từng mắc 2 lần COVID-19 nên khuyên anh đi khám.

Đến viện sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết, bác sĩ cho biết anh Huy bị trào ngược họng - thanh quản. Đây là lý do khiến anh ho dai dẳng suốt không khỏi dù đã điều trị bằng nhiều loại thuốc.

Ho hai tháng, uống thuốc không khỏi, bất ngờ khi biết nguyên nhân - Ảnh 1.

Bác sĩ Như thăm khám cho bệnh nhân.

Cùng cảnh ho mãi không khỏi như anh Huy, chị Đặng Thu Dung (30 tuổi) mất ngủ nhiều đêm vì cứ nằm xuống là ho, cơn ho kéo dài cả 2, 3 phút khiến nhiều lúc chị bị nôn.

Lúc đầu chị nghĩ do mình ăn quá no, cộng thêm việc bị ho nên xuất hiện triệu chứng như vậy. Tuy nhiên uống nhiều loại thuốc để chấm dứt cơn ho nhưng hơn 1 tuần chị vẫn không thoát khỏi cảnh cứ đặt lưng xuống giường là ho. Chị tìm đến viện thăm khám, kết luận bị trào ngược họng - thanh quản, chỉ định dùng thuốc kháng sinh điều trị.

Theo BSCKI Hà Tố Như, Bệnh viện An Việt cho biết, bất cứ ai cũng có thể bị trào ngược họng - thanh quản. Đây là bệnh lý mà acid từ dịch dạ dày di chuyển ngược chiều sinh lý qua thực quản và gây tổn thương ở vùng họng - thanh quản.

Những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh lý này bao gồm người có chế độ ăn nhiều dầu mỡ, đồ chua cay, những người mặc quần áo chật hoặc thắt lưng chặt, những người thừa cân béo phì, những người làm việc căng thẳng và stress.

Khi gặp phải tình trạng này, bệnh nhân ngoài ho còn xuất hiện các triệu chứng khác như đau họng, khàn tiếng ở mức độ nhẹ, cảm thấy đằng hắng giọng, hay khạc ra chất nhầy ở họng, khó nuốt, cảm giác vướng ở cổ như xuất hiện một khối gì cản trở.

Theo bác sĩ Như, tình trạng trào ngược họng - thanh quản nếu không được điều trị sớm, triệt để có thể gây ra các biến chứng như ho kéo dài, viêm phổi tái phát liên tục, viêm thanh quản dai dẳng, những bất thường ở vùng họng.

“Nhiều người khi bị ho do trào ngược họng – thanh quản không biết nguyên nhân thường tự ý dùng thuốc” , bác sĩ Như nói và chia sẻ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc khi chưa rõ tình trạng của bản thân, nó có thể gây nguy hiểm khi dùng sai thuốc, dẫn tới "tiền mất tật mang'.

Với các bệnh nhân bị trào ngược họng - thanh quản, ngoài việc sử dụng đơn thuốc của bác sĩ, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, chế độ sinh hoạt khoa học, giảm cân, tránh mặc quần áo quá chật.

Khi xuất hiện tình trạng ho kéo dài, người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị tránh gặp các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.